Lịch sử Việt Nam bằng hình phác họa bức chân dung toàn cảnh về quá trình dựng nước và giữ nước, xuyên suốt từ thời xuất hiện các cư dân cổ xưa đầu tiên trên lãnh thổ cho đến khi hình thành một quốc gia hiện đại như ngày nay.
Chiếm phần giá trị không nhỏ trong Lịch sử Việt Nam bằng hình là kho tư liệu ảnh hiện vật phong phú, đa dạng, ứng với mỗi giai đoạn lịch sử, được sưu tập từ các bảo tàng trong nước, ngoài nước và các bộ sưu tập tư nhân. Các di tích, chùa, đền, tượng đài gắn liền với tên tuổi các danh nhân lịch sử cũng hiện diện trong cuốn sách này dưới dạng ảnh chụp để minh họa cho ngôn từ thêm phần sinh động.
Toàn bộ cuốn sách có gần 2.000 tranh ảnh và bản đồ, khiến độc giả cầm trên tay cảm thấy như được đi bảo tàng tại nhà, lại có hướng dẫn viên thuyết minh súc tích, ngắn gọn, không gây buồn chán - với phần nội dung chữ cô đọng.
Chia sẻ với Tri thức - ZNews, anh Đạt Nhân, người phụ trách dự án Lịch sử Việt Nam bằng hình, nói rằng quá trình làm sách thuần túy tính "kỹ thuật", mà mỗi công đoạn đều được chăm chút tỉ mỉ, kỹ lưỡng.
Sách Lịch sử Việt Nam bằng hình. Ảnh: Đ.A. |
- Cuốn sách được ấp ủ trong suốt 17 năm trước khi đến tay độc giả. Từ khi nào Đông A nảy ra ý tưởng thực hiện Lịch sử Việt Nam bằng hình?
- Ngay lần đầu tham dự Hội sách Frankfurt vào năm 2007, Giám đốc Công ty CP Văn hóa Đông A - anh Trần Đại Thắng - đã rất ấn tượng trước những cuốn sách dạng "bách khoa thư" kết hợp hình ảnh và văn bản. Từ lúc đó, anh đã muốn làm được một cuốn sách như vậy về lịch sử Việt Nam.
Tuy nhiên, phải đến năm 2015 thì dự án mới chính thức khởi động. Giai đoạn đầu tiên là lên đề cương cho cuốn sách. Dựa trên "dàn ý" đó, chúng tôi tiến hành đặt tác giả viết phần văn bản và song song là đi chụp tư liệu hình ảnh.
- Quá trình thực hiện dự án dài hơi như vậy, có lẽ cũng trải qua những giai đoạn khó khăn?
- Tôi bén duyên với Đông A vào năm 2017, khi đó tôi chỉ tham gia ở vai trò cộng tác viên biên soạn một số bài trong sách. Điều phối dự án thời điểm ấy là một biên tập viên khác. Đến năm 2019, dự án phải tạm hoãn do thiếu nguồn hình ảnh. Lúc bấy giờ thì cơ bản đã xong phần nội dung bằng chữ.
Năm 2021, tôi trở thành biên tập viên chính thức tại Đông A. Đầu năm 2022, tôi tái khởi động dự án bằng cách tiến hành dàn trang. Từ đây, chúng tôi xác định được mình còn thiếu những gì và lên kế hoạch chụp ảnh, tìm mua ảnh. Phần nội dung chữ cũng được bổ sung khoảng 30%.
- Một cuốn sách quy mô như thế này, Đông A đã thực hiện tổ chức bản thảo ra sao?
- Về phần chữ, sau khi nhận bài viết từ các cộng tác viên biên soạn, chúng tôi sẽ căn chỉnh, ước lượng cho phù hợp với từng trang. Chúng tôi hướng đến tinh thần đưa thông tin súc tích, nên chủ yếu là những nét chính trong lịch sử.
Về phần hình ảnh, chính anh Trần Đại Thắng đã đi qua hơn 100 bảo tàng trong và ngoài nước để chụp và sưu tầm. Chúng tôi chụp rất nhiều góc cho cùng một mẫu vật để lựa chọn được phiên bản tốt nhất. Ngoài ra, nếu có ảnh chất lượng mà người khác chụp từ trước, chúng tôi sẽ mua bản quyền sử dụng.
Những tưởng chụp tĩnh vật trong nhà là công việc dễ dàng, nhưng đôi khi khó khăn nằm ở việc có xin phép được người quản lý hay không. Rất nhiều đền, miếu thờ ở các tỉnh miền Bắc, do cách sắp xếp bên trong mà việc chụp một tấm ảnh đủ sáng, đủ đẹp, không dính tạp cảnh dường như là… bất khả nếu không được người quản lý cho phép tạm thời di dời vị trí nội thất bên trong.
Nhưng may mắn thay, chúng tôi được rất nhiều nhiếp ảnh gia hỗ trợ nguồn ảnh chất lượng, một số người thậm chí đã đề nghị tặng hình ảnh cho dự án.
Cả phần chữ và hình ảnh, sau khi tập hợp lại chúng tôi sẽ dàn trang và qua khâu biên tập nội bộ. Sau đó, chúng tôi gửi đến các học giả, chuyên gia nhờ góp ý, rồi đến ban biên tập của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Sau đó, chúng tôi lại nhờ các chuyên gia đọc, có người đọc toàn bộ bản thảo, có người chỉ một đôi phần.
Một bản đồ trong sách. Ảnh: Đ.A. |
- Qua nhiều khâu như vậy, có khi nào xảy ra bất đồng giữa các bên?
- Điều ấy là không thể tránh khỏi. Những lúc như vậy, chúng tôi lắng nghe ý kiến các bên trên tinh thần cầu thị, suy xét kỹ lưỡng rồi đi đến chọn lựa phương án tối ưu nhất.
Một số chi tiết tưởng chừng rất nhỏ, rất hiển nhiên, nhưng đã trải qua cả quá trình tư duy, làm việc mới đi đến thống nhất. Lấy ví dụ, cuối mỗi phần tương ứng với các giai đoạn lịch sử sẽ là hai trang kề nhau viết về lịch sử thế giới đương thời, được in nền màu đen để phân biệt. Phần này ban đầu lấy tên "Trung Quốc và phương Tây", vì với dung lượng giới hạn, sách chỉ điểm qua những nét chính trong lịch sử của hai vùng lãnh thổ này. Thế nhưng, tên này dễ khiến độc giả hỏi vì sao sách về lịch sử Việt Nam lại viết về các nước khác.
Tên tiếp theo được chọn là "Nhìn ra thế giới", hàm ý vẫn lấy trung tâm là Việt Nam, rồi từ đây quan sát thế giới xung quanh. Song tên này cũng chưa đủ hay (cụ thể, bị cho là giống tên chương trình truyền hình), dẫn đến tên tiếp theo là "Thế giới đương thời", rồi đến phương án "Thế giới chuyển động" trước khi có tên cuối cùng "Thế giới chuyển biến" như hiện nay.
- Lịch sử thì đã đi qua nhưng nghiên cứu lịch sử thì không ngừng tiếp biến, với những khám phá mới đi cùng cách tiếp cận, nhìn nhận mới. Điều này có gây ra khó khăn trong việc quyết định nội dung cuốn sách?
- Đây cũng lại là một điều không thể tránh khỏi trong quá trình làm sách lịch sử, lại là một cuốn sách trải dài xuyên suốt từ buổi bình minh đến ngày hiện tại của đất nước. Tuy vậy, chúng tôi cũng có những tiêu chuẩn chung trong cách tiếp cận chuyên môn: Với vấn đề đối ngoại và lịch sử thế giới, sách chắt lọc những quan điểm chính thống của nhà nước. Với vấn đề nội bộ, chúng tôi cập nhật góc nhìn mới từ những nghiên cứu của giới sử học nước nhà, đồng thời cũng theo hướng trung dung.
Cuốn sách mong muốn "làm dâu trăm họ". Nói như vậy hàm ý bất kỳ người Việt nào, mang họ gì, gốc gác ra sao, đều không cảm thấy "chạnh lòng" khi đọc sách. Những biến chuyển triều chính hàng trăm năm trước, ví như chuyện nhà Hồ thay nhà Trần, chúng tôi sẽ không tiếp cận theo hướng đoạt ngôi soán vị, tranh giành quyền lực. Mà thay vào đó, nhìn nhận tiền nhân là những người được lịch sử lựa chọn, là một triều đại trong giai đoạn phong kiến của đất nước, khách quan nhìn nhận.
- Có được phần nội dung, hình ảnh rồi, công đoạn dàn trang hẳn cũng rất vất vả?
Chúng tôi đã luôn giữ tinh thần "dành những gì tốt nhất cho cuốn sách". Hầu như không có một hạn mức trần cho ngân sách trong các khâu thực hiện sách.
BTV Đạt Nhân
Thực lòng mà nói, với cá nhân tôi, quá trình làm cuốn sách này thuần về kỹ thuật sắp xếp, bố cục. Bằng đó hình ảnh, nội dung, phải căn chỉnh trên trang sao cho hài hòa, đẹp mắt, tạo cảm giác thoáng đãng chứ không nặng nề. Chúng tôi tránh tình trạng những trang viết dày đặc chữ.
Đông A để chuẩn bị cho Lịch sử Việt Nam bằng hình cũng đã "tập luyện" rất nhiều, bằng cách mua bản quyền chuyển ngữ những cuốn sách tương tự của Nhà xuất bản DK - đơn vị "chuyên trị" những sách bách khoa thư kết hợp hình ảnh và nội dung chữ. Từ những cuốn sách của họ như Bách khoa lịch sử thế giới, Những trận chiến thay đổi lịch sử,... chúng tôi thu nhặt được những cách dàn trang và chọn lựa phù hợp cho cuốn sách của mình.
- Đây là một dự án dài hơi, tổ chức bản thảo trên quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều người trong nhiều khâu. Có thể nói Đông A đã "đặt cược" vào dự án này rất nhiều? Đơn vị làm sao để cân đối kinh phí thực hiện?
Chúng tôi đã luôn giữ tinh thần "dành những gì tốt nhất cho cuốn sách". Cho nên có thể nói, hầu như không có một hạn mức trần cho ngân sách. Có những khoản đã bỏ ra, chúng tôi chấp nhận sẽ không dùng nữa nếu có phương án tốt hơn. Chẳng hạn, một số bài viết chưa thực ưng ý, chúng tôi sẽ mời người viết lại.
Một số ảnh chụp đã mua rồi, nhưng được nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, PGS.TS Nguyễn Đình Chiến đề xuất thay bằng hình ảnh bảo vật quốc gia có giá trị hơn, tiêu biểu hơn. Chúng tôi lại nhờ PGS.TS Chiến kết nối với bác Trần Đình Thăng, chủ sở hữu bộ sưu tập An Biên ở Hải Phòng, gồm nhiều bảo vật quốc gia rất quý.
Nhân đây cũng nói đến mối duyên lành trong quá trình làm dự án này. Ai ai nghe về dự án, cũng rất hồ hởi, mong đợi, một số người hỗ trợ hết mình, trong đó có bác Thăng. Bác đã tặng chúng tôi chỗ ảnh chụp bảo vật quốc gia, không hề tính phí.
Ngoài ra, rất nhiều trường hợp chúng tôi thấy cần chụp lại để đẹp hơn, chúng tôi cũng đi chụp, hoặc thấy phương án tốt hơn sẵn có, chúng tôi cũng bỏ thêm một lần kinh phí nữa để mua bản quyền.
Anh Trần Đại Thắng đã đi đến hơn 100 bảo tàng tại Việt Nam, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ để chụp ảnh, nhưng xuất hiện trong cuốn sách chỉ là hình ảnh từ khoảng 50 bảo tàng. Nôm na mà nói, rất nhiều khoản đầu tư không xuất hiện trong thành phẩm cuối cùng.
Bên cạnh đó, còn là chi phí cơ hội. Dồn tâm sức cho dự án này, chúng tôi không tránh khỏi việc phải đình trệ, kéo dài thời gian một số dự án khác.
Nhưng sau tất cả, nhìn lại, chúng tôi nghĩ mình đã gặt hái được thành quả xứng đáng.
- Nhìn lại hành trình làm sách, đối với anh đâu là khoảnh khắc đáng nhớ nhất?
Tôi sẽ không bao giờ quên được giây phút ở Hội sách Frankfurt năm 2023, khi chúng tôi đưa bản in mẫu cuốn sách cho đại diện Nhà xuất bản DK xem. Đã được họ cho xem nhiều cuốn sách họ thực hiện, nay làm điều ngược lại, thấy họ hào hứng, thích thú, chúng tôi vui mừng khó tả.
Xuất bản những cuốn sách như Lịch sử Việt Nam bằng hình cũng là cách để giới thiệu, quảng bá bản sắc của đất nước.
BTV Đạt Nhân
Đó cũng là lần đầu tiên tôi tham dự Hội sách Frankfurt, được nhìn thấy ngành xuất bản thế giới bao la ra sao, nền xuất bản của các nước phát triển đồ sộ thế nào. Một nhà xuất bản của họ, có thể có lượng sách bằng cả một nền xuất bản nhỏ. Chẳng hạn với DK, chuyện làm một cuốn như Lịch sử Việt Nam bằng hình không phải điều gì to tát, mà họ có hàng chục, hàng trăm ấn phẩm như vậy, họ làm đến thường tình. Nhìn vào đó, chúng tôi càng tự nhủ phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa.
Bà Sherry Buchanan - Giám đốc nhà xuất bản Asia Ink, đơn vị chuyên các đầu sách về khu vực Đông Nam Á, khi xem sách có thể đọc được tên các địa danh như Văn miếu Quốc tử giám bằng tiếng Việt, hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà cũng biết. Lúc ấy mình cảm nhận rất rõ rằng lịch sử, văn hóa đất nước mình cũng nhận được sự quan tâm nhất định của bạn bè quốc tế. Xuất bản những cuốn sách như thế này cũng là cách để giới thiệu, quảng bá bản sắc của đất nước. Do đó, chúng tôi càng thêm động lực để theo đuổi công việc của mình.
Giám đốc Giám đốc Công ty CP Văn hóa Đông A Trần Đại Thắng (trái) và anh Đạt Nhân (giữa) - người phụ trách dự án Lịch sử Việt Nam bằng hình trao đổi với Giám đốc nhà xuất bản Asia Ink Sherry Buchanan tại Hội sách Frankfurt 2023. Ảnh: Đ.A. |
- Đông A thường xuyên tham dự các hội sách quốc tế. Đơn vị có dự kiến thực hiện phiên bản tiếng Anh của cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt này để giới thiệu đến độc giả, du khách nước ngoài?
- Chúng tôi rất muốn làm phiên bản tiếng Anh của cuốn sách và đang lên kế hoạch. Việc thực hiện hẳn nhiên sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với bản tiếng Việt, vì giờ đây hầu như chỉ xoay quanh công đoạn chuyển ngữ. Dự kiến, chúng tôi mời chuyên gia ngôn ngữ - sử học dịch sang tiếng Anh. Sau đó, tìm những học giả bản ngữ am hiểu và có kinh nghiệm với dòng sách lĩnh vực này hiệu đính để ngôn ngữ được mượt mà, tự nhiên, làm cuốn sách đủ "sang".
Việc xuất bản tiếng Anh cũng sẽ cần nguồn kinh phí lớn, do đó chúng tôi cũng muốn tìm kiếm những tệp khách hàng nhất định từ sớm, có thể là những độc giả tiếng Anh, nhà nghiên cứu quan tâm đến lịch sử Việt Nam; hoặc chính những đơn vị tại Việt Nam muốn giới thiệu khái lược, tổng quát lịch sử, văn hóa nước nhà đến bạn bè quốc tế.
Bản đặc biệt, hiện chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ làm.
- Sau cuốn sách đầu tiên định dạng "bách khoa thư" này, Đông A có ấp ủ những cuốn sách tiếp theo?
- Hiện chúng tôi đã có sẵn một số ý tưởng tiềm năng. Việc xuất bản Lịch sử Việt Nam bằng hình cũng như một thử nghiệm đầu tiên, để đội ngũ làm sách học hỏi, rút kinh nghiệm cũng như quan sát tiếp nhận của độc giả. Dựa trên đó, chúng tôi sẽ xem xét và triển khai những cuốn sách tiếp theo.
- Cá nhân anh có lẽ cũng đã trưởng thành ở vai trò một biên tập viên từ dự án này?
- Tôi đã học được rất nhiều điều, từ việc tổ chức bản thảo, điều phối nhân sự, đến cả vấn đề chuyên môn. Công việc trước đây của tôi cũng liên quan đến lịch sử, nhưng đồng hành cùng dự án này, là một trong những người đọc toàn văn bản thảo nhiều lần nhất, những gì trước kia có thể chỉ là kiến thức, bây giờ đã trở thành hiểu biết của tôi.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.