Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

1.600 câu hỏi nông dân gửi Thủ tướng trong cuộc đối thoại lần thứ tư

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 4 là diễn đàn để nông dân trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp.

Sáng 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ 4, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp và các nhà khoa học được gửi tới Thủ tướng.

Các nội dung tập trung vào nhóm vấn đề như: Nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19; vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất.

Tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương; vấn đề di cư lao động và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương; tình trạng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long... cũng là những vấn đề lớn được quan tâm.

Nông dân mạnh dạn đổi mới tư duy

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo 10 bộ, ngành đã trực tiếp đối thoại, trả lời 14 câu hỏi, nhóm câu hỏi của nông dân tại Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Sơn La, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cần Thơ, Lào Cai và của đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.

Thu tuong doi thoai voi nong dan anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng cũng xem xét, quyết định giải pháp và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trăn trở của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp... để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thu tuong doi thoai voi nong dan anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe ý kiến nông dân và các chuyên gia tại buổi đối thoại. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng ghi nhận những năm qua, nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại; phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng; thị trường tiêu thụ mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.

Nông dân có bước vươn mình trưởng thành, mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, có nhiều điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đóng góp quan trọng cho đất nước; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.

“Đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và của nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất quan trọng và to lớn; khẳng định được vai trò và vị trí, tầm quan trọng, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh nêu những thành tựu nổi bật, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; đồng thời gợi mở những nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử để giải quyết "đầu ra"

Theo Thủ tướng, trong giai đoạn tới, nông nghiệp là một lợi thế của đất nước và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân.

Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Nêu nhiều thách thức như: Sự gia tăng rào cản kỹ thuật, bảo hộ ngành nông sản, các chuẩn mực cao trong sản xuất, kinh doanh nông sản... Thủ tướng đề nghị quán triệt quan điểm: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và yêu cầu các cấp, ngành phải nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Thủ tướng cũng cho rằng phải xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn; chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, tăng đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn, tín dụng ưu đãi...

Thu tuong doi thoai voi nong dan anh 3

Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tại Sơn La. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

"Phải nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.

Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, để đời sống của nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngoài câu hỏi tại các Hội nghị đối thoại thường niên Thủ tướng với nông dân, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại với nông dân vào giữa hai kỳ đối thoại của Thủ tướng. Việc này nhằm phân cấp, giải quyết các vấn đề liên quan nông thôn, nông nghiệp, nông dân kịp thời, phù hợp với địa phương.

Kiến nghị khẩn lên Thủ tướng về 5 trạm BOT trên địa bàn TP.HCM

TP.HCM vừa gửi kiến nghị khẩn lên Thủ tướng sau khi báo cáo về tiến độ triển khai đầu tư, nâng cấp hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí trên địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri Cần Thơ

Sáng 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ theo hình thức trực tuyến.

TTXVN

Bạn có thể quan tâm