Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

16 loại vật chất đắt nhất hành tinh (kỳ 2)

Giá của mỗi gram phản hạt lên tới 62,5 nghìn tỷ USD và mỗi năm loài người chỉ có thể sản xuất khoảng một phần tỷ gram phản hạt.

Viên giấy là một loại ma túy tổng hợp mới cực mạnh (tên gọi khác là LSD hoặc LSD-25). Nó thuộc nhóm chất đắt nhất trên thế giới với mức giá 3.000 USD/gram. Viên giấy gây ảo giác cao, kích thích mạnh tới bộ não, có thể gây ra bệnh tim mạch, đau cơ. Người sử dụng LSD sẽ mất cảm giác sợ hãi, làm những việc mà những người bình thường không làm. Loại ma túy này chủ yếu ở dạng “viên giấy”, nghĩa là giấy tẩm LSD. Mỗi miếng giấy tẩm LSD thông thường có kích thước 1,5 cm x 1,5cm.

Plutonium là một nguyên tố phóng xạ nổi tiếng với khả năng tạo ra năng lượng hạt nhân thông qua các phản ứng phân hạch. Giới khoa học coi Plutonium giống như "anh em sinh đôi" với Uranium. Là một nguyên tố mà con người dùng để chế tạo bom nguyên tử, Plutonium độc hại, dễ cháy và phóng xạ. Tuy nhiên, Plutonium hầu như không tồn tại trong tự nhiên. Để tạo ra nó, con người phải tách chiết từ quá trình phân hạch Uranium trong lò phản ứng hạt nhân. Chính vì vậy, giá của mỗi gram Plutonium lên tới 4.000 USD.

Vào năm 2005, sách Kỷ lục Guiness Thế giới công nhận Painite là loại khoáng sản quý hiếm nhất thế giới. Arthur C. D. Pain, một nhà khoáng vật người Anh, phát hiện Painite lần đầu tiên tại Myanmar vào năm 1950. Trong vài thập kỷ, giới khoa học chỉ tìm thấy hai tinh thể Painite. Đến năm 2005, tổng số tinh thể Painite là 25, trong đó, chỉ vài tinh thể đủ lớn để con người cắt thành đá quý. Hiện nay, người ta phát hiện nhiều nơi chứa Painite với số lượng khá lớn nhưng giá của nó vẫn ở mức 9.000 USD/gram.

Edward Taaffe, nhà địa chất học người Bohemia, phát hiện đá taaffeite vào năm 1945 và nhận thấy một điều đặc biệt từ loại chất này. Nó có thể phát ra tia khúc xạ kép. Taaffeite thường có các màu như đỏ hoa cà, đỏ tía và đỏ thường. Nếu gộp toàn bộ lượng đá taaffeite quý hiếm mà con người phát hiện từ trước tới nay, chúng chỉ choán đầy một chiếc cốc. Chính vì thế mà giá của nó vào khoảng 20.000 USD/gram.

Tritium là phóng xạ đồng vị của hydro, hình thành nhờ các tia trong vũ trụ hoặc trong quá trình phản ứng tổng hợp hạt nhân. Các nhà khoa học thường sử dụng nó trong các lò phản ứng nhiệt hạch và máy phát neutron. Nó phát ra các điện tử thông qua sự phân rã beta, tạo lớp phốt pho để phát ánh sáng huỳnh quang mà không cần điện. Tritium không thể xâm nhập qua lớp biểu bì của con người nhưng sẽ gây nguy hiểm nếu tiếp xúc qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Giá của Tritium vào khoảng 30.000 USD/gram.

Kim cương là một dạng thù hình có cấu trúc siêu bền của cacbon. Độ cứng rất cao và khả năng khúc xạ cực tốt giúp nó phục vụ nhiều ứng dụng trong công nghiệp và ngành kim hoàn. Nó là loại khoáng chất có tính chất vật lý hoàn hảo. Con người khai thác khoảng 130 triệu cara (26.000 kg) kim cương mỗi năm nhưng giá của nó vẫn lên tới 55.000 USD/gram.

Californium là một đồng vị phóng xạ kim loại đất hiếm mang tên theo bang California và Đại học California (Mỹ). Đây là nguồn bức xạ neutron mạnh mẽ và là chất phóng xạ cực mạnh. Nó phục vụ các ứng dụng trong ngành y tế như chụp X-quang, điều trị ung thư hoặc khởi động lò phản ứng hạt nhân. Giá của nó rất cao, khoảng 27 triệu USD/gram.

Phản vật chất là thứ đối nghịch với vật chất, cực kỳ hiếm và không tồn tại trong tự nhiên. Theo các nhà vật lý, mỗi hạt vật chất đều có một hạt trái ngược với nó. Họ gọi đó là phản hạt. Năng lượng từ phản ứng phản hạt lớn gấp 10 tỷ lần năng lượng từ một phản ứng cháy hóa học của hai hạt có khối lượng tương đương. Vì vậy, nếu dùng phản vật chất làm nhiên liệu dành các tàu con thoi, nó có thể giúp rút ngắn thời gian khứ hồi giữa sao Hỏa và trái đất từ 2 năm xuống vài tuần. Tuy nhiên, quá trình sản xuất phản hạt rất khó khăn và tốn kém. Khoảng một phần tỷ gram phản hạt được sản xuất mỗi năm, với giá 80 triệu USD. Để bay tới một ngôi sao gần nhất, con người cần tới vài kg phản hạt. Chính vì vậy, giá của nó ở mức ngất ngưởng là 62,5 nghìn tỷ USD/gram.

16 loại vật chất đắt nhất hành tinh (kỳ 1)

Nhụy hoa nghệ tây, bạch kim, sừng tê giác, vàng nguyên chất là những chất có giá bán cao nhất trên thế giới.


Tống Hoa

Ảnh: Learnist

Bạn có thể quan tâm