Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

15 năm ông Putin thay đổi nước Nga

Ngày cuối cùng của năm 2014 đánh dấu 15 năm Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền ở Nga. Ông Putin đã mang lại gì cho nước Nga và thế giới?

Cựu tổng thống Boris Yeltsin và ông Vladimir Putin tại điện Kremlin ngày chuyển giao quyền lực 31/12/1999. Ảnh: Reuters

Cách đây tròn 15 năm, ngày 31/12/1999, tổng thống đầu tiên của Nga Boris Yeltsin tuyên bố thoái vị và trao quyền lại cho một chính khách ít người biết đến tên là Vladimir Putin.

Chỉ trong hai năm trước thềm thiên niên kỷ mới, nước Nga chứng kiến đến năm vị thủ tướng xuất hiện rồi ra đi. Do đó "sự kiện Putin" không chỉ đơn giản là thay một nhà lãnh đạo, mà là cả một chương lịch sử của nước Nga.

Thử thách phục quốc

Hơn một thập kỷ đã qua kể từ ngày tổng thống Boris Yeltsin phát biểu câu nổi tiếng: "Tôi nghỉ đây!" và lời nhắn nhủ cuối cùng dành cho người kế nhiệm Vladimir Putin: "Hãy giữ gìn nước Nga!". Khi đó, di sản ông Yeltsin để lại cho nhà lãnh đạo trẻ là một nước Nga đang mịt mù dò đường trong thời kỳ chuyển đổi.

Vấn đề đầu tiên nhà lãnh đạo 47 tuổi Vladimir Putin quyết tâm xóa sổ khi lên nắm quyền là chủ nghĩa ly khai và khủng bố.

Sau khi đọc thông điệp năm mới trước toàn dân đêm giao thừa năm 2000, ông Putin đáp máy bay ngay trong đêm đến Cộng hòa Chechnya để thăm hỏi các quân nhân. Từ những giờ đầu trên ghế quyền lực, ông Putin đã chuyển thông điệp rõ ràng rằng nhiệm vụ trấn áp chủ nghĩa cực đoan và mang lại trật tự quốc gia là ưu tiên hàng đầu. Thái độ cứng rắn và quả quyết này là dấu ấn đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống.

Dưới triều ông Putin, nền kinh tế Nga giai đoạn 2001-2007 đã có bước tiến thần tốc: tăng trưởng bình quân 7%/năm, Nga trở thành nền kinh tế thứ 7 thế giới tính theo sức mua, GDP tăng 6 lần và đứng thứ 10 thế giới, tầng lớp trung lưu xuất hiện ngày càng đông...

Song song đó, quá trình củng cố kiểm soát đối với các chủ thể trong liên bang Nga cũng được ông Putin tăng cường, nhưng các biện pháp thực hiện vướng không ít chỉ trích từ bên ngoài do vi phạm các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền.

Kết thúc nhiệm kỳ hai, ông Putin được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm nhờ thành tựu "đưa nước Nga trở lại danh sách các cường quốc thế giới". Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Tổng thống Putin không chỉ giúp nước Nga củng cố vị thế, mà còn dẫn đến va chạm khốc liệt trên chính trường toàn cầu do các xung đột lợi ích.

Trở lại ghế tổng thống năm 2012, ông Putin nhanh chóng đứng ra bảo vệ các đồng minh của Nga, trong đó có Tổng thống Bashar al-Assad của Syria. Nga cũng trở nên tích cực hơn trong vai trò thành viên các khối như Liên minh kinh tế Á - Âu, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, BRICS...

Theo quan điểm của Moscow, thiếu đi vai trò của Nga, thậm chí các khối như G8 cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Khủng hoảng ngày nay

Hiển nhiên vấn đề Syria không phải là lý do các lãnh đạo G8 tẩy chay Nga mà chính là cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra.

Có một sự thay đổi lớn giữa quá khứ và hiện tại. Nếu như cách đây 15 năm ông Putin còn ngồi bàn chuyện kinh tế với Tổng thống Leonid Kuchma của Ukraine, thì bây giờ quốc gia nằm giữa Ðông - Tây châu Âu lại trở thành "quả táo bất hòa" chia rẽ Nga với phương Tây.

Theo lời ông Putin, đây chỉ là cái cớ cho chính sách kìm hãm Nga của phương Tây mà đứng đầu là Mỹ. "Nó không phải mới được nghĩ ra hôm qua", ông nói.

Cuộc cách mạng Maidan hồi đầu năm tưởng chừng như đánh dấu chấm hết cho chế độ thân Kremlin tại Kiev của ông Yanukovych, nhưng phản ứng nhanh chóng của Matxcơva khiến tất cả bất ngờ.

Nga lập tức ủng hộ trưng cầu ý dân về độc lập tại bán đảo Crimea và sáp nhập vùng lãnh thổ này. Kremlin cũng công khai ủng hộ phe ly khai miền đông Ukraine trong các yêu sách đối với chính phủ trung ương mới tại Kiev.

Dễ hiểu phản ứng tiếp theo của phương Tây là cấm vận Nga. Hậu quả là trước thềm năm mới 2015, khi giá dầu thế giới xuống mức thấp kỷ lục, kinh tế Nga gặp vô số khó khăn. Tuy vậy, đa số người dân lại ủng hộ chính sách đối ngoại của ông Putin, thăm dò xã hội cho thấy người Nga không thích bị phương Tây gây áp lực lên đất nước của mình.

Ông Putin cho rằng cấm vận là yếu tố kích thích tốt cho nền kinh tế và tự tin khủng hoảng sẽ kéo dài không quá hai năm. Dự báo trên có thể đúng hoặc sai nhưng không hề nói quá khi khẳng định quan điểm của ông Putin sẽ tiếp tục quyết định số phận nước Nga và nhiều vấn đề quốc tế.

Mỹ đang bí mật hòa giải với Nga?

Theo chuyên mục "Giải mật" của Bloomberg, nội các của Tổng thống Barack Obama trong nhiều tháng liền đã có một lịch trình làm việc kín nhằm nỗ lực xây dựng lại mối quan hệ với Nga.

Tháng 12/2014, Hội đồng An ninh quốc gia của ông Obama đã hoàn thành bản phân tích chi tiết về chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga, nội dung văn bản được xây dựng sau vô số cuộc họp và điều chỉnh từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều cơ quan khác của Mỹ.

Ông Obama cuối cùng đã ra quyết định tiếp tục tìm kiếm các giải pháp để làm việc với Nga trên một số vấn đề song phương và quốc tế, song song đó đề xuất cho ông Putin một phương án thoát khỏi thế giằng co xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine.

Người lãnh ấn tiên phong cho chiến lược này chính là Ngoại trưởng John Kerry. Mùa thu rồi, ông Kerry tự đề xuất đến Moscow để gặp trực tiếp Tổng thống Putin. Các cuộc thảo luận trong Nhà Trắng thậm chí đã có lúc đi đến một lịch trình cụ thể, tuy nhiên sau đó bị hủy bỏ do người ta thấy nó ít có tiềm năng mang lại kết quả.

Ông John Kerry được xem là cầu nối quan trọng hiện nay giữa Washington và Matxcơva do mối quan hệ thân tình với Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Họ thường có các cuộc nói chuyện riêng mà không có nhân viên đi cùng và cũng thường gọi điện cho nhau.

Trong vài buổi gặp với Ngoại trưởng Lavrov, ông Kerry đã đề nghị với phía Nga một giải pháp có thể giúp dỡ bỏ một số cấm vận nặng. Điều kiện Ngoại trưởng Kerry đưa ra là Nga phải tôn trọng Hiệp ước Minsk tháng 9/2014 và ngưng viện trợ quân sự cho phe ly khai Ukraine, vấn đề Crimea tạm được đặt qua một bên. Nhưng cho đến nay có vẻ Nga chưa muốn nhượng bộ.

Trong một cố gắng khác, Nhà Trắng đã cậy nhờ đến một người bạn cũ của ông Putin. Theo nguồn tin từ hai quan chức chính phủ, Nhà Trắng đã gọi cho cựu ngoại trưởng Henry Kissinger nhờ ông nói chuyện với ông chủ điện Kremlin. Thông tin chỉ được tiết lộ bấy nhiêu và không rõ sau đó ông Kissinger có gọi cho ông Putin hay không hoặc có thì kết quả ra sao.

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150102/15-nam-ong-putin-thay-doi-nuoc-nga/693870.html

Theo Minh Trung/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm