"Chúng tôi đang lựa chọn các nhà tư vấn trong việc thực hiện các công việc khẩn trương, đảm bảo quy định pháp luật, thu hồi tối đa giá trị đầu tư", ông Thọ cho biết.
Cũng theo ông Thọ, trong số này, 9 tập đoàn lớn đã ký thỏa thuận hợp tác bảo mật để nghiên cứu đề xuất phương án tham gia.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm dự án Vietinbank Tower
Theo lãnh đạo ngân hàng, VietinBank vẫn đang trong quá trình đầu tư dự án Vietinbank Tower 68 tầng thuộc khu đô thị Ciputra, Hà Nội. Ngân hàng xác định đây là việc cần thiết phải có trụ sở ngân hàng xứng tầm với quy mô.
Tuy nhiên dự án có quy mô lớn, ngân hàng đã đề xuất chủ trương cho phép tái cơ cấu theo 3 phương án.
Phương án 1 là bán toàn bộ công trình cho nhà đầu tư và thuê mua lại một phần tháp làm trụ sở. Phương án 2 chỉ giữ lại tòa tháp 68 tầng làm trụ sở và bán phần còn lại. Trong trường hợp chưa thực hiện được 2 phương án trên, ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.
Kể từ khi được thông qua phương án tái cơ cấu dự án đến nay, tòa tổ hợp này nhận được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Liên quan đến dự án, ngân hàng cũng đã thành lập các ban, tổ giúp việc, hội đồng tái cơ cấu dự án và giao cho một phó tổng giám đốc trực tiếp làm chủ tịch hội đồng tái cơ cấu dự án, cùng nhiều chuyên gia và cán bộ các bộ phận khác nhau để thúc đẩy nhanh việc tái cơ cấu.
Vietinbank Tower là dự án trụ sở mới của ngân hàng này với tổng mức đầu tư được phê duyệt lên tới 10.267 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích khu đất gần 30.000 m2 gồm 2 tòa tháp 48 và 68 tầng, tại khu đô thị Ciputra, Hà Nội.
Theo thiết kế ban đầu, tòa tháp cao 68 tầng, sẽ là trụ sở làm việc chính mới của VietinBank, còn tòa tháp cao 48 tầng sẽ để làm khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp cho thuê...
Được khởi công từ năm 2010 nhưng đến nay dự án mới hoàn thiện xong phần móng, khối đế và một số tầng của hai tòa tháp. Với việc Vietinbank đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II của Ngân hàng Nhà nước, việc cung ứng vốn lên tới hơn 10.000 tỷ cho dự án bất động sản này trở nên bất khả thi.
Buộc phải tăng vốn
Tăng vốn là vấn đề được đặt ra đối với Vietinbank trong vài năm trở lại đây và cũng nhận được nhiều câu hỏi của cổ đông tại đại hội sáng 23/4.
Ông Lê Đức Thọ cho biết tỷ lệ an toàn vốn đến cuối năm 2018 của ngân hàng riêng lẻ là 9,6% còn hợp nhất là 10%, đáp ứng quy định của NHNN.
Tuy nhiên, vốn điều lệ của Vietinbank từ năm 2013 chỉ dừng ở mức hơn 37.000 tỷ đồng. Nếu áp dụng Thông tư 41 thì tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng có thể chỉ dưới 8%.
Ông nhấn mạnh nhu cầu tăng vốn của VietinBank rất cấp bách.
VietinBank hiện nay buộc phải tăng vốn mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng.
"Trong mọi trường hợp, ngân hàng phải chủ động được việc quản trị an toàn vốn, khẩn trương đáp ứng nhu cầu phát triển của ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế", ông nói.
Năm 2019 này, Vietinbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng tối thiểu 2% và tối đa là 5% so với số cuối năm 2018. Chỉ tiêu dư nợ tín dụng cũng có kế hoạch tăng 6-7%, trong khi huy động vốn tăng 10-12%.
Với các chỉ tiêu tăng trưởng như trên, ngân hàng kỳ vọng sẽ thu về khoản lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ, tăng 41%. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tối thiểu đạt 9.000 tỷ. Tương ứng với mức lãi trước thuế trên thì nhà băng này sẽ thu về khoản lãi ròng sau thuế tương ứng 7.600 tỷ.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Vietinbank nhấn mạnh những kế hoạch tăng trưởng trên được đặt ra chỉ trong trường hợp ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận của hai năm 2017 và 2018.
Phần lợi nhuận giữ lại này sẽ giúp ngân hàng có cơ sở để tăng vốn và cải thiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
"Kế hoạch kinh doanh của VietinBank năm 2019 có tác động của yếu tố khách quan do phương án tăng vốn điều lệ chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có khác đã được khai thác tối đa. Do đó việc tăng vốn tự có của ngân hàng tiếp tục là nội dung cấp bách", nhà băng này cho biết.