Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

1/4 dân số Mỹ xem tranh luận Trump - Biden, nhưng có mấy người đổi ý?

Hơn 80 triệu người Mỹ sẽ xem buổi tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống, nhưng rất ít người trong số họ sẽ quyết định lá phiếu của mình bằng cuộc tranh luận này.

“Tôi sẽ đánh ông ta như đánh trống. Tôi muốn tranh luận với ông ta lắm đây” - Cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden.

“Chẳng khác gì các đấu sĩ La Mã cả” - Tổng thống Donald Trump.

Trong những bình luận mà họ từng có việc tranh luận, cả hai ứng viên đều tỏ ra tự tin. Họ đều tỏ ra mình sẽ bước vào các buổi tranh luận giữa ứng viên tổng thống như một cuộc "so găng" sống còn, quyết định thành bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, trái ngược với tính chất trình diễn rất rõ của một buổi tranh luận truyền hình, ảnh hưởng của sự kiện này lại không quá lớn, ít ra nó không thể tác động đến phần lớn người xem đài.

tranh luan trump biden anh 1

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ sẽ diễn ra tối 29/9 (sáng 30/9 theo giờ Hà Nội). Ảnh: Wall Street Journal.

Những bài học kinh điển

“Cuộc tranh luận đầu tiên rõ ràng là quan trọng nhất, vì có lượng khán giả lớn nhất”, Elaine Kamarck, nhà nghiên cứu cao cấp ở Viện Brookings, Washington, D.C., nói với chương trình Inquiry của đài BBC.

Bà Kamarck, tác giả của cuốn sách Primary Politics về tranh cử sơ bộ ở Mỹ, cho biết diện mạo, bề ngoài của các ứng viên là điều căn bản. Nhưng cựu Tổng thống Richard Nixon có vẻ đã quên điều này trong cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp đầu tiên ở Mỹ năm 1960.

70 triệu người Mỹ dõi theo Thượng nghị sĩ John F. Kennedy trẻ trung, đẹp trai, rám nắng tranh luận với Phó tổng thống Richard Nixon, vừa ốm dậy, sút cân, lại từ chối trang điểm, còn chưa cạo râu trước khi lên hình. Ông Nixon ra nhiều mồ hôi và liên tục lau mồ hôi.

Kết quả, sau cuộc tranh luận, ông Kennedy vốn đang theo sau trong các thăm dò bỗng có đà vươn lên. Chỉ vài tuần sau, ông đánh bại đối thủ Nixon.

tranh luan trump biden anh 2

Cuộc tranh luận phát trực tiếp đầu tiên: ông Kennedy (trái) tranh luận với ông Nixon năm 1960. Ảnh: AP.

Bà Kamarck cho biết đến khi diễn ra tranh luận, công chúng đã có những ấn tượng nhất định về ứng viên. Ứng viên sẽ phải tận dụng dịp này để loại bỏ những gì bất lợi, như ông Ronald Reagan đã làm thành công.

Năm 1980, bị đối thủ Jimmy Carter công kích dồn dập, ông Ronald Reagan bị coi là nguy hiểm vì có thể đẩy Mỹ vào một cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô. Đến khi tranh luận, mỗi khi ông Carter đả kích như vậy, ông Reagan lại liên tục phản bác một cách bình tĩnh, ngắn gọn “Ông lại nói thế rồi”, “Ông lại nói thế rồi”, đánh bại ông Carter.

tranh luan trump biden anh 3

Ông Carter (trái) tranh luận với ông Reagan năm 1980. Ảnh: AP.

Bốn năm sau, Tổng thống Reagan lại bị một số người coi là “già”: ông hơn đối thủ Walter Mondale tận 17 tuổi. Ông tận dụng cuộc tranh luận để đảo ngược thành kiến đó, giành lấy nhiệm kỳ thứ hai. Người dẫn chương trình hỏi có nên lo ngại về tuổi của ông hay không.

“Tôi sẽ không biến tuổi thành một vấn đề của mùa tranh cử này. Tôi sẽ không đi tận dụng, vì mục đích chính trị, sự non trẻ và thiếu kinh nghiệm của đối thủ”, ông Reagan nói lưu loát. Mọi người bật cười, bao gồm cả đối thủ Mondale, về câu nói đi vào lịch sử tranh cử tổng thống Mỹ.

tranh luan trump biden anh 4

Ông Reagan (phải) tranh luận với ông Mondale năm 1984. Ảnh: Reuters.

Theo BBC, đó là bài học kinh điển rằng tranh luận bầu cử thường không phải là về chính sách, mà là kết nối với cử tri. Vùi dập đối thủ không quan trọng bằng thu phục được lòng người với sự hài hước, cảm xúc và cách thể hiện.

Nhưng Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) lại phạm sai lầm đó, khi tranh luận với ông Bill Clinton năm 1992. Khi khán giả đang đặt câu hỏi, ông Bush cứ nhìn xuống đồng hồ. Ngược lại, ông Clinton bước tới và trả lời đầy cảm xúc. Sau buổi tối đó, 58% người Mỹ cho rằng ông Clinton đã “thắng” cuộc tranh luận.

tranh luan trump biden anh 5

Ông Clinton (trái) tranh luận với ông Bush năm 1992. Ảnh: AFP.

Điểm mạnh, yếu của hai ứng viên

Bốn năm trước, khi tranh luận với bà Hillary Clinton, ông Trump thường xuyên ngắt lời đối thủ. Việc ông gạt đi các quy tắc tranh luận, thường xuyên nói sai sự thật, xúc phạm đối thủ trở thành thách thức lớn với bà Clinton.

“Tôi không nghĩ (lần này) Tổng thống Trump sẽ nghe theo quy tắc (tranh luận)", Bryan Lanza, từng phụ trách truyền thông của chiến dịch ông Trump năm 2016, nói với BBC. “Nếu bạn nhìn lại, ông Trump có những đoạn nổi bật nhất trong thời gian trả lời dành cho bà Hillary”.

Dịch bệnh Covid-19 sẽ trở thành chủ đề lớn trong tranh luận ngày 29/9. Ông Trump sẽ luôn nói đã xử lý tốt dịch bệnh, nhưng nếu phải tranh luận kéo dài và đi vào chi tiết, ông Trump sẽ gặp khó khăn, theo ông Lanza. Chẳng hạn, ông Trump sẽ khó giải thích được vì sao nước Mỹ không xét nghiệm đủ mà để dịch lây lan mất kiểm soát.

Nhưng đổi lại, thế mạnh của ông Trump là ở phần trình diễn. Các chính khách truyền thống thường phải tập dượt nhiều, và khán giả có thể thấy điều đó. Nhưng ông Trump đã trình diễn trước ống kính quá thành thục, quá thoải mái, quá hiểu truyền thông.

tranh luan trump biden anh 6

Ông Trump thường xuyên ngắt lời đối thủ Hillary Clinton khi tranh luận năm 2016. Ảnh: New York Times.

Về phần mình, cựu Phó tổng thống Joe Biden có thế mạnh là kinh nghiệm, nắm rõ các vấn đề, nhưng cách thể hiện của ông qua các lần tranh luận chưa thuyết phục.

“Ông ta đã dành quá nhiều thời gian đi sâu vào các vấn đề chính sách công”, Mark Alexander, Trưởng khoa luật ở Đại học Villanova, từng cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Obama, nói với BBC.

Nhưng ông Biden “có thể nói dài dòng, chuyển từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, và đó sẽ là một thách thức. Ông không phải ứng viên bóng bẩy, khéo nói”, ông Alexander nhận xét.

Liệu cử tri sẽ nhìn nhận điểm này của ông Biden là “chân thật”, hay “thiếu quyết đoán” - hai hướng rất khác nhau, một tích cực, một tiêu cực - ông Alexander đặt câu hỏi.

Ông Joe Biden là người “biết cảm thông, muốn kết nối, muốn nghe câu chuyện của bạn... và kết nối với các vấn đề chính sách”, ông Alexander nói thêm. “Liệu ông có thể hiện được điều đó trên sân khấu hay không sẽ là điều khá thú vị”.

Tổng thống Trump sẽ cố gắng công kích ông Biden theo những hướng quen thuộc: là một phần của hệ thống Washington mà ông luôn phê phán là “thất bại”, là người bị kéo xa về cánh tả, là người nhẹ tay với bạo loạn.

tranh luan trump biden anh 7

Ông Joe Biden (trái) trong một cuộc tranh luận với các ứng viên Dân chủ. Ảnh: New York Times.

Chỉ tác động tới cử tri còn do dự

Mitchell McKinney, giáo sư truyền thông và chính trị ở Đại học Missouri, nói nghiên cứu của ông cho thấy có tới 90% trong số 80 triệu người Mỹ đã quyết định bỏ phiếu cho ứng viên nào. Vì vậy, ứng viên có thể tỏa sáng trong cuộc tranh luận, nhưng tác động có thể sẽ hạn chế hơn người ta tưởng.

Dù vậy, cuộc tranh luận sẽ tác động tới bộ phận nhỏ những người mà tới giờ vẫn chưa bắt đầu theo dõi bầu cử. Những người này vẫn có thể ảnh hưởng tới bầu cử, nhất là khi nhiều cuộc chạy đua được định đoạt bởi cách biệt chỉ 1-2% hoặc ít hơn.

Ông McKinney cho rằng tranh luận lần này có thể ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, vì đây là lúc hai ứng viên đứng trên cùng một sân khấu, và vì dịch bệnh khiến cả hai khó đi vận động.

Bản thân buổi phát trực tiếp sẽ có lượng khán giả khổng lồ. Nhưng trong thời đại mạng xã hội và tin tức cập nhật từng phút một, tác động nhiều nhất có thể nằm ở các đoạn tranh luận ngắn được cắt ghép.

Nhiều người không theo dõi toàn bộ mà chỉ xem lại các đoạn dài vài chục giây, được tổng hợp, để từ đó hình thành ấn tượng về ứng viên. Những cử chỉ như nhìn đồng hồ, tỏ ra mất hứng chắc chắn sẽ bị khán giả nhớ lâu.

Trong thời đại chia rẽ, một số kênh truyền thông sẽ cắt ghép các đoạn video ngắn sao cho có lợi cho ứng viên mình ủng hộ, thay vì nhận xét khách quan về hai bên.

“Chúng tôi dự đoán các kênh sẽ khen ứng viên của mình”, ông McKinney nói với BBC.

Hai ứng viên tổng thống Mỹ, hai bức tranh kinh tế trái ngược nhau Tổng thống Donald Trump và cựu Phó tổng thống Joe Biden có tầm nhìn hoàn toàn khác nhau về việc đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Hơn nửa thế kỷ đối đầu trên truyền hình của các ứng viên tổng thống Mỹ

Sự phát triển của truyền hình trực tiếp đã cho ra đời mô hình tranh luận giữa các ứng viên tổng thống Mỹ - một phần không thể thiếu trong văn hóa bầu cử ở nước này suốt 60 năm qua.

Tổng thống Trump và ông Biden sẽ dùng chiến thuật tranh luận gì?

Cuộc tranh luận là thử thách lớn đối với cả người đang thắng thế trong các cuộc thăm dò và lãnh đạo đương nhiệm đang tìm cách vượt qua đại dịch toàn cầu và khủng hoảng kinh tế.

Trọng Thuấn

Theo BBC

Bạn có thể quan tâm