Để 100% người dân TP HCM được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh, trong năm 2015 (theo nghị quyết của HĐND TP) UBND TP đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó có việc xem xét lắp đặt thiết bị lọc nước nano cho người dân ở những nơi không đặt bồn, chưa có đường ống cấp nước.
Tuy nhiên, với kinh phí dự tính lên đến 5.764 tỷ đồng để lắp thiết bị lọc nước nano, nhiều đại biểu HĐND TP và người dân băn khoăn.
42 triệu đồng một bộ lọc nano
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP HCM, hiện trên địa bàn thành phố còn hơn 350.000 hộ dân chưa được cấp nước sạch. Sở Giao thông vận tải đưa ra 5 giải pháp để cấp nước cho các hộ dân này trong 6 tháng còn lại của năm nay, là: Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) lắp đặt hơn 1.200 km đường ống, gắn đồng hồ cho hơn 116.000 hộ dân, xây dựng 28 trạm cấp nước tập trung cấp cho hơn 13.000 hộ dân, lắp đặt hơn 1.500 bồn nước tập trung cung cấp cho 55.300 hộ dân. Ngoài ra, sẽ lắp đặt thiết bị lọc nước nano cho hơn 137.000 hộ dân.
Căn cứ kế hoạch trên, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP, ước tính chi phí thực hiện trong năm 2015 cần đến 9.240 tỷ đồng. Riêng chi phí thiết bị lọc nước nano với giá 42 triệu đồng một bộ thì ước tổng chi phí lắp đặt lên tới 5.764 tỷ đồng. Trong đó ngân sách thành phố chỉ đảm bảo hơn 929 tỷ đồng, phần còn lại sẽ huy động vốn từ xã hội hóa.
Chi phí lắp đặt thiết bị lọc nước nano thì thành phố sẽ vay vốn kích cầu và bù lãi suất, người dân trả chậm vốn đầu tư gốc trong vòng 7 năm. Như vậy, mỗi năm người dân sẽ trả khoảng 6 triệu đồng, mỗi tháng là 500.000 đồng. Tuy nhiên, bà Lan thừa nhận, với số vốn quá lớn như trên, thành phố nên xem xét các giải pháp cấp nước khác.
Trong khi chờ phương án cung cấp nước bằng hệ thống lọc nano được cấp thẩm quyền thông qua, các cơ quan chức năng đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế lắp đặt thí điểm hơn 100 bộ thiết bị lọc nước nano cho các hộ dân tại huyện Củ Chi. Đây là thiết bị lọc nước do các công ty Nhật Bản sản xuất. Tuy nhiên, ở một số xã thì thiết bị lọc có khác nhau về hình dáng, cơ chế vận hành.
Hệ thống lọc nước nano được lắp đặt thí điểm tại nhà một hộ dân ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. |
Tại xã Phước Thạnh và xã Tân Thông Hội (Củ Chi), sau khoảng hai tuần sử dụng, người dân cho biết, cảm nhận chất lượng nước sau khi qua bộ lọc giảm đáng kể mùi hôi và trong hơn so với nước giếng chưa lọc. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm các mẫu nước này có đạt chất lượng theo quy định không chưa được công bố.
Nên có giải pháp khác
Trên thị trường hiện có rất nhiều thiết bị lọc nước tại hộ gia đình được bày bán với nhiều loại công nghệ, hình dáng, nước sản xuất khác nhau. Giá của các thiết bị lọc nước này không quá 10 triệu đồng/bộ.
Trao đổi với một công ty chuyên về máy lọc nước, nhân viên công ty này giới thiệu nhiều thiết bị lọc của Malaysia, Nhật, Mỹ, Nga... với các công nghệ như: nano, RO, UV... đảm bảo lọc nước giếng đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế (nước dùng trong sinh hoạt) với 14 chỉ tiêu cơ bản về hóa lý, vi sinh.
Giá của các loại thiết bị này chỉ 3,3 - 5,2 triệu đồng/bộ. Trong khi đó, Sawaco cho biết, đang nghiên cứu thử nghiệm thiết bị lọc nước tại 10 hộ gia đình và lấy mẫu nước xét nghiệm. Một cán bộ Sawaco cho rằng, quá trình xét nghiệm riêng của Sawaco, thiết bị này đảm bảo nguồn nước (giếng) sau khi xử lý đạt chất lượng nước theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế, và giá thành ở mức 5-6 triệu đồng một bộ.
Ông Từ Minh Thiện, đại biểu HĐND TP HCM, cho rằng, việc lên kế hoạch cấp nước cho người dân ở những nơi chưa phát triển đường ống là cần thiết. Tuy nhiên, phương án lắp thiết bị lọc nước nano với giá 42 triệu đồng một bộ là quá cao, chưa hợp lý. Bởi trong tương lai không xa, các đơn vị cấp nước phải lắp đường ống đến tận nhà dân, khi đó có thể không cần sử dụng thiết bị này nữa.
Còn ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP HCM, cho rằng, nước sau khi qua hệ thống lọc nano thì chất lượng đảm bảo, nhưng triển khai ở giai đoạn thu nhập của người dân chưa cao là không phù hợp. Ông Lâm đề nghị cần tìm các giải pháp cấp nước khác với chất lượng đảm bảo, nhưng giá thành rẻ hơn, “chứ không nhất thiết phải là thiết bị lọc nano”.
Trong khi đó, ông Hứa Văn Hổ, tổ trưởng tổ 1, ấp Phước Hưng, xã Phước Thạnh (Củ Chi), cho biết: “Gia đình tôi cũng muốn sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe, nhưng với thiết bị lọc nước nano vài chục triệu đồng một bộ thì khó có khả năng chi trả”.
Không chỉ ông Hổ, một số hộ dân đã được lắp thí điểm thiết bị lọc nước nano hiện nay ở Củ Chi cũng cho rằng, với mức giá 42 triệu đồng một bộ lọc là quá khả năng, và băn khoăn không biết thiết bị lọc nước đang lắp tại nhà có phải trả tiền hay không.
Tại cuộc họp bàn về việc cấp nước sạch vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các quận huyện tiến hành rà soát số lượng hộ dân phải lắp thiết bị lọc nước hộ gia đình. Đồng thời đề nghị Sở Giao thông vận tải sớm báo cáo kết quả (chất lượng) việc lắp đặt thiết bị lọc nước nano. Sawaco sớm báo cáo kết quả nghiên cứu sản xuất thiết bị lọc nước do Sawaco thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ tổ chức đấu thầu, chọn ra nhà thầu cung cấp thiết bị lọc nước hộ gia đình đảm bảo chất lượng với giá thành rẻ nhất.
Công nghệ lọc nước nano và các loại giá
Theo PGS.TS Vương Đình Đước, Viện trưởng Viện Kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường, hệ thống lọc nước nano được hiểu nôm na là những màng lọc cực nhỏ, có ưu điểm lọc được những tạp chất, vi khuẩn, nhưng vẫn giữ lại được khoáng chất trong nước.
Vì vậy thiết bị lọc nano có thể xử lý nước giếng đạt được tiêu chuẩn loại 1 của Bộ Y tế (với hơn 100 chỉ tiêu), nước lọc ra có thể uống trực tiếp. Còn những loại lọc nước thông thường như than hoạt tính, cát, sứ chủ yếu lọc tạp chất giảm mùi nhưng khó diệt khuẩn. Đối với công nghệ lọc nước RO thì có khả năng triệt hết khoáng chất trong nước, nên thường một số đơn vị xử lý nước phải bổ sung tia cực tím, ozon để giữ lại các khoáng chất.
Theo tìm hiểu, ngoài thị trường hiện nay, một số thiết bị lọc nước nano được bán với giá khoảng 16 triệu đồng một bộ (công nghệ Nhật) công suất 50 lít/giờ và công nghệ nano của Nga công suất 200 lít/giờ giá chỉ khoảng 6 triệu đồng/bộ.