Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

135 năm trước, cảng Ba Son được xây dựng như thế nào?

Ụ tàu được khởi công từ giữa năm 1884, đến tháng 12/1888 thì hoàn thành. Công trình có nhiều nguyên vật liệu mang từ Pháp sang, kinh phí xây dựng hơn 7,8 triệu franc.

Cầu tàu K cảng Ba Son bị sập vào lúc 9h15 ngày 20/5/2019. Khu vực bị sập có nhiều cọc bê tông cốt thép ly tâm đường kính 40 cm được đóng để gia cố cầu tàu.

Cầu tàu K nằm ở giữa có chiều dài 124,4 m, rộng 12,4 m, cầu bến nhô ra phía sông bằng bê tông cốt thép. Vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép đều mang từ Pháp sang. Kinh phí xây dựng lên tới hơn 7,8 triệu franc.

Trước khi bị sập, đây là cầu tàu duy nhất của Ba Son gần như còn nguyên vẹn sau 131 năm xây dựng.

Cau tau Ba Son duoc xay dung nhu the nao? anh 1
Ụ tàu ở xưởng đóng tàu vào cuối thế kỷ XIX.

Ngược dòng lịch sử, ngày 28/4/1863, chính phủ Pháp quyết định thành lập Thủy xưởng (arsénal) Ba Son (ngày nay là Xí nghiệp Liên hợp Ba Son) để phục vụ nhu cầu sửa chữa tàu quân sự và dân sự ngày càng lớn của Pháp tại vùng Biển Đông. Trước đó, vào năm 1861, do khảo sát địa chất không đảm bảo để xây ụ tàu chìm lớn cố định ở vị trí đường Tôn Đức Thắng và Thảo Cầm Viên ngày nay, người Pháp phải làm tạm một ụ tàu nhỏ bằng ụ đất lắp ván gỗ dài 65 m chỉ để sửa chữa loại tàu nhỏ.

Đến tháng 10/1863, người Pháp đem về lắp ráp tại Thủy xưởng Ba Son (mới thành lập trước đó sáu tháng) chiếc đốc nổi (dock flotant) mua của Anh giá 2,2 triệu franc.

21 năm sau đó, do chiếc đốc nổi ở vị trí ụ tàu nhỏ đưa vào hoạt động từ năm 1863 hết hạn sử dụng và cũng do nhu cầu phát triển ngày càng lớn của Thủy xưởng Ba Son, hai kỹ sư Devernière và Phauvein đã được giao nhiệm vụ chỉ huy xây dựng ụ tàu chìm lớn để làm cơ sở sửa chữa tàu cho các hạm đội Pháp ở Viễn Đông.

Ụ tàu này được khởi công từ giữa năm 1884 và đưa vào sử dụng tháng 12/1888. Ụ tàu móng lót đá, thành ụ lát đá ong Biên Hòa, xi măng, sắt thép mang từ Pháp sang. Kinh phí xây dựng ụ tàu này (dài 156 m, rộng 21 m, sâu 10 m) lên tới hơn 7,8 triệu franc.

Cau tau Ba Son duoc xay dung nhu the nao? anh 2
Thủy cảng Ba Son năm 1945

Trong Thống đốc Nam Kỳ (tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) có một số tài liệu lưu trữ gốc phản ánh việc xây dựng ụ tàu trong năm 1884.

Tài liệu mang ký hiệu BS02, IA5/176(2) có ghi: Nghị định số 29 ngày 26/8/1884 của Thống đốc Nam kỳ. Nghị định này cho biết giao cho sở Hải quân một lô đất để xây ụ tàu. Lô đất này có diện tích 8.590 m2, phía đông bắc giáp rạch Thị Nghè; phía tây nam giáp một phần đường Espagne (Lê Thánh Tôn) và Thảo Cầm viên; phía đông nam giáp Xưởng Đóng tàu; phía tây bắc giáp Thảo Cầm viên.

Tài liệu mang ký hiệu BS02, IA5/176(2): "Báo cáo của Xưởng đóng tàu gửi Thống đốc ngày 22/4/1884 v/v xây ụ tàu ở xưởng đóng tàu Sài Gòn". Báo cáo này cho biết việc xây dựng được giao cho nhà thầu Hersent, căn cứ vào hồ sơ đấu thầu ngày 4/12/1883.

Cau tau Ba Son duoc xay dung nhu the nao? anh 3
Sơ đồ ụ tàu ở xưởng đóng tàu, ngày 22/4/1884.

Hồ sơ đấu thầu cùng bản vẽ đính kèm xác định vị trí xây dựng ụ tàu ban đầu với chiều dài con lạch dẫn vào là 150 m, chiều dài của ụ tàu là 161 m, đi ngang qua bức tường ngăn của xưởng đóng tàu, đi qua đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn) và thảo Cầm viên (theo đường vạch màu đỏ trên bản vẽ).

Theo công điện ngày 14/2/1884, vị trí của ụ tàu đã có một sự thay đổi nhỏ (theo đường màu xanh trong bản vẽ). Việc thay đổi chủ yếu ở phần cuối của ụ tàu, phía đường Espagne (Lê Thánh Tôn) và Thảo cầm viên.

Sập cầu tàu trong cảng Ba Son

Cầu tàu K trong cảng Ba Son bị sập khiến một phần chìm xuống nước. Sự cố không có thiệt hại về người nhưng một cần cẩu nằm trên mặt cầu tàu bị chìm xuống sông Sài Gòn.



Cù Dung - Minh Châu

Bạn có thể quan tâm