Ông Trần Quang Tấn, giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, cho biết năm nay tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm trước do thời tiết không thuận lợi, trong đó vải chín sớm ước đạt 23.000 tấn, vải thiều chính vụ là 107.000 tấn.
Đặc biệt, theo ông Tấn, hơn 200 hộ dân tại huyện Lục Ngạn được phía Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải với 158 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Toàn bộ diện tích vải được trồng, chăm sóc dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất. Sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Úc, EU...
Vườn vải thiều của gia đình anh Vy Văn Bảy, thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang trồng theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp Tốt toàn cầu (GlobalGap). |
Tuy sản lượng giảm nhưng chất lượng vải năm nay cao hơn năm trước. Hiện giá vải sớm thu mua tại vườn dao động từ 35.000-48.000 đồng/kg.
Với diện tích hơn 1 ha trồng vải thiều, trong đó có gần 8.000 m2 trồng vải theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp Tốt toàn cầu (GlobalGap), gia đình anh Vy Văn Bảy, thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang dự kiến vụ vải năm nay thu hoạch hơn 10 tấn vải.
Niên vụ trước, gia đình anh thu nhập gần 300 triệu đồng nhờ bán vải, nếu với giá vải cao như hiện nay, chắc chắn gia đình anh thu lãi lớn.
Dự kiến sản lượng tiêu thụ nội địa khoảng 78.000 tấn, số còn lại phục vụ xuất khẩu. Trung Quốc tiếp tục là thị trường truyền thống đối với vải thiều Bắc Giang, chiếm gần 40% lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh.
Đến thời điểm này, ngoài thương lái Trung Quốc còn có nhiều doanh nghiệp đến các vườn vải được gắn mã vùng trồng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap để đặt hàng xuất khẩu
Để tránh tình trạng vải được mùa mất giá, hiện tỉnh Bắc Giang đã thực hiện xúc tiến thương mại tại Lào Cai, tới đây sẽ thực hiện kết nối tại Lạng Sơn, TP HCM, Hà Nội để vải thiều không bị ách tắc đầu ra, đồng thời đẩy mạnh việc xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn nữa.