Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

12.000 người kê khai chỉ 6 người được xác minh tài sản

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nói minh bạch tài sản thu nhập cán bộ chưa phải biện pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng.

Sáng 16/3, phát biểu tại hội nghị tổng kết dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho biết phát hiện và xử lý tham nhũng là khâu yếu trong công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương. Giữa các địa phương cũng có khoảng cách lớn, thậm chí có một số nơi không đạt điểm xử lý nào.

ke khai tai san anh 1
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). Ảnh: Bá Chiêm.

Nêu dẫn chứng về việc phát hiện tham nhũng, ông Đạt nói nhiều tỉnh thực hiện chưa tốt chỉ đạo từ cấp trên cũng như các quy định của Luật Chống tham nhũng.

“Nhiều địa phương trong năm không phát hiện ra tham nhũng. Và việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ và giải quyết tố cáo tham nhũng rất thấp. Trong khi, nhiều vụ tham nhũng lớn được phát hiện từ tố cáo của người dân và cơ quan truyền thông”, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng băn khoăn.

Hay như việc kê khai minh bạch tài sản thu nhập, công cụ quan trọng để phòng ngừa tham nhũng, ông Đạt khẳng định nó vẫn chưa thực sự là biện pháp hữu hiệu.

Lý giải cho việc này, người đứng đầu Cục Chống tham nhũng đưa ra số liệu năm 2015, cả nước có gần 565.000 cán bộ cấp tỉnh phải kê khai. Tuy nhiên, các địa phương báo cáo không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực. Trong khi, tỷ lệ xác minh tài sản thu nhập đối với tổng số bản kê khai trong cả nước chỉ là 0,05%, tức là cứ 12.000 người thực hiện kê khai chỉ có 6 người được xác minh tài sản thu nhập.

“Việc thực hiện xác minh còn bị động, thủ công, thiếu thống nhất, lãng phí nguồn lực cho cả các cơ quan quản lý cũng như người có nghĩa vụ phải kê khai”, ông Đạt khẳng định việc kê khai tài sản chưa giúp cơ quan nhà nước kiểm soát được tính trung thực của bản kê.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cũng bày tỏ băn khoăn khi công tác phòng ngừa tham nhũng ở địa phương còn mang tính hình thức. Theo ông Đạt, nộp lại quà tặng và tặng quà sai quy định là nội dung kém nhất trong việc phòng ngừa.

“Việc kiểm tra thực hiện các quy định về nộp lại quà tặng và tặng quà không thường xuyên và liên tục. Quá trình thanh tra, kiểm tra thì không phát hiện sai phạm. Cả nước có duy nhất UBND tỉnh An Giang phát hiện 1 đơn vị sai phạm trong việc trích tiền ngân sách mua quà tặng trị giá 1,2 triệu”, ông Đạt ngừng phát biểu gần một phút rồi nhấn mạnh số liệu cho thấy việc thực hiện chưa hiệu quả hoặc còn hình thức.

Tháng 6/2016, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng đối với cấp tỉnh 2016 (gọi tắt là PACA 2016) với mục tiêu hướng tới lượng hóa được sự tiến triển toàn diện, thực chất công tác phòng chống tham nhũng thuộc trách nhiệm UBND cấp tỉnh.

Theo đó, PACA 2016 tập trung đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của UBND cấp tỉnh với vai trò là chủ thể trực tiếp thực hiện công tác này, vừa là chủ thể quản lý nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng trên 4 nội dung chính gồm Quản lý nhà nước về phòng chống tham nhung; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa; Phát hiện hành vi tham nhũng và Xử lý các hành vi tham nhũng.

Theo kết quả PACA 2016, điểm công tác phòng chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa với mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra. Lào Cai là địa phương đạt mức điểm cao nhất là 77,67, còn Vĩnh Long là tỉnh đạt điểm thấp nhất (43,53 điểm).

Chủ tịch TP Đà Nẵng phản hồi thông tin có khối tài sản 'khủng'

"Tôi thú thực, những lô đất mà báo chí nói, nó toàn ở vùng sâu, vùng xa Đà Nẵng. Còn cổ phần ở công ty, đó là của vợ", ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Đà Nẵng nói.


Tùng Lâm - Trà My

Bạn có thể quan tâm