Trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 12.000 hộ dân nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tháng 3 - 4, do hạn hán làm thiếu nước nhiều nơi.
Người dân phải mua từ các ghe với giá từ 40 - 50 nghìn đồng/m3. |
Thực tế, do chưa có nguồn nước ngọt bổ sung, hiện nước sinh hoạt của người dân Cà Mau chủ yếu dùng nguồn dự trữ trong các chum, vại, thùng chứa... từ mùa mưa, hoặc nước ngầm. Khu vực nào không có hệ thống nước nối mạng hoặc không khoan được nước ngầm sẽ căng thẳng nguồn nước sinh hoạt.
Xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) có 1.847 hộ dân, đã có hơn 450 hộ thiếu nước sinh hoạt. Dù cạnh xã này có một trạm cấp nước sinh hoạt, nhưng không có nguồn, nên nước vẫn thiếu. Mùa khô ngày càng bước vào những ngày khắc nghiệt, để có nước nấu ăn, uống, người dân phải mua từ các tàu, ghe chở nước từ nơi khác tới, với giá từ 40 - 50 nghìn đồng/m3.
Anh Lê Tuấn Anh (ngụ xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) cho biết, từ 3 tháng nay gia đình phải mua nước từ ghe. Nhà có 3 người, xài tiết kiệm lắm mỗi tháng cũng tốn gần 500 nghìn đồng tiền nước. Trong khi đó, thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào việc làm thuê của anh chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Tính ra tiền điện, tiền nước đã chiếm phân nửa tiền thu nhập của gia đình.
Nhiều gia đình chuẩn bị lu, khạp để chứa nước mua từ các ghe xài cầm cự qua ngày. |
Tương tự, thiếu nước ngọt, gia đình ông Nguyễn Thanh Tùng (cùng huyện Thới Bình) phải lấy nước mặn để tắm giặt và rửa chén bát mấy tháng nay. “Cứ kiểu này, mùa hạn kéo dài thêm vài tháng nữa chắc xóm này khát nước hết”, ông Tùng lắc đầu ngao ngán.
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, chủ động dùng các dụng cụ có sẵn trữ nước sinh hoạt đề phòng việc mực nước ngầm hạ thấp, gây khó khăn cho việc lấy nước. Ngành chức năng đang rà soát những hộ thiếu nước để có giải pháp hỗ trợ, như cung cấp bồn chứa nước, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước…