Ông Đặng Hồng Chiến, công nhân Công ty cổ phần Sông Đà 505 (là anh trai của nạn nhân đang bị mắc kẹt bên trong hầm Đặng Thị Hồng Ngọc) - người thường xuyên có mặt trong đội cứu hộ để đào, bới đất đá tiếp cận các nạn nhân.
"Đến 4h hôm nay, sau khi đưa thức ăn, nước uống vào cho các công nhân, chúng tôi đã trực tiếp nói chuyện với họ. Tất cả các công nhân đều cảm thấy vui, họ nói 'chúng tôi đã nghe thấy tiếng các anh dùng búa, xẻng, tiếng đào bới, đặc nghe tiếng khoan máy kêu the thé'. Họ đều có cảm giác đội cứu hộ đã gần tiếp cận được với mình và hy vọng sớm được giải thoát ra ngoài", ông Chiến cho biết.
Các công nhân đang tích cực đào hầm phụ để tiếp cận nạn nhân. |
Ông Chiến cũng là người trực tiếp thổi sữa, đưa đồ ăn vào bên trong hầm. Mỗi ngày, lượng cháo được đưa vào cho 12 công nhân được chia làm 6 lần, mỗi lần 20 lít, tổng cộng là 120 lít cháo/ngày. Nước suối, nước gừng được đưa vào mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 5 lít, còn sữa thì 40 lít/ngày.
"Thời điểm mới xảy ra tai nạn, những người thân của nạn nhân đến để nghe tin tức đều rất lo lắng, hoang mang nhưng đến nay họ yên tâm hơn vì mỗi ngày chúng tôi đều tiếp thức ăn, nước uống và nói chuyện với công nhân qua đường ống dẫn", ông Chiến nói.
Anh Trương Việt Hưng (quê Hà Nam, anh của công nhân Trương Tuấn Việt, người thân đầu tiên của các nạn nhân có mặt tại hiện trường) cho biết sau khi đọc được thông tin từ báo chí, mọi người gọi điện cho anh Việt nhưng không được. Ngay lập tức, anh cùng một người trong gia đình nhanh chóng vào Lâm Đồng để nghe ngóng thông tin.
"Vào tới hiện trường, tôi cảm thấy rất lo lắng cho tính mạng của em trai và những người mắc kẹt ở bên trong. Đi đến đâu, có thông tin gì tôi cũng đều tiếp cận, cứ thỉnh thoảng lại cập nhập tin tức, đặc biệt khi phóng viên báo chí phỏng vấn bất kỳ ai trong lực lượng cứu hộ, tôi đều lẻn vào để nghe thông tin. Đến nay, người thân trong gia đình tôi đều cảm thấy yên tâm hơn vì hàng ngày các công nhân vẫn được đưa cháo, nước vào bên trong và nói chuyện với đội cứu hộ", anh Hưng cho biết.