Lần đầu tiên người dân ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) liên tục đổ ra đường để chứng kiến cảnh "đấu đầu" giữa tài xế với nhà đầu tư trạm thu phí BOT Cai Lậy là Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang. Từ 11h55 đến 23h30 ngày 2/12, BOT Cai Lậy có đến 12 lần xả trạm khi tài xế dùng đủ loại "chiêu".
Tài xế cảnh báo "nóng" đến khuya
Lần xả trạm đầu tiên diễn ra sau khi tài xế Đặng Minh Trí (ngụ huyện Cai Lậy) mua vé 25.000 và trả 25.100 đồng thì được nhân viên thu phí thối lại 100 đồng. Anh dùng tiền mệnh giá thấp, đếm từng tờ để mua vé khiến thời gian anh Trí qua trạm kéo dài, gây ùn tắc giao thông phía sau nên BOT Cai Lậy phải xả trạm lần đầu tiên trong ngày lúc 12h.
Anh Minh Trí nhận 100 đồng tiền thối từ nhân viên BOT Cai Lậy. Ảnh:Trương Khởi. |
"Trạm Cai Lậy sẽ 'nóng' đến khuya nay", anh Trí nói với Zing.vn sau khi đã khiến cho BOT Cai Lậy phải xả trạm.
Lần xả trạm thứ hai lúc 12h40 khi tài xế Trần Minh Đố (quê Cần Thơ) nói với nhân viên trạm thu phí là anh không đủ tiền mua vé. Nhân viên kiểm soát hướng dẫn anh này đưa xe ra ngoài quầy thu tiền mệnh giá thấp để xử lý nhưng tài xế không đồng ý. Sau vài phút giằng co giữa hai bên, nhân viên phân làn thông báo cho các cô gái thu phí xả trạm, khi phía sau hàng xe ùn ú kéo dài hàng km.
13h, tài xế Huỳnh Bửu Long - người nhất quyết đòi BOT Cai Lậy trả 100 đồng tiền thừa vào ngày 30/11 - xuất hiện tại quán giải khát mà anh Trí cúng heo quay vào sáng 1/12. Nhiều tài xế sau đó ghé quán này trao đổi "nghiệp vụ" rồi lái xe qua trạm.
Điệp khúc đóng - xả trạm
Ngoài "chiến thuật 25-1" để kéo dài thời gian qua trạm, nhiều tài xế dừng xe để thắc mắc với nhân viên thu phí về việc mệnh giá trên vé bị gạch xóa và "dập" lên giá mới thấp hơn 30%. Không ít trong số đó không chấp nhận vé này và yêu cầu loại vé không gạch xoá giá. Cuộc tranh cãi dài bất tận. BOT Cai Lậy phải xả trạm để tránh áp lực ùn tắc lúc 13h30.
Hai tài xế kểm tra tiền mệnh giá thấp trước khi qua tram BOT Cai Lậy. Ảnh: Việt Tường. |
Đến 15h, nữ tài xế lái ôtô 4 chỗ hướng miền Tây về TP.HCM đã dùng tiền lẻ mua vé qua trạm. Chị chậm rãi đếm từng tờ bạc mệnh giá 500 đồng. Đếm được 7.000 đồng thì tiền rớt từ tay tài xế xuống đất nên nữ tài xế bước xuống xe nhặt lên rồi đếm tiền lại. Việc kéo dài thời gian mua vé của tài xế này đã gây ùn tắc nên BOT Cai Lậy xả trạm lúc lần thứ tư.
Hơn 8 giờ sau đó, điệp khúc đóng - xả trạm liên tục xảy ra tại BOT Cai Lậy khi nhà đầu tư và cánh tài xế "canh" nhau. Nếu như BOT Cai Lậy đóng barie thu phí khi quốc lộ 1 thông thoáng thì tài xế tìm cách gây kẹt xe sau đó vài phút.
Đặc biệt, từ chiều tối đến khuya 2/12, BOT Cai Lậy có đến 6 lần xả trạm. "Chiêu" mới của tài xế là lấy lý do không mang theo tiền nên dừng xe từ 5-10 phút tại cabin thu phí.
Người dân hò reo khi BOT Cai Lậy xả trạm. Ảnh: Việt Tường. |
Lần thứ 12 BOT Cai Lậy xả trạm khi có tài xế lấy lý do thấy trạm xả nên không mang tiền theo. "Em tưởng trạm xả đến ngày mai, anh cho em xin số điện thoại đi, rồi chút em quay lại gửi tiền cho anh", tài xế nói vừa dứt câu này thì nhân viên phân làn kêu nhân viên bán vé xả trạm.
Vắng bóng cảnh sát
Ngoài chuyện hy hữu trong 12 giờ có đến 12 lần xả trạm, Zing.vn ghi nhận suốt ngày 2/12, không có cảnh sát nào xuất hiện tại trạm thu phí. Điều này đối lập hoàn toàn với hình ảnh rất nhiều cảnh sát giao thông, trật tự và cả cảnh sát cơ động tại BOT Cai Lậy trong ngày đầu thu phí trở lại sau ba tháng rưỡi tạm ngưng hoạt động.
Nhân viên thu phí trong một lần BOT Cai Lậy xả trạm. Ảnh: Hải An. |
Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang, cho biết thắc mắc của tài xế về việc mệnh giá trên vé bị gạch xóa là do ngày 1/8, đơn vị đã in vé với số lượng lớn. Để tránh lãng phí, nhà đầu tư đã xin phép Chi cục Thuế huyện Cai Lậy trong việc "dập" lại mệnh giá mới kèm dấu gạch ngang để xóa mệnh giá cũ. Khi sử dụng hết những vé đã in trước đây, đơn vị sẽ in lại vé khác với mệnh giá mới.
Đến 8h50 ngày 3/12, BOT Cai Lậy đóng trạm, thu phí trở lại; tuy nhiên, xe cộ bắt đầu ùn ứ và nguy cơ kẹt xe dẫn đến xả trạm tái diễn.