Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

12 công ty thành công nhờ show khởi nghiệp ăn khách của BBC

Trong chương trình khởi nghiệp Shark Tank của đài BBC, dù kêu gọi đầu tư thất bại, doanh số sản phẩm của các công ty trẻ vẫn tăng vùn vụt nhờ được giới thiệu tới 10 triệu khán giả.

Business Insider cho biết, Shark Tank là chương trình khởi nghiệp, trong đó chủ các công ty nhỏ tìm cách thuyết phục, thỏa thuận để nhận được đầu tư nhiều nhất từ các nhà đầu tư tiềm năng (được gọi là “cá mập”).

Trong một số trường hợp, dù thất bại trong việc kêu gọi đầu tư, doanh số bán sản phẩm của các doanh nhân khởi nghiệp vẫn tăng vùn vụt sau khi họ xuất hiện trong chương trình. Bởi sản phẩm của họ được giới thiệu tới hơn 10 triệu khán giả của chương trình. Còn đối với những người thương thảo thành công, Shark Tank có thể thay đổi quỹ đạo, biến một công ty non trẻ trở thành thương hiệu quốc gia.

Dưới đây là 10 câu chuyện kinh doanh thành công nhất nhờ Shark Tank được trang Business Insider đưa ra với sự hợp tác của Carolyn Baumgarten, người viết trang blog dành cho cộng đồng những người quan tâm tới chương trình. Danh sách được đưa ra dựa trên doanh số tăng của các công ty sau khi xuất hiện trong Shark Tank.

1. Wicked Good Cupcakes

Danielle Vilagie và Tracey Noonan, hai mẹ con đến từ Boston Mỹ, thành lập một công ty sản xuất bánh trong hũ. Trong Shark Tank mùa thứ 4, họ đã có được thương vụ với Kevin O'Leary, trong đó, Kevin đầu tư 75.000 USD cho tác quyền chứ không lấy cổ phần. Theo đó, Kevin sẽ được trả 1 USD cho mỗi chiếc bánh được bán ra cho đến khi hoàn số tiền đầu tư. Sau đó, ông sẽ nhận được 50 xu cho mỗi chiếc bánh được bán ra.

Kể từ khi xuất hiện trong chương trình, công ty Wicked Good Cupcakes của hai mẹ con mở rộng cơ sở sản xuất và mở thêm vài cơ sở mới. Theo tờ WCVB Boston, doanh thu dự kiến tới cuối năm nay của công ty là 3 triệu USD.

2. Lollacup

Cặp vợ chồng doanh nhân Mark và Hanna Lim đã cùng nhau tạo ra Lollacup – loại cốc cải tiến dành cho trẻ ở độ tuổi tập đi. Lollacup không chứa chất BPA và chống tràn. Ống của cốc được thiết kế có thể hút được những giọt nước/sữa cuối cùng.

Trong Shark Tank mùa thứ 3, vợ chồng Lim đã đàm phán với cả Mark Cuban và Robert Herjavec, nhận được khoản đầu tư 100.000 USD cho 40% cổ phần. Đến nay, doanh thu của Lollacup đạt gần 1 triệu USD, trở thành sản phẩm dành cho trẻ em thành công nhất trong Shark Tank.

3. Simple Sugars

Tham gia Shark Tank mùa thứ 4, Lani Lazzari, mới 18 tuổi, đã giới thiệu công ty sản xuất sản phẩm chăm sóc gia Simple Sugars. Cô có được thương vụ với đầu tư 100.000 USD của Cuban, đổi lấy 33% cổ phần.

Chỉ trong 24 giờ kể từ khi tập Shark Tank có Lani xuất hiện, doanh số của Simple Sugars tăng từ 50.000 USD lên 220.000 USD và đạt 1 triệu USD sau 6 tuần. Hiện sản phẩm của Simple Sugars có mặt tại hơn 700 cửa hàng bán lẻ và được bán ra quốc tế. Tính đến thời điểm này của năm, doanh thu của công ty đạt 3 triệu USD.

4. ChordBuddy

Travis Perry là người phát minh ra ChordBuddy, thiết bị giúp những người mới học lên dây đàn guitar, dành cho con gái mình. Trong Shark Tank mùa thứ 3, Travis đạt được thỏa thuận với Herjavec, đổi 20% cổ phần lấy khoản đầu tư 175.000 USD. Tính tới thời điểm này của năm, doanh số của ChordBuddy đạt 2 triệu USD.

5. BuggyBeds

Trong Shark Tank mùa thứ 4, Maria Curcio và Veronica Perlongo nhận được đầu tư từ cả 5 “cá mập” cho công ty sản xuất bẫy côn trùng BuggyBeds. Sản phẩm BuggyBeds giúp bẫy bắt côn trùng. O'Leary, Herjavec, Cuban, Daymond John và Barbara Corcoran đầu tư 250.000 USD vào công ty để có 25% cổ phần.

Các “cá mập” của chương trình đã giúp đưa BuggyBeds vào các cửa hàng của Home Depot và Burlington Coat Factory trên khắp nước Mỹ cũng như phân phối tại 23 quốc gia. Chỉ vài tháng sau khi xuất hiện trong chương trình, công ty đã thu về 1,2 triệu USD.

6. Cousins Maine Lobster

Sau khi vận chuyển tôm hùm từ quê nhà tới căn nhà mới tại California, Sabin Lomac và Jim Tselikis, hai anh em họ tới từ Maine, bang New England, Mỹ, nảy ý tưởng thành lập công ty vận chuyển thực phẩm cao cấp. Công ty Cousins Maine Lobster nổi tiếng với xe tải vận chuyển tôm hùm. Hai anh em đạt được thương vụ với Corcoran trị giá 55.000 USD đổi lấy 15% cổ phần công ty.

Không lâu sau khi xuất hiện trong chương trình, doanh số công ty đạt 700.000 USD. Hiện doanh số của công ty vượt 3,5 triệu USD và bắt đầu bán nhượng quyền xe tải tại Mỹ.

7. Ten Thirty One Productions

Trong Shark Tank mùa thứ 5, Cuban đã có thương vụ đầu tư lớn nhất trong lịch sử chương trình, trị giá 2 triệu USD, đổi lấy 20% cổ phần trong công ty giải trí kinh dị  Ten Thirty One Productions của Melissa Carbone.

Carbone đã dùng số tiền đầu tư trên để mở rộng công ty từ California ra cả nước. Cuban cũng giúp cô có được hợp đồng phân phối vé với Live Nation. Carbone kỳ vọng doanh thu năm nay của công ty đạt 3 triệu USD.

8. Mission Belt Co.

Trong Shark Tank mùa 4, Nate Holzapfel giới thiệu công ty làm thắt lưng da không lỗ Mission Belt Co. Một phần doanh thu của công ty được dành làm từ thiện.

John, chuyên gia thời trang trong số các “cá mập” chương trình, tỏ ra hứng thú với ý tưởng của Nate và đầu tư 50.000 USD đổi lấy 37,5% cổ phần. Chỉ trong đêm tập Shark Tank có Nate phát sóng, Mission Belt bán được 180.000 USD. Trong tháng sau đó, doanh số công ty đạt 1 triệu USD.

9. Breathometer

Trong Shark Tank mùa thứ 5, Charles Yim đạt được thương vụ đầu tư với cả 5 “cá mập” cho Breathometer, dụng cụ kiểm tra hơi thở tiện lợi, có thể kết hợp cùng điện thoại thông minh. Cuban, O'Leary, John, Herjavec, và Lori Greiner đầu tư 650.000 USD để lấy 30% cổ phần công ty.

Kể từ khi xuất hiện trong chương trình, Yim nhận được thêm 2 triệu USD đầu tư, hợp tác cùng phòng khám danh tiếng Cleveland Clinic và phát triển sản phẩm chính xác, tiện dụng hơn. Yim dự đoán doanh số của Breathometer đạt 10 triệu USD vào cuối năm nay.

10. GrooveBook

Cặp vợ chồng Brian và Julie Whiteman tham gia Shark Tank mùa thứ 3 và giới thiệu dịch vụ thu thuê bao ảnh số với giá 2,99 USD/tháng. Trong đó, người dùng sở hữu một album ảnh số với độ phân giải cao, đi cùng với điện thoại di động thông minh của mình.

Cuban và O'Leary đã đầu tư 150.000 USD để có 80% lợi nhuận bản quyền. Sau khi xuất hiện trong chương trình, dịch vụ của cặp vợ chồng Whiteman có thêm 50.000 người đăng ký. Không chỉ vậy, trong tháng 11, công ty Shutterfly đã mua lại GrooveBook với giá 14,5 triệu USD.

11. ReadeRest

Trong Shark Tank mùa 3, Rick Hopper đã có “cù vồ ếch”ngã trước mặt các “cá mập”. Tuy nhiên, đây thực ra là một chiêu trò Rick dùng để minh họa cho sản phẩm của mình – chiếc ghim từ dùng để gắn kính đọc sách lên người.

Greiner đã đầu tư 150.000 USD để có 65% cổ phần công ty. Đúng như dự đoán của Greiner, ReadeRest là sản phẩm bán siêu chạy trong chương trình bán hàng của QVC. Đầu năm 2014, Rick cho biết doanh thu của công ty đạt 8 triệu USD kể từ khi xuất hiện trên Shark Tank.

12. Scrub Daddy

Scrub Daddy là sản phẩm được Aaron Krause mang tới Shark Tank mùa thứ 4. Những miếng lau hình mặt cười Scrub Daddy được làm từ chất liệu đặc biệt giúp chúng bền, sạch và hiệu quả hơn so với loại thông thường. Aaron nhận được 200.000 USD từ Krause đổi lấy 20% cổ phần.

Trước khi nhận được đầu tư, công ty vật lộn đủ kiểu mới thu về 100.000 USD trong hơn 18 tháng. Kể từ khi xuất hiện trong Shark Tank, doanh số của Scrub Daddy đạt hơn 18 triệu USD. Đây là mặt hàng chủ lực trên QVC và có mặt tại các cửa hàng bán lẻ như Bed Bath & Beyond và Wal-Mart.

 

Hoài Thu

Business Insider

Bạn có thể quan tâm