Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

116 người chết trong vụ rơi máy bay ở Indonesia

113 người trên máy bay và 3 người trên mặt đất thiệt mạng sau khi chiếc Hercules C-130 gặp nạn và lao xuống khu dân cư ở phía bắc Indonesia.

 

- Chiếc C-130 chở 113 người, gồm 12 thành viên phi hành đoàn và 101 hành khách, khởi hành từ căn cứ không quân tại thành phố Medan lúc 12h08 và dự kiến hạ cánh tại quần đảo Natuna. Tuy nhiên, máy bay rơi xuống một khu dân cư, chỉ 2 phút sau khi cất cánh. Toàn bộ người trên máy bay và 3 người trên mặt đất thiệt mạng.

- Trước khi gặp nạn, phi công đã liên lạc với trạm kiểm soát, yêu cầu được quay về do trục trặc kỹ thuật.

- Đội cứu hộ đã tìm thấy 55 thi thể từ hiện trường tai nạn. Các chuyên viên đã xác định được danh tính của 23 nạn nhân. Một số người trên máy bay là thân nhân của các sĩ quan không quân.

  • AFP dẫn lời người phát ngôn quân đội Indonesia cho biết, máy bay chở 12 sĩ quan vào thời điểm vụ tai nạn xảy ra. Máy bay cất cánh từ căn cứ không quân ở Medan để đến đảo Natuna. Tuy nhiên, nó rơi sau khi cất cánh vài phút.

    Phi công trên máy bay đã liên lạc yêu cầu quay về do trục trặc kỹ thuật. Các nhân chứng cho biết, máy bay đã quay vòng trên bầu trời trước khi lao xuống khu dân cư.


  • Đến đầu giờ chiều 30/6, cảnh sát trưởng thành phố Medan, Mardiaz Dwihananto, cho biết đội cứu hộ đã thu hồi 6 thi thể từ hiện trường. "Các thi thể nằm lẫn trong xác máy bay. Chúng tôi vẫn chưa phát hiện tất cả nạn nhân", ông nói với AP. Do máy bay rơi xuống khu dân cư nên chính quyền lo ngại con số thương vong còn tiếp tục tăng. Ảnh: AFP
  • Ông Hisar Turnip, người phát ngôn Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia, cho biết: "Thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được cho biết 30 người đã chết. Tuy nhiên, tôi chưa rõ bao nhiêu nạn nhân là người trên máy bay và bao nhiêu người tử vong trên mặt đất". Medan là thành phố đông dân thứ 3 sau thủ đô Jakarta và Surabaya.

  • Người dân tập trung ở hiện trường máy bay rơi. Ảnh: AFP

  • Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy, máy bay vỡ thành nhiều mảnh và bốc cháy dữ dội sau khi rơi. Những tòa nhà xung quanh hiện trường cũng hư hại nghiêm trọng. "Tôi nhìn thấy phi cơ bay chao đảo từ hướng sân bay, rồi nó hạ độ cao nhanh chóng và sau đó một cột khói đen bốc lên", Janunra, 26 tuổi, nói với AFP. Anh cho biết phi cơ rơi ở một vùng dân cư mới thành lập nên có thể chưa nhiều người dọn đến ở. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường tai nạn.

  • Fuad Basya, phát ngôn viên quân đội Indonesia cho biết, chiếc C-130 đang chở thiết bị hậu cần quân sự trước khi gặp nạn. Sự việc nhấn mạnh mối lo ngại về an toàn hàng không và phi đội máy bay quân sự cũ kỹ của nước này. Ông Basya cho biết, phi cơ vừa rơi được sản xuất từ năm 1964. Sairi M. Saragih, nhân viên bệnh viện đa khoa Adam Malik, cho biết cơ sở này đã tiếp nhận 11 thi thể từ đội tìm kiếm, Reuters đưa tin.


  • Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy rất nhiều người dân và nhân viên của cơ quan khẩn cấp tập trung quanh đống đổ nát đang cháy rực với thân máy bay nằm lẫn trong đám khói đen dày đặc. Các tòa nhà trong vùng lân cận của vùng tai nạn cũng bị hư hại nặng. Ảnh: Twitter
  • Cận cảnh phần thân máy bay trong vụ tai nạn. Ảnh: Twitter

  • Địa điểm xảy ra vụ tai nạn. Đồ họa: Google Maps
  • Đội cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong hiện trường máy bay rơi. Ảnh: Twitter

  • Phóng viên Stephanie Dekker của tờ Al-Jazeera viết trên Twitter rằng phi công đã nhận yêu cầu quay trở về căn cứ ngay sau khi cất cánh do phi cơ gặp trục trặc. Tuy nhiên, khi chuẩn bị quay đầu, nó rơi xuống khu dân cư.

  • 10 năm trước, thành phố Medan cũng chứng kiến một vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng sau khi chiếc Boeing 737 của Mandala Airlines cất cánh từ sân bay thành phố đã đâm vào khu dân cư. Tai nạn khiến 143 người thiệt mạng, gồm 30 nạn nhân ở mặt đất, theo RT. Với dân số 3,4 triệu người, Medan là thành phố lớn thứ 3 ở Indonesia, sau Jakarta và Surabaya.

  • Hãng thông tấn AP dẫn thông tin từ bệnh viện địa phương xác nhận 20 trường hợp đã tử vong trong vụ tai nạn ở Medan.

  • Truyền hình địa phương phát hình ảnh cho thấy những ngôi nhà và khách sạn chìm trong lửa và khói đen. Mạng An toàn Hàng không cho biết có 10 tai nạn chết người liên quan tới máy bay quân sự hoặc phi cơ cảnh sát ở Indonesia trong thập kỷ qua.

  • Reuters dẫn lời Elfrida Efi, lễ tân khách sạn Golden Eleven, cho biết: “Nó bay qua đầu chúng tôi vài lần ở độ cao rất thấp. Chúng tôi nhìn thấy lửa và khói đen. Đến lần thứ 3, nó va chạm với mái khách sạn và nổ tung”. Theo Efi, máy bay cũng phá hủy một tiệm massage, nơi thường rất đông khách vào ban ngày.

  • Sairi M. Saragih, chuyên viên quan hệ công chúng của bệnh viện đa khoa Adam Malik cho biết, ít nhất 11 thi thể đã được đưa tới cơ sở này.

  • Agus Dwi Putrant, chỉ huy của Không quân Indonesia, xác nhận trên truyền hình địa phương rằng 12 sĩ quan ở trên máy bay vào thời điểm tại nạn xảy ra. Tuy nhiên, số hành khách trong khoang chưa được xác định, theo AP.

  • Ngày 28/12/2014, máy bay AirAsia gặp nạn và rơi ngoài khơi Indonesia khi thực hiện lộ trình từ Surabaya, Indonesia tới Singapore. Toàn bộ 162 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chiếc Airbus A320 tử nạn.

  • Nhân viên cứu hỏa cố gắng dập tắt ngọn lửa quanh đống đổ nát sau khi máy bay vận tải Hercules C-130 rơi tại thành phố Medan hôm 30/6 chỉ vài phút sau khi cất cánh. Ảnh: Reuters

  • "Các thi thể nằm lẫn lộn giữa mảnh vỡ của máy bay và tòa nhà. Chúng tôi chuyển từng thi thể lên xe cứu thương rồi chuyển tới một bệnh viện gần đó", cảnh sát trưởng địa phương Mardiaz Dwihananto nói. Theo ông Dwihanato, mảnh vụn của tòa nhà và thân máy bay đã đè lên các nạn nhân. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường, theo Telegraph.

  • Theo truyền thông địa phương, 12 thành viên phi hành đoàn trên máy bay gồm 3 phi công, một hoa tiêu và 8 kỹ thuật viên, Telegraph đưa tin.
  • Vụ tai nạn mới nhất tại thành phố Medan là một trong nhiều sự cố của máy bay quân sự Indonesia từ năm 2009, theo Telegraph. Hồi tháng 4, một chiến đấu cơ F-16 thuộc Không quân Indonesia (IAF) bốc cháy trước khi cất cánh từ căn cứ không quân tại thủ đô Jakarta. Sự việc xảy ra một tháng sau khi hai máy bay của IAF rơi trong buổi tập nhào lộn. Năm 2012, 9 người thiệt mạng sau khi một máy bay của IAF rơi vào một khu nhà ở phía đông Jakarta. Cũng trong năm đó, một máy bay vận tải quân sự chở binh lính và gia đình của họ gặp nạn ở đảo Java, khiến 98 người chết.

  • Theo AFP, số nạn nhân vụ tai nạn máy bay ở Indonesia đã tăng lên 38 người.

  • Novi làm việc tại một trường quốc tế gần nơi tai nạn xảy ra. Cô cho biết nghe tiếng máy bay từ cửa sổ văn phòng và thấy nó bay rất thấp trước khi rơi. "Khoảnh khắc đó thật đáng sợ," Novi nói với AFP. Cô cùng đồng nghiệp nhanh chóng tới hiện trường ngay sau đó. Họ trông thấy các mảnh vỡ cùng khói bốc lên và mô tả cảnh tượng "rất tồi tệ".

  • Tham mưu trưởng không quân Indonesia Agus Supriatna xác nhận trên kênh MetroTV vào chiều 30/6 rằng, chiếc C-130 chở 113 người bao gồm 12 thành viên phi hành đoàn và 102 hành khách. Toàn bộ người trên máy bay đã thiệt mạng khi nó rơi xuống khu dân cư. Tai nạn xảy ra chỉ 2 phút sau khi nó cất cánh.

    Hiện chưa rõ số lượng người ở mặt đất bị thương sau sự việc.

  • Trước đó, phát ngôn viên quân đội Fuad Basya nói máy bay chở những vật dụng hậu cần quân sự và cất cánh từ căn cứ không quân Soewondo ở thành phố Medan. Quân đội đang nỗ lực xác minh danh tính của những người trên phi cơ.

    Cuối buổi chiều, Reuters cho biết đội cứu hộ đã thu hồi 49 thi thể.

  • Hiện trường máy bay vận tải của Indonesia gặp nạn. Thông tin mới nhất của Không quân nước này cho hay 113 người có mặt trên khoang và không còn hy vọng sống sót. Ảnh: Reuters
  • Khi AFP hỏi về cơ hội sống sót của các hành khách, ông Supriatna khẳng định: "Không ai có thể sống cả. Tôi vừa trở về từ hiện trường". Ông cho biết, một số người trên máy bay là thân nhân của các sĩ quan không quân.

  • Theo Reuters, sau vụ tai nạn mới nhất, Không quân Indonesia đã thiệt hại 4 chiếc C-130. Người phát ngôn không quân Dwi Badarmanto nói các điều tra viên đang tìm hiểu nguyên nhân thảm kịch. Trong khi đó, quân đội quyết định tạm ngưng hoạt động của 8 chiếc C-130 còn lại.

    "Lúc này vẫn còn sớm để phỏng đoán về nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, sự việc chắc chắn tiếp tục dấy lên lo ngại về an toàn hàng không ở Indonesia, đặc biệt khi nước này vừa trải qua thảm kịch của chuyến bay QZ8501 cách đây nửa năm", ông Greg Waldron, thư ký nội dung trang FlightGlobal chuyên theo dõi tin tức ngành hàng không.

  • Ông Supriatna cho biết đội cứu hộ đã thu hồi 49 thi thể từ hiện trường tai nạn. Các chuyên viên đã xác định được danh tính của 23 nạn nhân.

  • Đội cứu hộ đưa 1 thi thể ra khỏi hiện trường tai nạn. Ảnh: AFP

  • Người thân của một hành khách trên máy bay khóc than khi đến hiện trường tai nạn. Ảnh: EPA

  • Lực lượng Không quân Indonesia đã tạm thời dừng hoạt động 8 chiếc máy bay C-130B Hercules còn lại sau vụ tai nạn làm hơn 100 người chết, Reuters dẫn lời người phát ngôn của quân đội nước này cho hay.

    Ít nhất 49 thi thể đã được tìm thấy tại hiện trường nơi máy bay lao xuống khu dân cư ở thành phố Medan, trên đảo Sumatra, phía bắc đất nước.

  • Các thông tin về vụ tai nạn cho tới nay:

    - Chiếc C-130 chở 113 người, gồm 12 thành viên phi hành đoàn và 101 hành khách, khởi hành từ căn cứ không quân tại thành phố Medan lúc 12h và dự kiến hạ cánh tại quần đảo Natuna. Tuy nhiên, máy bay rơi xuống một khu dân cư, chỉ 2 phút sau khi cất cánh. Toàn bộ người trên máy bay đều thiệt mạng.

    - Trước khi gặp nạn, phi công trên máy bay đã liên lạc với trạm kiểm soát, yêu cầu quay về do trục trặc kỹ thuật.

    - Đội cứu hộ đã thu hồi 49 thi thể từ hiện trường tai nạn. Các chuyên viên đã xác định được danh tính của 23 nạn nhân. Một số người trên máy bay là thân nhân của các sĩ quan không quân.

  • Đội cứu hộ địa phương cho hay, 3 người trên mặt đất thiệt mạng khi chiếc C-130B Hercules lao xuống một khu dân cư mới được xây dựng, phá hủy một tiệm massage và một khách sạn nhỏ, theo Reuters. Như vậy, con số thương vong sau tại nạn có thể là 116 người.


  • Các ngôi nhà ở khu dân cư mới được xây dựng tại thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra, bị phá hủy sau khi chiếc máy bay gặp sự cố và lao xuống đất. Ảnh: AFP

  • Phi cơ gặp nạn đã hoạt động 51 năm, theo AFP.  Nhiều hành khách trên máy bay là thân nhân của các sĩ quan không quân. Tính tới thời điểm hiện tại, ít nhất một trẻ em được xác nhận đã thiệt mạng.

  • Không quân Indonesia công bố danh tính 12 sĩ quan trên máy bay gặp nạn. Danh sách gồm: Cơ trưởng: Sandy Permana; Cơ phó 1: Pandu Setiawan; Cơ phó 2: Dian Sukma P; Hoa tiêu: Roni Setiawan và Người phụ trách radio: Maj Bambang H. 3 kỹ thuật viên: Ibnu Kohar, Andik S, Parijo; 3 nhân viên: Ngaserman, Yahya, Agus P và sĩ quan hỗ trợ: Alvian.

  • Lực lượng an ninh và người dân thành phố Medan kiểm tra xác máy bay để tìm người sống sót và đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát sau tai nạn. Ảnh: Reuters

  • Lực lượng cứu hộ phun nước để dập đám cháy. Những người đàn ông di chuyển bánh xe của chiếc phi cơ để tìm người bị vùi bên dưới. Ảnh: ABC/AP




  • Những căn nhà ở khu Jl. Jamin Ginting, thành phố Medan, Bắc Sumatra, bị phá hủy khi bị máy bay lao trúng. Ảnh: ABC News
  • Cột khói đen được nhìn thấy từ khoảng cách rất xa so với hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: ABC News

  • Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, bày tỏ nỗi đau buồn sau vụ tai nạn trên Twittter. "Gia đình nạn nhân hãy kiên nhẫn và mạnh mẽ sau thảm họa... Chúng ta sẽ được an toàn".

  • "Chúng tôi sử dụng thiết bị nặng như máy động lực để di chuyển các mảnh vỡ của máy bay. Chúng tôi cũng đang đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát và hy vọng hoàn tất hoạt động cứu hộ trong tối nay", Romali, giám đốc của cơ quan tìm kiếm và cứu hộ thành phố Medan, nói với Reuters.

  • Thân nhân những người thiệt mạng bật khóc bên ngoài bệnh viện Adam Malik ở thành phố Medan. Ảnh: Reuters

  • Tổng thống Joko Widodo từng lên kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quân sự của Indonesia lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, vụ tai nạn máy bay vận tải Hercules C-130 có thể khiến ông phải tăng mạnh hơn nữa chi tiêu quốc phòng nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân.

    "Tai nạn cho chúng ta thấy, Indonesia cần phải thay mới các máy bay và thiết bị quân sự", Pramono Anung, một nghị sĩ và thành viên của Ủy ban giám sát quốc phòng thuộc quốc hội Indonesia, nhận định. Theo Anung, dòng phi cơ vận tải Hercules đã cũ, trong khi nhiều khí tài khác cũng cần thay mới. Do đó, quốc hội sẽ sớm thông qua việc tăng chi tiêu cho quân sự để quân đội nâng cấp vũ khí.

  • Cho tới nay, Không quân Indonesia mất 4 chiếc Hercules C-130. Điều này giảm khả năng vận tải của lực lượng tại quần đào trải dài hơn 5.000 km từ tây sang đông.

  • "Một lần nữa, người dân Indonesia phải trải qua thời khắc đau buồn. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân”, Tổng thống Joko Widodo phát biểu. Ảnh: Antaranews

  • Không quân Indonesia đang điều tra thảm kịch của máy bay vận tải C-130 hôm nay. "Chúng tôi đang đánh giá nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn", Tư lệnh Không quân Indonesia Agus Supriatna cho hay.

    "Chúng tôi muốn hoàn thành quá trình điều tra càng sớm càng tốt nhưng việc này không dễ dàng. Hơn nữa, chúng ta không có nhân chứng để cung cấp thông tin về tình trạng của hành khách và thành viên phi hành đoàn (khi tai nạn xảy ra)", ông nói.

    Liên quan đến tổng số nạn nhân, ông Supriatna tuyên bố rằng, Không quân Indonesia đang thu thập thông tin về hành khách dân sự. Tính tới thời điểm hiện tại, ít nhất 116 người được xác định thiệt mạng, gồm 113 người trên máy bay và 3 người khác dưới mặt đất.

Minh Anh - Hồng Duy - Hải Anh

Bạn có thể quan tâm