Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có bài phát biểu quan trọng được xem là lời tuyên chiến của Mỹ đối với chiến lược Vành đai, Con đường của Trung Quốc. Vành đai, Con đường là sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình hướng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên châu Á, kết nối với châu Phi và châu Âu, tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên khắp khu vực.
Trong bài bình luận trên Nikkei Asian Review, tác giả James Crabtree, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), chỉ ra rằng "Vành đai, Con đường" bao gồm nhiều dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD trong khi "lời hồi đáp" của Mỹ chỉ là 113 triệu USD và tương quan trên có thể khiến giới lãnh đạo tại Bắc Kinh "bật cười khúc khích", thay vì lo ngại.
Thời điểm tốt, kế hoạch tệ
Kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu vực của Mỹ mang tên "Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương". Washington cam kết đầu tư 113 triệu USD cho các mảng kinh tế số, năng lượng và hạ tầng ở khu vực này.
"Đây là một nỗi xấu hổ", ông Crabtree viết.
Phó giáo sư của Trường Lý Quang Diệu nhận định rằng những người lo lắng trước một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ cảm thấy thất vọng trước kế hoạch mà ngoại trưởng Mỹ trình bày.
Kể từ khi Tổng thống Trump lần đầu tiên nói về "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở" vào năm 2017, các nhà quan sát Mỹ - Trung đã đợi chờ kế hoạch cụ thể của Mỹ cho chiến lược này. Họ không tìm thấy điều gì như thế trong lời lẽ của ông Pompeo.
Kế hoạch mới công bố của Mỹ được cho là lời đáp trả sáng kiến Vành đai, Con đường của Chủ tịch Tập. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Crabtree, những nỗ lực để cắt nghĩa ra một vai trò quan trọng hơn cho Mỹ tại châu Á đều được hoan nghênh. Và đây lại là thời điểm tốt, trong bối cảnh Vành đai, Con đường đang nhận về nhiều chỉ trích.
Những dự án giao thông và viễn thông lớn do chủ tịch Trung Quốc khởi xướng thoạt đầu trông như "bất khả chiến bại" nhưng cuối cùng lại vướng vào những vụ bê bối tham nhũng, quan ngại về tài chính không minh bạch, sự chậm trễ và vấn đề liên quan đến các khoản vay của Bắc Kinh cho các đối tác.
Ví dụ rõ ràng nhất là Malaysia. Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã mở cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào hàng loạt dự án sử dụng vốn Trung Quốc. Loạt dự án với tổng số vốn trị giá hơn 20 tỷ USD đã bị đình chỉ, bao gồm một công trình đường sắt 14 tỷ USD. Số phận của đường cao tốc nối Malaysia với Singapore cũng bị bỏ ngỏ.
Sự bất bình trỗi lên ở nhiều nơi khác. Các dự án liên quan đến sáng kiến Vành đai, Con đường đã gây phẫn nộ trong công chúng từ Indonesia đến Sri Lanka. Bên cạnh nỗi lo trở thành "con nợ" của Trung Quốc, sự phản đối còn đến từ bản chất "tự phục vụ" trong mô hình phát triển hạ tầng của Trung Quốc, các dự án thường do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận, sử dụng công nhân Trung Quốc trong khi người địa phương hầu như không được hưởng lợi.
Ông Crabtree chỉ ra ví dụ của Pakistan, có thể xem là đối tác tỏ ra hào hứng bậc nhất đối với chiến lược này, cũng đã hủy bỏ dự án xây dựng một con đập trị giá 14 tỷ USD, lý do được chỉ ra là lo ngại về điều khoản.
Tất nhiên, không ai trông chờ Washington có thể đưa ra một con số đối trọng được với số tiền mà Bắc Kinh có thể chi ra trên Vành đai, Con đường. Một phần lý do là vì chính phủ Mỹ bị hạn chế bởi các cơ chế kiểm soát việc phát triển hạ tầng toàn cầu. Các dự án trong sáng kiến Vành đai, Con đường được triển khai trên nền các quy tắc lỏng lẻo hơn và nhanh chóng hơn.
Ở mặt khác, các nhà lãnh đạo tại châu Á cũng không mong Mỹ rút khỏi khu vực, như xu hướng đáng lo ngại mà Tổng thống Trump đã thể hiện trong suốt thời gian vừa qua của nhiệm kỳ, trong đó có việc ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều nước châu Á hy vọng Mỹ sẽ ở lại và hành động như một đối trọng cân bằng với sự trỗi dậy không thể tránh khỏi của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Sri Lanka năm 2014. Sri Lanka là một trong những nước nhận đầu tư nhiều nhất trong sáng kiến Vành đai, Con đường. Ảnh: AFP. |
Việc ông Pompeo nói Mỹ muốn tạo dựng một vai trò có ảnh hưởng hơn khu vực cũng được đón chào nhiều như chuyến thăm của ông đến đây trong cuối tuần này.
Nhưng dù đã đánh giá bằng những tiêu chí dễ dãi vậy, kế hoạch cụ thể của Pompeo vẫn là một nỗi thất vọng", ông Crabtree viết.
Ấn Độ, một "đỉnh" của Tứ giác Kim cương, sự hợp tác được trông đợi sẽ chống đỡ cho "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở", được nhắc đến rất ít.
Tập đoàn Đầu tư Hải ngoại Mỹ, cơ quan chính phủ chuyên cung cấp tài chính cho các dự án phát triển ở nước ngoài, sẽ hợp tác để xây dựng hạ tầng với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và chính phủ Australia. Nhật Bản và Australia là 2 đối tác còn lại của Mỹ trong Tứ giác Kim cương. Dù vậy, người ta vẫn không biết rõ sự hợp tác này sẽ diễn ra như thế nào.
Cách tiếp cận khác cho Mỹ
Phó giáo sư của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu nhận định rằng dĩ nhiên Trung Quốc sẽ tiếp tục làm thay phần việc của Mỹ khi phát triển hạ tầng theo hướng sẽ cô lập những nước mà họ trông như đang giúp đỡ. Bắc Kinh cũng sẽ học được bài học từ những sai lầm vừa qua trên Vành đai, Con đường và "đánh bóng" lại chiến lược này để giảm thiểu những tác dụng ngược.
Trong khi đó, các nước nghèo tại châu Á vẫn đang cần tiền. Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán châu lục này sẽ cần 26 nghìn tỷ USD đầu tư hạ tầng vào năm 2030. Khi không tìm ra phương án thay thế khả dĩ, các nhà lãnh đạo tại châu Á sẽ phải quay sang Trung Quốc.
Hãy nhìn vào Sri Lanka, không nhiều nước phải trả giá cho các dự án liên quan đến Trung Quốc sớm như vậy. Năm 2017, chính phủ Sri Lanka hứng chịu một cuộc "mất mặt toàn cầu" khi phải giao một cảng của Trung Quốc xây dựng tại Sri Lanka cho người Trung Quốc sau khi không thể trả được nợ. Thế nhưng đến tháng 6, Sri Lanka tiếp tục nhận khoản viện trợ 295 triệu USD từ Trung Quốc.
Ông Crabtree cho rằng Mỹ có thể tăng cường ảnh hưởng bằng những cách tiếp cận mềm mỏng hơn thông qua sức mạnh kinh tế và văn hóa của họ. Ảnh: Reuters. |
Mỹ, nước không thể chơi nổi trò chơi tiền bạc này, phải tăng cường ảnh hưởng bằng những cách tiếp cận mềm mỏng hơn thông qua sức mạnh kinh tế và văn hóa của họ, bên cạnh mạng lưới đồng minh trong khu vực.
Crabtree đồng ý với Ngoại trưởng Pompeo khi ông nói rằng hạ tầng phải được xây dựng tốt nhất bằng cách tạo ra các điều kiện cho khu vực đầu tư tư nhân được phát triển, thay vì sao chép mô hình Trung Quốc.
Cuối cùng, ông Crabtree kết luận rằng dù Mỹ có muốn hay không, sáng kiến của họ cũng không thể sánh được với Trung Quốc. "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở" sẽ phải trở nên thực chất hơn rất nhiều nếu Washington muốn thách thức sự bành trướng của Bắc Kinh và củng cố vị thế siêu cường thống lĩnh tại châu Á.