Theo nghiên cứu của Credit Suisse IT Hardware và IDG Data Loss Survey 2014, nếu doanh nghiệp bị mất dữ liệu trong vòng 5 ngày, 80% trong số đó sẽ phá sản. Tính trung bình, mỗi giờ thế giới ghi nhận 13,4 triệu USD thiệt hại do dữ liệu bị mất đi mà chưa phục hồi được.
Về phía người dùng cá nhân, cứ mỗi 60 giây trên thế giới có 113 chiếc điện thoại bị đánh cắp, đi kèm với đó là sự mất đi vĩnh viễn của hàng chục, hàng trăm Gigabytes dữ liệu. 30 tỷ USD là con số thiệt hại ước tính trong năm 2012 do việc mất dữ liệu trong điện thoại gây ra.
Thiệt hại từ mất mát dữ liệu là rất lớn nhưng nhiều người dùng chưa coi trọng việc sao lưu thường xuyên. |
Khảo sát của Western Digital năm 2012 cho thấy, 44% việc mất dữ liệu do lỗi phần cứng hoặc hệ thống, 32% do bất cẩn của người dùng, 14% do lỗi phần mềm và khoảng 7% từ virus máy tính. Do vậy, việc lưu trữ dữ liệu là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, có tới 30% người dùng chưa từng sao lưu dữ liệu dự phòng, 31% nam giới chưa biết cách sao lưu dữ liệu, trong khi tỉ lệ này ở nữ giới lên tới 49%.
Một khảo sát khác cũng chỉ ra, có đến 59% người dùng sử dụng ổ cứng để lưu trữ, trong khi chỉ có 41% sử dụng USB. Các chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ cho rằng, người dùng cần căn cứ vào đặc điểm và yêu cầu công việc riêng của mình để chọn hình thức thích hợp nhất.
Ví dụ, USB phù hợp cho việc lưu và trao đổi file dung lượng thấp tại chỗ, trong khi ổ cứng phù hợp lưu trữ lượng dữ liệu lớn, cần độ bảo mật cao, tốc độ sao lưu lớn, vừa an toàn và thuận tiện trong sử dụng khi cần di chuyển nhiều. Ngoài ra, còn có một số hình thức lưu trữ dữ liệu khác như ổ đĩa quang hoặc đám mây.