Một người biểu tình cầm tiền giấy Lebanon trong một cuộc biểu tình ngày 25/1. Ảnh: Reuters. |
Hai nghị sĩ Najat Saliba và Melhem Khalaf đã ngồi trong tòa nhà quốc hội tại thủ đô Beirut kể từ ngày 19/1. Họ kêu gọi các thành viên quốc hội tham gia cuộc biểu tình, tập hợp số đại biểu cần thiết và bầu ra tổng thống mới, theo Washington Post.
“Một nội các mới là cách duy nhất để chúng tôi thực hiện cải cách, hoặc thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để ngăn chặn sự suy thoái của đồng lira và đạt được tiến bộ trong nước. Cách duy nhất để có được nội các là bầu ra tổng thống”, bà Saliba nói.
Trong cuộc thảo luận qua Zoom với Washington Post vào tối 24/1, bà cho biết không gian tối đen như mực do điện chỉ được cấp từ 9h đến 14h. Các nghị sĩ phải làm việc bằng máy chiếu và đèn pin.
“Điều này không tệ lắm. Tôi nghĩ mọi người đang phải chịu đựng tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với chúng tôi”, bà nói.
Tình trạng thiếu điện là một trong nhiều thảm họa đã nhấn chìm Lebanon kể từ năm 2019. Vào thời điểm đó, hàng chục nghìn người đã tràn ra đường phố để phản đối cuộc khủng hoảng tài chính và nạn tham nhũng của đất nước.
Trước cuộc khủng hoảng, 1 USD đổi được 1.507 lira Lebanon. Nhưng vào ngày 25/1, đồng lira chứng kiến tình trạng sụt giảm giá trị kỷ lục khi 1 USD đổi 57.000 lira, giảm 35% kể từ ngày 1/1.
Sự sụt giảm của đồng lira phản ánh tình trạng nghèo đói của Lebanon. Nó cũng mở rộng khoảng cách giữa những người được trả bằng đồng USD và những người được trả bằng nội tệ.
Chương trình Lương thực Thế giới ước tính 46% hộ gia đình Lebanon gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực cơ bản.
“Chúng tôi không thể làm gì ngoài việc chứng kiến người dân đau khổ. Với khoảng trống như thế này, mọi người phải tự lo liệu cho bản thân. Đây là tình huống tồi tệ nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng”, bà Saliba cho biết.
“Để phá vỡ vòng lặp đình trệ và bất lực, chúng tôi quyết định ngồi trong quốc hội và kêu gọi hành động”, bà nói thêm.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.