Câu chuyện thực tế phức tạp hơn nhiều, CNN mở đầu bài viết.
Những bản tin được phát liên tục về lễ tang của Hoàng thân Philip đã khiến đài BBC nhận được hơn 100.000 đơn khiếu nại. Khán giả phàn nàn rằng nhà đài đã hoãn một số chương trình được ưa thích như MasterChef hay bộ phim truyền hình EastEnders.
Trong trường hợp này, một đài truyền hình quốc gia như BBC bị mắc kẹt giữa nhiều yêu cầu: họ không chỉ có nhiệm vụ đưa tin, mà còn cần hướng sự quan tâm của công chúng vào sự kiện đó. Đồng thời, họ cũng cần chiều lòng một tập hợp khán giả ngày càng phức tạp. Do đó, hoãn các chương trình, thay vì chiếu trên nền tảng khác dường như là lựa chọn tối ưu.
Sự ra đi của Hoàng thân Philip được coi là "khởi đầu cho sự kết thúc của một thời đại". Ảnh: Guardian. |
Bộ máy hoàng gia
Sự việc trên là ví dụ cho thấy thế giới đã thay đổi nhiều trong gần 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Mối quan hệ của bà với công chúng cũng phức tạp hơn nhiều so với thời điểm bà lên ngôi.
Chồng bà, Hoàng thân Philip hiểu rõ sức mạnh và tầm quan trọng của truyền thông, cũng như cách lợi dụng truyền thông để xây dựng hình ảnh cho hoàng gia. Ông là người thúc đẩy truyền hình trực tiếp lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II năm 1953, giúp cả nước Anh có cơ hội chứng kiến sự kiện này.
Nữ hoàng đã nỗ lực để đến gần hơn với người dân. Tuy vậy, những cố gắng của bà chưa đáp ứng được yêu cầu của công chúng. Những người trẻ hơn trong hoàng gia nắm rõ nhu cầu này.
“Khi được hỏi về thành viên hoàng gia được yêu thích nhất, ngoại trừ nữ hoàng, Hoàng tử William và Công nương Kate thường dẫn đầu. Bộ đôi Harry - Meghan cũng rất được giới trẻ mến mộ”, ông Joe Twyman, Giám đốc công ty tư vấn Deltapoll, chia sẻ với CNN.
Bốn nhân vật trên luôn cố gắng xử sự như người bình thường. Họ cũng tích cực hoạt động xã hội, bao gồm vận động bảo vệ người bị bệnh thần kinh, cũng như chống biến đổi khí hậu.
Trước những rắc rối gần đây với Hoàng tử Harry và Công nương Meghan, bộ máy Hoàng gia Anh vận hành khá trơn tru. Những thành viên trẻ tuổi giúp hoàng gia bớt cứng nhắc, cũng như giúp đỡ nữ hoàng.
Đầu những năm 2010, sự “phân công lao động” chứng kiến giai đoạn thành công nhất. Người dân Anh hồ hởi xuống đường ăn mừng đám cưới của Hoàng tử William và Công nương Kate năm 2011, và đám cưới kim cương của nữ hoàng một năm sau đó.
Tương lai khó đoán định
Tuy vậy, công thức này sẽ gặp phải vấn đề hóc búa sau khi nữ hoàng qua đời.
“Sự ra đi của Hoàng thân Philip là khởi đầu cho sự kết thúc của một thời đại. Nó nhắc nhở chúng ta rằng nữ hoàng là một con người, không phải thể chế”, tiến sĩ Catherine Haddon, chuyên gia về hiến pháp tại Viện Chính quyền Anh, chia sẻ với CNN. “Điều trớ trêu là con cháu của nữ hoàng đã trở thành những nhân vật nổi tiếng. Không rõ họ sẽ thể hiện thế nào trên cương vị người đứng đầu hoàng gia”.
Di sản quá lớn của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ đặt áp lực lên vai Thái tử Charles. Ảnh: Reuters. |
Vấn đề lớn nhất đến từ Thái tử Charles, người đứng đầu danh sách kế vị. Công việc sắp tới của ông sẽ rất khó khăn, do sự mến mộ của người dân với Nữ hoàng Elizabeth II. Hình ảnh mà ông xây dựng trong nhiều thập niên qua cũng phảng phất những gam màu tối, CNN bình luận.
Ông đã vận động chống biến đổi khí hậu từ trước khi phong trào này được phổ biến. Tuy vậy, hình ảnh của Thái tử Charles xấu đi trong mắt công chúng do ông thường xuyên can thiệp vào công việc của chính phủ, cũng như cuộc ly hôn của ông với Công nương Diana.
Trong khi đó, sự ủng hộ của công chúng với cặp đôi William - Kate cao hơn đáng kể. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy dư luận Anh sẵn sàng để William lên ngôi, thay vì người cha Charles.
Sự trái ngược trong thái độ của công chúng đối với Thái tử Charles và Hoàng tử William có thể sẽ là vấn đề. Thái tử Charles năm nay 72 tuổi. Nếu Nữ hoàng Elizabeth sống lâu như mẹ của bà, thái tử sẽ lên ngôi năm 79 tuổi. Nếu Thái tử Charles sống lâu như cha ông, Hoàng tử William chỉ có thể lên ngôi năm 2048. Trước thời điểm đó, thái độ của công chúng có thể sẽ dịch chuyển theo hướng bất lợi cho hoàng gia.
Hoàng gia nên làm gì?
“Không ai rõ Thái tử Charles sẽ thể hiện thế nào trong vai trò mới. Tuy vậy, công việc này đã trở nên khó khăn hơn kể từ năm 1953 (năm Công chúa Elizabeth lên ngôi nữ hoàng), và chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nữa”, ông Ben Page, Giám đốc điều hành công ty khảo sát Ipsos MORI, khẳng định. “Hoàng gia cần lôi cuốn một đất nước đa dạng hơn, cả về dân tộc, độ tuổi và thu nhập”.
Những lời phàn nàn về lịch phát sóng của BBC không thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với nữ hoàng hay Hoàng thân Philip. Chúng chỉ cho thấy sự ngạc nhiên của giới trẻ đối với những thứ được cho là thuộc thế hệ trước.
“Các tổ chức, thể chế như đài BBC hay chính phủ Anh dành nhiều ngày để tưởng niệm một nhân vật của công chúng. Điều này khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu”, bà Haddon nhận định.
Người dân Anh muốn có sự thay đổi khi Thái tử Charles bước lên ngai vàng. Hoàng gia Anh sẽ phải trả lời câu hỏi: một khi nữ hoàng không còn nữa, họ đã chuẩn bị kỹ để hiện đại hóa hay chưa.