Theo TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - kế hoạch lát đá hoa cương toàn bộ vỉa hè trung tâm quận 1 hơi vội vàng. Nghiên cứu kỹ chúng ta sẽ thấy rất nhiều mặt chưa hợp lý, hoàn toàn bất lợi xét về nhiều khía cạnh giao thông, hạ tầng, mỹ quan và kinh tế.
Lợi ít, bất cập nhiều
"Đá hoa cương cứng, khó thấm nước nên khi lót sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bài toán chống ngập ở các tuyến đường vào mùa mưa. Mùa nắng thì ánh sáng mặt trời bức xạ, phản xạ lại khiến người đi đường rất khó chịu, chưa kể việc lát đá mặt đường trơn trợt, dễ gây tai nạn", ông Sanh nói.
Vỉa hè trên đường Lê Lợi (quận 1) được lát gạch con sâu, đã xuống cấp. Ảnh: Lê Quân |
TS Phạm Sanh cho rằng, TP cần đánh giá lại lợi ích, bất lợi khi lát đá vỉa hè trên các tuyến đường Trương Định, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ để lấy cơ sở thực hiện tiếp… Hiện TP còn rất nhiều việc phải làm trước mắt, như giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, sự thiếu hụt các bến bãi đậu ôtô và xe máy, nhà vệ sinh công cộng… "Nên số tiền 1.000 tỷ có thể chia sẻ bớt cho những dự án này", TS Sanh nói.
Chuyên gia hiến kế nên làm thí điểm vài tuyến đường tập trung đông khách du lịch, từ đó đánh giá lại tính hiệu quả chứ không nên vội vàng. Ở các nước trên thế giới thường kết hợp nhiều hình thức trang trí vỉa hè khác nhau để tạo nên sự phong phú, thu hút du khách.
Đồng quan điểm với TS Phạm Sanh, ông Lâm Thiếu Quân - đại biểu HĐND TP HCM, cho rằng hiện nay các đô thị lớn đều sử dụng nguyên liệu thấm nước để giảm ngập trong mùa mưa, đá hoa cương thì không có ưu điểm ấy.
Theo ông, đá hoa cương chỉ nên lát ở vài tuyến đường du lịch và quảng trường lớn, nếu lát hết các vỉa hè quận 1 thì quá lãng phí. "Thẳng thắn nhìn nhận, các vỉa hè ở quận 1 chủ yếu dùng buôn bán, để xe. Nếu TP vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này thì chưa nên triển khai lát đá", ông Quân nói.
Cơ quan chức năng vẫn chưa dẹp bỏ được tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở trung tâm quận 1. Ảnh: Phước Tuần |
Kỹ sư Nguyễn Văn Hiền, chuyên ngành hạ tầng đô thị, cũng cho rằng kế hoạch chi 1.000 tỷ đồng để lát đá granite toàn bộ vỉa hè quận 1 không khả thi. Đặc trưng của đá hoa cương đẹp, nhưng rất cứng, trơn trượt. Hiện nay hạ tầng đô thị quận 1 vẫn chưa đồng bộ, hệ thống cáp viễn thông, mạng lưới điện vẫn chưa ngầm hóa toàn bộ. Do đó việc lát đá sẽ ảnh hưởng đến quá trình ngầm hóa sau này.
Còn anh Lê Văn Nam, bán hàng trên đường Hai Bà Trưng, cho biết hầu hết vỉa hè ở trung tâm quận 1 vẫn chủ yếu là để xe, buôn bán, rất ít phần đường dành cho người đi bộ. Nếu như chính quyền làm tốt, cương quyết xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè thì lát đá mới đẹp. "Tuy nhiên việc này rất khó", anh Nam cười nói.
Triển khai lát đá như thế nào?
Theo Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận, vừa qua đã thống nhất kế hoạch chỉnh trang đô thị, nâng cấp vỉa hè toàn bộ tuyến đường trên địa bàn. Theo đó, sẽ lát đá granite các vỉa hè, đồng bộ hóa hạ tầng và báo cáo UBND TP HCM để xin thực hiện ngay trong quý II/2016. Dự án kéo dài đến năm 2019.
Theo kế hoạch, trong số 134 tuyến đường trung tâm thì 80 tuyến thực hiện trong quý II/2016. Quận 1 thí điểm tại 5 tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris. Hầu hết đá dùng để lát đợt này đều nhập từ Bình Định hoặc các tỉnh miền Trung.
Dự kiến vỉa hè 134 tuyến đường quận 1 sẽ được lát đá granite như phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Hải An |
"Số vốn thực hiện kế hoạch do các doanh nghiệp đầu tư, quận sẽ trả chậm trong 3-5 năm không tính lãi suất. Kế hoạch cũng được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thống nhất, đánh giá cao để chỉnh trang hạ tầng đô thị. Tuy nhiên đây chỉ mới là kế hoạch ban đầu, quận vẫn còn chờ đợi ý kiến, chủ trương của UBND TP", ông Thuận cho hay.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền quận 1, để triển khai dự án, nơi này phải lập kế hoạch chi tiết và làm việc với các sở, ban, nghành, đơn vị liên quan như điện, nước, viễn thông… để ngầm hóa hạ tầng.
Hiện trên địa bàn quận 1 có 134 tuyến đường, ngoài đường Lê Duẫn, Nguyễn Huệ có vỉa hè lát đá hoa cương, các tuyến khác được lót gạch và đã xuống cấp.