Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

1.000 siêu thị, ai hưởng lợi?

Con số hơn 1.000 siêu thị và trung tâm thương mại được đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng đó là dự án quá phiêu lưu. Còn PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội thì gọi đó là một đề án “lãng mạn”.

Tiểu thương

Hôm rồi rảnh rỗi, tôi ghé vào thăm người chị họ đã lâu không gặp. Chị có một quầy bán rượu ngoại tại chợ Hàng Da. Nói chị em lâu không gặp, đến thăm hỏi nhau cũng đúng. Bảo rằng vì cái đề án 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại sẽ được xây dựng ở Hà Nội đang ầm ĩ hết cả lên mà đến gặp chị để hỏi thăm tình hình, thì cũng không sai. Tiểu thương buôn bán ở chợ, luôn là những đối tượng nhạy cảm nhất trước mọi thông tin liên quan.

Kiốt đóng cửa im ỉm. Quầy hàng vắng hoe. Cả tầng trệt khu vực quầy hàng chuyên bán rượu ngoại, trước ở bên ngoài sầm uất là thế, giờ lác đác chỉ còn vài gian mở cửa. Hàng quán đóng cửa đã đành, hành lang cũng chẳng có đèn đóm gì luôn, đi vào chợ mà tối om om, sâu hun hút. Cảm giác như vừa chui vào một mê cung bí hiểm chẳng có lối thoát. Tìm mãi mới được một người bán hàng quen để hỏi thăm, mới hay chị đã đóng cửa được gần tháng nay, nghe đâu là nghỉ lên chợ luôn rồi!

Thực tình thì câu chuyện về sự chán nản và mệt mỏi của các tiểu thương ở chợ mới tôi nghe lâu rồi. Chị nghỉ bán hàng, tôi không bị sốc, nhưng buồn. Cả nhà con cái ăn học trông chờ vào việc buôn bán của chị. Hồi lâu lâu đến thăm, còn thấy than vãn tình hình hàng chợ ế ẩm, cũng may còn vài mối bán buôn kéo lại, nên vẫn cố đi chợ cho có hội có phường. Giờ thì chắc không được nữa rồi. Ngày chợ chưa xây, ngồi loanh quanh bên ngoài, trông có vẻ chen chúc, không "văn minh" lắm nhưng còn bán được hàng. Từ hồi chợ xây xong, trông thì to đẹp, sầm uất thế mà cả tháng chẳng bán được chai rượu nào thì sống làm sao? Tiền thuê gian hàng, mọi chi phí đi lại, sinh hoạt thì có tháng nào không phải bỏ ra đâu?

PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Văn minh thương mại là điều phải hướng tới, nhưng đi đến thế nào?

PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Văn minh thương mại là điều phải hướng tới, nhưng đi đến thế nào?

Cũng có lần ngồi nghe chị than vãn, suýt nữa tôi định nói ra, nhưng lại sợ chị buồn, nên lại thôi. Làm ăn thế này đúng là không ổn chút nào! Người ta đang buôn bán ổn định, tự dưng phá bỏ chợ cũ để xây một cái chợ rõ to, gom tiểu thương lại mà chẳng có hỗ trợ, đảm bảo gì là sẽ tốt hơn ngoại trừ mấy cái kế hoạch, báo cáo dự án một cách võ đoán. Hỗ trợ ở đây không phải chỉ là giảm tiền thuê trong thời gian đầu hay ưu đãi này nọ. Đã làm ăn buôn bán, ai chẳng xác định bỏ chi phí. Hỗ trợ ở đây là phải hỗ trợ bán hàng.

Nói một cách dễ hiểu, bây giờ người ta mua một chai rượu ở chợ cũ với một chai rượu ở chợ mới khác nhau cái gì? Đâu phải vì chợ to, đẹp mà người ta thích mua hơn đâu? Cái đấy anh phải chỉ ra được, thì người ta mới mua, người ta mới thấy được hiệu quả của chợ mới so với chợ cũ. Ví như người có trách nhiệm ở đấy, là ông giám đốc siêu thị chẳng hạn, dám đứng ra tuyên bố rằng nếu đã mua rượu trong trung tâm của tôi, đảm bảo 100% là hàng xịn, không đúng một đền gấp đôi, gấp ba. Nếu được như thế, thì đắt hơn người ta cũng mua, mới khiến người ta cảm thấy bõ cái công vào chợ được chứ…

Một đề án "lãng mạn"

Đó chỉ là câu chuyện ở một trong số gần 30 trung tâm thương mại ở Hà Nội. Trong số các trung tâm thương mại này, có cái xây mới như Parkson, The Garden, Mipec Tower hay mới nhất là Lotte và cũng có nhiều địa điểm là từ bách hóa, chợ cũ mà thành như chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Cửa Nam… hầu hết đều rơi vào cảnh đìu hiu. Tình hình tại các siêu thị có khả quan hơn, song không thể vì thế mà cho rằng người tiêu dùng Hà Nội đã hoàn toàn thích ứng với tác phong mua hàng siêu thị, dạo chơi trung tâm thương mại.

Thống kê cho hay, đến quý III năm 2014, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội công suất thuê giảm 8% và giá thuê giảm 10% so với năm trước. Mọi người chưa kịp mừng khi thành phố tuyên bố sẽ ngừng chương trình phá bỏ chợ cũ, chợ tạm để xây trung tâm thương mại thì lại chuyển sang "sốc" vì kế hoạch xây dựng hơn 1.000 siêu thị và trung tâm thương mại, cho dù đó là dự án từ nay đến năm 2020!

Quầy hàng rượu tại trung tâm thương mại Hàng Da đóng cửa.

Quầy hàng rượu tại trung tâm thương mại Hàng Da đóng cửa.

Tại một cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, kế hoạch tương lai trên địa bàn thủ đô sẽ có khoảng 999 siêu thị, 64 trung tâm thương mại với mức đầu tư từ nay tới năm 2020 là 6.000 tỷ đồng/năm và 10.000 tỷ đồng/năm sau năm 2020. Cũng bà Trần Thị Phương Lan cho biết, đến hết năm 2012, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 110 siêu thị, 20 trung tâm thương mại tập trung chủ yếu tại các quận nội thành.

Theo đánh giá của bà Phó giám đốc, sự phát triển nhanh về kinh tế dẫn tới mức sống của người dân được nâng lên, và vì thế nhu cầu mua sắm trở thành thói quen của người dân thủ đô. Và cũng theo tính toán của người đại diện Sở này đưa ra, dự kiến đến năm 2020, quy mô dân số Hà Nội sẽ là 9,4 triệu người, thu nhập bình quân khoảng 7.500 USD/người nên tổng mức bán lẻ sẽ đạt khoảng 45,6 tỷ USD.

Chia sẻ với giới truyền thông, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng con số hơn 1.000 siêu thị và trung tâm thương mại trên một địa bàn như Hà Nội hiện nay là quá phiêu lưu. Đất đai, tiền vốn, nhân lực... để làm 1.000 siêu thị không phải là ít. Quy hoạch cần cụ thể chứ không nên vống lên thật lớn rồi lại không thực hiện được. Theo ông Phú, chỉ cần 1/3 con số ấy là đã quá đủ cho Hà Nội, với mức sống và mật độ dân cư như hiện nay.

Phân tích của ông Phú rõ ràng là rất có cơ sở. Hà Nội tuy hơn 9 triệu dân, nhưng hầu hết lại tập trung trên địa bàn các quận nội thành. Số còn lại phân bổ rải rác các huyện ngoại thành và cũng thường coi các quận trung tâm thành phố là nơi tập trung về đi chơi, mua sắm. Vậy con số 1.000 kia sẽ nằm hết ở các quận nội thành, nơi mật độ dân cư, sử dụng đất đã quá dày đặc hay sẽ rải ra các quận ngoại thành để rồi sập tiệm và hoang hóa vì không người lai vãng?

Các quầy hàng khác cũng trong tình trạng tương tự.

Điều ông Phú sợ nhất, mà cũng là đúng với tâm lý của người đứng đầu hiệp hội, đó là khi các siêu thị dẫm chân lên nhau hoạt động, bất chấp mọi thứ để câu kéo người tiêu dùng. Theo con số ông Phú đưa ra, Metro mở siêu thị hết 18 triệu USD/2ha. Các hệ thống bán lẻ khác không thể có vốn để làm như họ. Thực tế chỉ nên mở những siêu thị nhỏ, cửa hàng mini, mở siêu thị lớn với mức độ có hạn khoảng từ 1.000-2.000m2.

Về nguồn nhân lực kinh doanh thực sự ở siêu thị chỉ mới có 5% còn lại là các ngành khác nên chưa chuyên nghiệp. Thêm một vấn đề nữa là nguồn hàng ở đâu để đáp ứng cho 1.000 siêu thị rồi giá cả cạnh tranh như thế nào? Đấy là chưa tính tới yếu tố hàng ngoại nhập giá cả cạnh tranh với hàng trong nước.

Văn minh đô thị?Kể cả vấn đề thu nhập của người dân, theo ông Phú là cũng cần phải xem lại. Lương công nhân 2,7 triệu đồng/tháng làm gì có sức mua. Có người nói họ không dám vào siêu thị. Hơn 87% dân số Hà Nội vào chợ cóc, chợ tạm, chợ truyền thống… để mua hàng. Tái sản xuất giản đơn còn không đủ thì lấy đâu ra sức mua, rồi phải kiềm chế lạm phát nếu không giá cả nhảy hơn cả lương thì nguy hơn. Duy trì sức mua, tiêu thụ là rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Lại còn vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các quầy hàng khác cũng trong tình trạng tương tự.

Các quầy hàng khác cũng trong tình trạng tương tự.

Ông Phú cho biết, kinh phí cho vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng ta hiện nay bằng 1/36 của Thái Lan, bằng 1/136 của Mỹ. Môi trường hỏng, đất hỏng, nước hỏng thì làm sao có rau quả an toàn. Tất cả không có niềm tin nếu chúng ta không đi vào những cái cơ bản. Theo ông Phú, đừng phát triển mênh mông quá. Siêu thị có 30.000 mặt hàng, nhưng chúng ta chỉ nên tập trung lòng tin của người dân vào thịt, cá, gạo, rau, hoa quả và thuốc chữa bệnh.

Hiện nay chúng ta cứ thích cái gì là bán rồi không đi đến đâu. Niềm tin bắt đầu từ con người, phải giáo dục, đào tạo con người với ý thức làm ra sản phẩm tốt và an toàn tuyệt đối. Niềm tin đấy mới là quan trọng nhất trong các niềm tin.

Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thì đây là một đề án "lãng mạn"! Chúng ta đã có bài học quá rõ ràng về "công cuộc" đập phá chợ truyền thống xây trung tâm thương mại để rồi "vắng như chùa Bà Đanh" đấy thôi. Ở đây là vấn đề của sự tương thích của những hành vi, lề thói, tập quán. Đúng là chúng ta phải tiến tới văn minh. Nhưng từ truyền thống đến hiện đại. Phải có bước chuyển đổi. Còn nói theo kiểu dân dã thì thậm chí còn phải có chuyện tập dượt nữa.

Ông Bình cho rằng tiến tới văn minh đô thị, văn minh thương mại là điều chắc chắn chúng ta phải làm, phải hướng tới. Nhưng ở đây có vấn đề phải bàn thêm, đó là chúng ta sẽ đến đó thế nào? Và trong quá trình vận hành, thay đổi cả hệ thống hành vi mua bán - tiêu dùng của khách hàng, thậm chí có thể coi khách hàng như một cộng đồng độc lập, thì liệu nó đã chuyển động để thích hợp hay chưa? Và cho dù có sự chuyển động đó, cho dù sự vận hành đó là hợp quy luật, hợp lẽ đi chăng nữa, thì với một kịch bản, con số "khủng" như vậy, nó có giá trị thực tiễn hay không? Tôi e rằng không!

Ông Bình bày tỏ sự ngạc nhiên bởi một đề án khủng như thế, liên quan đến cộng đồng lớn như thế, mà không ai nói đến kết quả của điều tra xã hội học, một thành phần không thể thiếu trong những quyết sách dân sinh quan trọng. Nếu muốn đi lên văn minh, không thể bỏ qua bước làm này. Nếu không, sẽ chẳng khác nào như cơ thể đang ốm yếu suy nhược, lại đi bồi bổ sâm nhung đại bổ vào người. Hấp thụ làm sao được?

Và, nhìn vào tình hình thực tế hiện nay, mở thêm siêu thị, đặc biệt là trung tâm thương mại, các tiểu thương không phải là người được hưởng lợi nhiều nhất. Người tiêu dùng, với thói quen tiêu dùng hiện nay và cả sự hồ nghi về chất lượng hàng hóa nhập nhèm, cũng sẽ không phải là người được hưởng lợi. Người bán không bán được, người mua không mua, thì nhà sản xuất cũng không chắc đã được lợi.

Với công tác quy hoạch quản lý đô thị, thực trạng mật độ dân cư nội đô đông đúc, chật chội, cố nhồi nhét đến cả ngàn cái siêu thị, trung tâm thương mại mua sắm vào, rõ ràng là cũng không có lợi gì hết cho cơ sở hạ tầng, ách tắc giao thông vốn đã là vấn nạn. Vậy thì câu hỏi cần đặt ra, rằng ai sẽ được lợi nếu 1.000 cái siêu thị, trung tâm thương mại ấy được xây?

Nga dời chợ người Việt tại Kazan ra vùng ngoại ô

Chủ trương này được đề ra nhằm thực hiện đạo luật mới của Liên bang Nga quy định từ ngày 1/1/2013, tất cả các khu chợ ngoài trời, trừ chợ buôn bán hàng nông sản, đều phải được bố trí trong các toà nhà xây dựng kiên cố.

http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2014/11/84379.cand

Theo Mai Khuê/ Công an nhân dân

Bạn có thể quan tâm