Một nguồn tin gần gũi với vụ án nói với South China Morning Post rằng có khoảng 100 quan chức đã bị chỉ điểm và nhiều người trong số này đang bị điều tra.
Nguyên viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thượng Hải nhận hối lộ
Một thời được mệnh danh là "người thao túng luật pháp tại Thượng Hải", ông Trần Húc bị kết án hôm 25/10 tại Nam Ninh, Quảng Tây, vì nhận hối lộ tiền và tài sản tổng trị giá hơn 74,2 triệu nhân dân tệ (10,7 triệu USD) một cách trực tiếp hoặc thông qua các thành viên trong gia đình từ năm 2000 đến năm 2015.
Việc ông Trần ngã ngựa là kết quả của cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Dẫn nguồn tin thân cận với cuộc điều tra, South China Morning Post cho biết những người bị ông Trần chỉ điểm giờ đây cũng đang bị điều tra.
Ông Trần Húc chỉ điểm 100 người được cho là có hành vi sai trái liên quan đến ông. Ảnh: Xinhua. |
Nguyên viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Thượng Hải bị bắt ngày 1/3/2017, cùng ngày ông xuất hiện lần cuối trước công chúng trong một sự kiện của giới luật sư tại Thượng Hải, và chịu sự điều tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sinh ra tại Thượng Hải, ông Trần làm việc tại thành phố này trong suốt sự nghiệp 38 năm. Ông bắt đầu với công việc thư ký tòa án trước khi leo lên đến chức viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tại trung tâm tài chính của Trung Quốc hồi năm 2008.
Những người thân cận mô tả ông Trần là "người có quan hệ rộng" và "có thể dàn xếp mọi chuyện" nhưng một số người khác nói ông là "kẻ hành động bất chính".
Sự thăng tiến của ông Trần kéo theo một loạt cáo buộc về những việc làm sai trái, bao gồm từ doanh nhân Hong Kong Ren Junliang, người tố ông Trần lạm quyền vì lợi ích kinh tế.
Ông Ren, chủ công ty Shanghai Yutong Properties, liên quan đến một tranh chấp tài sản lâu năm trong đó các nhân chứng chủ chốt đều chết trong những tình huống khả nghi.
SCMP nói những cáo buộc của ông Ren đối với ông Trần nghiêm trọng đến mức ông Ren phải nhờ em trai cất tài liệu liên quan đến vụ việc trong người và chuyển trực tiếp đến ông Vương Kỳ Sơn, người khi đó là bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Những cái chết bất thường
Ông Ren là người xây dựng tòa nhà Trung tâm Vạn Bang Thượng Hải tại một địa điểm thuộc quận Phố Đông vào năm 1996. Song đến năm 2005, tòa nhà này bị tòa án ra quyết định sung công vì phó chủ tịch công ty của ông Ren, Shen Chenqin, đã làm giả giấy tờ để vay tiền làm ăn riêng, sau đó không trả được nợ.
China News Weekly năm ngoái đưa tin phòng thương vụ thuộc Sở Công an Thượng Hải đã yêu cầu tòa án ở quận Hồng Khẩu trả lại tòa nhà cho ông Ren. Tuy nhiên ông Trần Húc, khi đó là phó chánh án Tòa án Nhân dân Cấp cao Thượng Hải, đã can thiệp để ép buộc bán đấu giá tòa nhà cho một công ty được cho là thuộc quyền quản lý của các thành viên gia đình ông với giá 200 triệu nhân dân tệ, tức bằng một phần tư giá trị thực tế của tòa nhà.
Về phần ông Shen, ông bị kết án chỉ hai năm tù dù đối mặt với bản án chung thân vì tội lừa đảo.
Ông Trần Húc là viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thượng Hải từ năm 2008 đến năm 2016. Ảnh: SCMP. |
Khi ông Ren khiếu nại về vụ mua bán, Cục Phòng chống Tham nhũng dưới quyền Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã chỉ thị Viện kiểm sát Nhân dân thượng Hải xem xét lại vụ việc vào năm 2006.
Song theo China News Weekly, hai thẩm phán bị thẩm vấn về vụ việc đã chết một cách đột ngột và bí ẩn.
Fan Junpei, thẩm phán tại tòa án quận Hồng Khẩu và Pan Yuming, thẩm phán tại tòa án trung cấp số 1 Thượng Hải, được cho là được một người bí ẩn mời đến một bữa tối và cả hai được tìm thấy trong tình trạng đã chết vào sáng hôm sau.
Một tháng sau, Wang Xinming, tổng giám đốc của công ty tổ chức đấu giá, và vợ Zhang Huizhi cũng thiệt mạng tại căn biệt thự của họ tại thành phố.
Không rõ liệu những cái chết bí ẩn này đã từng được điều tra kỹ lương hay chưa và rất ít thông tin về vụ việc từng được công khai.
Việc các nhân chứng qua đời cũng đồng nghĩa với việc Cục Phòng chống Tham nhũng phải dừng cuộc điều tra và hơn một thập kỷ sau ông Trần mới bị xử lý.