Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 vụ khủng bố đẫm máu nhất lịch sử (phần 1)

Khủng bố không còn đơn thuần là những cuộc tấn công nhỏ lẻ và bộc phát. Nó trở thành chiến lược của chủ nghĩa cực đoan trên toàn thế giới.

10 vụ khủng bố đẫm máu nhất lịch sử (phần 1)

Khủng bố không còn đơn thuần là những cuộc tấn công nhỏ lẻ và bộc phát. Nó trở thành chiến lược của chủ nghĩa cực đoan trên toàn thế giới.

Các tổ chức cực đoan không ngừng tìm kiếm những phương pháp và vũ khí hủy diệt hàng loạt để giết chết được nhiều người nhất có thể. Nguy cơ khủng bố đang bùng nổ ở khắp mọi nơi và làm cho nhiều quốc gia phải đau đầu.

Vụ đánh bom tàu chiến USS Cole năm 2000

Trong khi đại đa số các vụ khủng bố thường nhắm vào các mục tiêu “mềm”, ít được trang bị thiết bị an ninh hiện đại, thì vụ tấn công tàu chiến của Mỹ năm 2000 lại là ngoại lệ.

Ngày 12/10/2000, tàu chiến tối tân USS Cole, được trang bị tên lửa điều khiển Aegis hiện đại nhất Hải quân Mỹ bất ngờ bị tấn công khi đang neo gần cảng Aden, phía Nam Yemen để tiếp nhiên liệu. Một thuyền máy nhỏ chở đầy thuốc nổ bất ngờ tăng tốc, lao về phía tàu Cole và phát nổ. 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng và 39 người khác bị thương. Ước tính, 200 đến 300 kg thuốc phát nổ ngay cạnh nhà ăn trên tàu, nơi đang tập trung đông đảo các thủy thủ.

Tổ chức Hồi giáo al Qaeda lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ nổ nguy hiểm này. Hải quân Mỹ ngay lập tức tăng cường và thắt chặt các biện pháp an ninh tại bến cảng. Đây cũng chính là địa điểm mà al Qaeda từng cố tấn công tàu Sullivans của Mỹ một năm trước đó.

Khủng bố vi khuẩn bệnh than năm 2001

Vừa trải qua cuộc khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 thì nước Mỹ phải ngay lập tức đối mặt với một đợt khủng bố sinh học đáng sợ khác vài tuần sau đó.

Ngày 18/9 và 9/10/2001, hàng loạt phong thư chứa vi khuẩn gây bệnh than Anthrax (dạng bột) được gửi tới các thùng thư ở Princeton (New Jersey) làm 5 người chết, nhiều người khác nhiễm bệnh. 17 văn phòng, tòa báo lớn tại các bang New Jersey, Florida, New York, kể cả các tòa nhà Quốc hội và Trụ sở Tòa án tối cao phải sơ tán. Thiệt hại vật chất cho nước Mỹ ước tính hơn 1 tỉ USD.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở cuộc điều tra hình sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, với hàng ngàn điều tra viên được tung đi khắp nơi để làm sáng tỏ vụ việc. Ban đầu, FBI nghi ngờ các tổ chức Hồi giáo cực đoan nước ngoài đứng đằng sau vụ khủng bố thư này. Sau đó, nghi phạm chính của FBI lại là Tiến sỹ Bruce E. Ivins, một người đang làm việc tại phòng thí nghiệm sinh học quốc phòng liên bang. Tuy nhiên, ông này tự sát vào 27/7/2008 khi FBI đang điều tra.

Vụ đầu độc thực phẩm bằng khuẩn Salmonella năm 1984

Khủng bố sinh học là mối đe dọa tới nhân loại bởi khả năng gây hại lớn, dễ nghiên cứu, phát triển nhưng lại cực kỳ khó kiểm soát.

Hàng trăm người Mỹ đã bị đầu độc bằng vi khuẩn thực phẩm salmonella hồi tháng 9/1984. Xà lách của rất nhiều nhà hàng và nguồn nước một số nơi tại Dallas (Mỹ) bị gây nhiễm khuẩn khiến khoảng 700 người phải nhập viện. Đây được coi là hành động khủng bố sinh học đầu tiên và cũng là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và thế giới.

Cuộc tấn công được cho là do giáo phái Rajneeshe Cult thực hiện nhằm đầu độc các cử tri để chiến thắng tại cuộc bầu cử địa phương. Giáo phái Rajneeshe dù không bị chính thức truy tố về hành động khủng bố trên nhưng cũng bị trục xuất về Ấn Độ.

Vụ đánh bom chuyến bay 103 của Pan Am, Mỹ năm 1988

Máy bay vốn là "con mồi béo" của các tổ chức khủng bố từ xưa tới nay. Ngày 21/10/1988, một vụ đánh bom máy bay kinh hoàng nổ ra trên bầu trời bầu trời Lockerbie, Scotland, Anh. Máy bay Boeing 747-121 có số hiệu N739PA đang thực hiện chuyến bay 103 của Hãng hàng không Mỹ bất ngờ bị nổ tung. 270 nạn nhân thiệt mạng, gồm toàn bộ hành khách và phi hành đoàn tham gia chuyến bay và 11 nạn nhân dưới mặt đất bị các mảnh vỡ rơi trúng. Trong số các nạn nhân thiệt mạng có tới 189 người mang quốc tịch Mỹ.

Một số tổ chức cực đoan đứng ra nhận trách nhiệm, nhiều người cho rằng Iran thực hiện vụ tấn công nhằm trả đũa việc một máy bay 655 của mình bị bắn hạ hồi tháng 7. Tuy nhiên, theo kết luận cuối cùng của cuộc điều tra, Abdul-Basit al Megrahi, Giám đốc một hãng hàng không Libya chính là thủ phạm của vụ tấn công thảm khốc trên bầu trời Lockerbie. Ông này bị tuyên án tù chung thân nhưng được trả tự do vì ung thư tuyến tụy. Megrahi vừa qua đời vài tháng trước tại Tripoli, Thủ đô Libya.

Vụ đánh bom trại lính thủy đánh bộ Mỹ tại Lebanon năm 1983

Trong nhiều thập kỷ, Trung Đông vốn là một chiếc nôi nóng bỏng cho những bất ổn chính trị. Đầu những năm 1980, Liên Hiệp Quốc quyết định thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại Lebanon nhằm giải quyết tình trạng bất ổn trong khu vực.

Tuy nhiên, quyết định này gặp phải sự phản đối của nhiều thế lực. Ngày 23/10/1983, một vụ đánh bom liều chết bằng xe tải nhằm vào doanh trại lính thủy quân lục chiến Mỹ ở sân bay Beirut làm chết 241 binh sĩ và 122 người khác bị thương. Cùng thời điểm đó, 58 lính nhảy dù Pháp cũng thiệt mạng trong vụ khủng bố tương tự tại địa điểm nằm cách đó không xa.

Vụ đánh bom kép được cho là do Phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah thực hiện nhằm đuổi người Mỹ ra khỏi khu vực. Để đảm bảo an toàn cho binh sĩ, Liên Hiệp Quốc quyết định cho rút quân khỏi Lebanon. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất từ trước đến nay nhằm vào người Mỹ kể từ trận Iwo Jima trong Thế chiến II.

Còn tiếp...

Hồng Minh

Theo Infonet.vn

Hồng Minh

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm