10 vụ động vật chết hàng loạt đầy bí ẩn
Mưa chim xuất hiện trong đêm giao thừa ở Mỹ, cá voi hoa tiêu chết hàng loạt tại New Zealand hay 450 con cừu rủ nhau tự sát tại Thổ Nhĩ Kỳ... khiến nhiều chuyên gia thắc mắc về cái chết bí ẩn của chúng.
Chim chết hàng loạt vì 'say rượu'
Ngày 12/11/2011, cơ quan y tế ở cảng Constanta tại Biển Đen, Romeu Lazar (Romani) cho biết, việc khám nghiệm cho thấy những con chim sáo chết hàng loạt thời gian qua là do ăn phải những quả nho còn sót lại trên cánh đồng đã bị lên men, trong khi cơ thể của chúng không có khả năng xử lý được chất cồn. Trước đó, người dân Constanta tìm thấy hàng chục con chim bị chết ở ngoại ô thành phố. Cơ quan này xác nhận những chú chim bị chết không mắc phải căn bệnh cúm từng tấn công vào vùng này vài năm trước.
Mưa chim xuất hiện đêm giao thừa
Lúc 23h30 (giờ địa phương) đêm 31/12/2010, giới chức Arkansas (Mỹ) nhận được báo cáo hơn 1.000 con chim két cánh đỏ bị rơi hàng loạt xuống một vùng ở thành phố Beebe. Chính quyền cho hay những con chim có thể bị sét đánh hoặc gặp phải mưa đá ở độ cao lớn. Khoảng 65 con chim đã được gửi đi để phân tích khoa học và xác định nguyên nhân cái chết. Một nhà nghiên cứu chim cho hay, hiện tượng này chỉ liên quan đến đàn chim két rơi xuống từ bầu trời nên họ loại trừ khả năng chúng bị đầu độc. Trước đó, những trận vòi rồng cũng quét qua bang Arkansas và các bang lân cận vào ngày 31/12/2010, giết chết 7 người. Tuy nhiên, giới chức không xác nhận liệu vòi rồng có gây ra cái chết cho những con chim hay không.
Chim cánh cụt chết hàng loạt ở Nam Cực
Đầu năm 2011, tình trạng chim cánh cụt Nam Cực chết hàng loạt được nhiếp ảnh gia Daniel J. Cox chụp lại. Nguyên nhân khiến lũ chim chết hàng loạt được cho là do biến đổi khí hậu hoặc thiếu thức ăn trầm trọng. Theo các nhà khoa học, khí hậu biến đổi đang gây ra những hậu quả khôn lường, và chim cánh cụt không phải là loài duy nhất chịu ảnh hưởng từ hiện tượng thiên nhiên này. Gấu Bắc Cực cũng là loài đang lâm vào tình trạng "khan hiếm lương thực" đến trầm trọng.
600 con thỏ bị 3 con chó dọa đến chết
Khoảng 4h sáng ngày 7/8/2011, Yan Fugen, chủ của trang trại thỏ ở làng Haixin, tỉnh Chiết Giang tỉnh dậy và phát hiện lũ thỏ nằm chết la liệt, sau khi 3 con chó đột nhập vào. Yan cho hay, khoảng 400 con thỏ có vết cắn trên người, trong khi số còn lại không bị thương. Yan nuôi 1.500 con thỏ và 2/3 trong số đó đã chết. Theo một chuyên gia của phòng chăn nuôi địa phương, lũ thỏ bị chết hàng loạt là do phản ứng căng thẳng của động vật. Người này nói rằng gà lôi cũng là loài có thể chết vì sợ hãi như thỏ.
Cá voi hoa tiêu tự sát hàng loạt
Tháng 9/2010, nhân viên môi trường tìm thấy gần 100 chú cá voi hoa tiêu mắc cạn tại bờ biển vịnh Spirit, cách Auckland, New Zealand 320km về phía Tây Bắc. Khoảng 60 trong số gần 100 chú cá voi dạt vào bờ đã chết. Các nhân viên của Cục bảo tồn động vật hoang dã New Zealand sau đó phải kêu gọi hàng trăm tình nguyện viên đến để giúp đưa những chú cá còn sống sót về lại biển. Một số phỏng đoán cho rằng, dòng hải lưu khó lường có thể là nguyên nhân của hiện tượng này. Có ý kiến khác lại cho rằng, hành động tự sát này là do cả đàn cá voi làm theo con đầu đàn.
Tháng 3/2011, giới chức Los Angeles (Mỹ) cho hay, những con cá chết được phát hiện khi đang trôi dạt vào bãi biển Redondo, khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc ở các bến tàu trong vùng. Bill Workman, một quan chức địa phương miêu tả: “Sự việc xảy ra như với những con cá vàng khi bạn không thay nước trong bể, miệng chúng mở rộng và bụng trương lên. Không có dấu hiệu chúng bị trúng độc, và đánh giá ban đầu của chúng tôi là bị thiếu dưỡng khí. Ngoài ra, cũng không có vết dầu loang hay rò rỉ chất độc hại trong nước”. Theo người dân địa phương, các con cá trống có thể bị gió mạnh thổi vào bãi biển và khiến chúng bị chết do lượng oxy ở các bến tàu suy giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra thận trọng khi lý giải về nguyên nhân gây ra cái chết cho lũ cá.
Cừu tự sát tập thể ở Thổ Nhĩ Kỳ
Tháng 7/2005, tại tỉnh Van ở gần Iran, hàng ngàn con cừu theo con đầu đàn nhảy xuống một khe núi phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng cộng 450 con đã chết trước sự bất lực của người chăn cừu. Những chú cừu này rơi từ độ cao 15 mét xuống vực sâu, nhưng những chú cừu xấu số này lại trở thành tấm đệm cứu thoát được khoảng 1100 con khác cũng lao xuống theo. Theo một tờ báo địa phương, nguyên nhân chính của hiện tượng này là người chăn cừu không để ý bầy cừu và để chúng tự do đi lang thang. Ước tính thiệt hại của họ lên tới khoảng 100.000 USD.
Dơi chết hàng loạt vì căn bệnh kỳ lạ
Đầu năm nay, các nhà khoa học cho hay, ít nhất 5,7 triệu con dơi trên khắp 16 tiểu bang của Mỹ và Canada đã chết do căn bệnh kỳ lạ có tên Hội chứng mũi trắng (White-nose syndrome). Căn bệnh này được phát hiện trên loài dơi lần đầu tiên vào năm 2006 tại một hang động ở bang New York, Mỹ, với triệu chứng mõm dơi bi bao phủ bởi một loại nấm lạ có màu trắng. Một vài vùng khác trên cơ thể dơi cũng có thể thấy những đốm trắng này. Đến nay, các phòng thí nghiệm vẫn chưa thể xác định được tên của loài nấm lạ là gì, cũng như nguyên nhân gây ra tử vong ở loài dơi, chỉ biết là loại nấm này phát triển mạnh vào mùa Đông.
Hải cẩu chết hàng loạt ở Đan Mạch
(Hình minh họa) |
Tháng 5/2002, một loại virus gieo rắc dịch bệnh lên các đàn hải cẩu Đan Mạch, với hàng trăm xác dạt vào bờ Biển Bắc. Phát ngôn viên của Hội bảo vệ thiên nhiên Đan Mạch cho biết, các chuyên gia tìm thấy 60 xác hải cẩu dạt vào đảo Anholt, và 25 con dạt vào bờ biển Laeso. Tại hải cảng Skagen, xác chết của hải cẩu đã làm đình trệ một số hoạt động đánh bắt, vì người dân phải dùng xuồng máy để dọn chúng đi. Một xét nghiệm ban đầu của các bác sĩ Đan Mạch cho thấy, loại virus gây dịch bệnh cho hải cẩu lúc đó cũng là loại virus năm 1988, làm gần một nửa quần thể loài sống dọc các bờ biển phía bắc Đan Mạch, Đức và Hà Lan chết trong vài tháng.
Cá sấu quý hiếm chết ở Ấn Độ
Một con cá sấu Gharial. |
Từ giữa tháng 12/2007, khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Chambal, Ấn Độ xác nhận 76 trường hợp cá sấu Gharial chết dọc bờ sông, bắt đầu từ bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ, rồi lan tới hai bang Rajasthan và Uttar Pradesh. Khám nghiệm cho thấy cá sấu chết vì xơ gan và loét dạ dày. Các kiểm tra sau đó cho thấy mức than chì trong gan cá sấu dù không độc nhưng có thể phá hỏng hệ miễn dịch. Tuy nhiên, mọi chuyện càng thêm phức tạp khi nhiều loài khác trong hệ sinh thái sông Chambal, bao gồm hàng chục loài cá vốn là thức ăn của cá sấu Gharial, lại vẫn khoẻ mạnh.
Bình An
Theo Infonet.vn