Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 vụ chuyển nhượng tự do đáng mơ ước nhất thế giới

Bayern vừa giành được chữ ký của tiền đạo hàng đầu thế giới Robert Lewandowski mà không tốn một xu. Trong quá khứ, có không ít CLB cũng nhận được “món hời” như CLB xứ Bavaria.

Dưới đây là 10 vụ chuyển nhượng miễn phí đáng mơ ước nhất thế giới do tờ Sportmail cung cấp.

Steve McManaman (Liverpool tới Real, 1999)

Năm 1999, McManaman đã từ chối gia hạn với Liverpool và những lời đề nghị của các ông lớn khác như Barcelona, Lazio, Inter Milan, Juventus để gia nhập Real Madrid theo BHĐ 5 năm. Đây là quyết định chính xác của huyền thoại người Anh, bởi sau 4 năm thi đấu ở Bernabeu, anh đã giành được 2 chức vô địch La Liga, 2 Champions Legue, 1 siêu cúp châu Âu và 1 Club World Cup.

Henrik Larsson (Celtic tới Barcelona, 2004)

Larsson gắn bó với Barca trong 2 năm sau khi rời Celtic vào năm 2004. Khoảng thời gian ngắn ở Nou Camp cũng đủ giúp huyền thoại người Thụy Điển giành tới 4 danh hiệu, gồm 2 La Liga, 1 Champions League và 1 siêu cúp Tây Ban Nha. Sau đó sự xuất hiện của Samuel Eto’o cùng chấn thương đầu dây chằng đầu gối khiến Larsson buộc phải rời Nou Camp vào năm 2006.

Michael Ballack (Bayern Munich tới Chelsea, 2006)

Được cả Real Madrid lẫn Manchester United theo đuổi nhưng cuối cùng Ballack lại chọn Chelsea. Mùa giải đầu tiên ở Stamford Bridge, cựu cầu thủ Bayern Munich đã không thể hiện được nhiều do dính chấn thương mắt cá. Nhưng mùa giải 2007/08, danh thủ người Đức lại chơi rất ấn tượng khi giúp The Blues lọt vào tới trận chung kết Champions League (thua MU). Năm 2010, Ballack rời Chelsea để trở lại Đức đầu quân cho đội bóng cũ Bayer Leverkusen.

Sol Campbell (Tottenham tới Arsenal, 2001)

CĐV Tottenham đã gọi Sol Campbell là "Judas" sau khi cựu tuyển thủ Anh dứt tình Spurs để gia nhập kình địch cùng thành phố Arsenal. Sau 5 năm ở Emirates (sân cũ là Highbury), Campbell giành 2 chức VĐ Premier League, 3 FA Cup và 1 lần lọt vào trận chung kết Champions League. Năm 2006, Portsmouth cũng được hưởng lợi khi nhận được sự phục vụ của Campbell theo diện chuyển nhượng tự do.

Markus Babbel (Bayern Munich tới Liverpool, 2000)

Babbel chia tay Bayern Munich để gia nhập Liverpool vào thời điểm anh đang được đánh giá là một trong những hậu vệ phải xuất sắc nhất thế giới. Do vậy, chẳng ngạc nhiên khi ngay mùa đầu tiên (2000/01), cựu tuyển thủ Đức đã giúp The Kop giành cú ăn 3 gồm FA Cup, UEFA Cup và League Cup. Trong năm 2001, Babbel còn giành thêm 2 danh hiệu nữa cùng Liverpool là Community Shield và Siêu cúp châu Âu.

Fernando Llorente (Athletic Bilbao tới Juventus, 2013)

Giống Lewandowski, Llorente cũng nằm trong số tiền đạo hàng đầu châu Âu ở thời điểm gia nhập Juventus hồi hè năm ngoái. Trong quãng thời gian đầu tiên ở Juventus Arena, cựu ngôi sao của Bilbao khá chật vật trong việc cạnh tranh vị trí chính thức cùng Carlos Tevez. Tuy vậy, thời gian gần đây Llorente đã được ra sân nhiều hơn nhờ phong độ ấn tượng.

Brad Friedel (Liverpool tới Blackburn, 2000)

Friedel không được trọng dụng ở Liverpool, nhưng ở Blackburn anh luôn là sự lựa chọn hàng đầu nơi khung gỗ. Trong 8 năm ở Ewood Park, thủ thành người Mỹ ra sân 287 trận, ghi 1 bàn thắng. Năm 2008, Friedel rời Blackburn để chuyển sang khoác áo Aston Villa với phí chuyển nhượng 2,5 triệu bảng. Hiện người gác đền 40 tuổi này đang là thành viên của Tottenham.

Esteban Cambiasso (Real Madrid tới Inter Milan, 2004)

Cambiasso không thường xuyên ra sân ở Real, nhưng anh lại là nhân tố quan trọng trong màu áo Inter Milan. Sau hơn 400 lần thi đấu cho đội chủ sân Giuseppe Meazza, tiền vệ người Argentina giành rất nhiều danh hiệu, trong đó không thể không nhắc đến 5 chức vô địch Serie A liên tiếp (từ mùa 2005/06 đến 2009/10) và “cú ăn 3 lịch sử” năm 2010 dưới triều đại Jose Mourinho.

Roberto Baggio (AC Milan tới Bologna, 1997)

Baggio có một sự nghiệp thăng trầm. Hồi ở AC Milan, “Tóc đuôi ngựa thần thánh” chỉ là nỗi thất vọng, nhưng trong màu áo Bologna, anh lại tỏa sáng rực rỡ. Ngay ở mùa đầu tiên, Baggio đã 22 bàn sau 30 trận tại Serie A, giúp Bologna giành vị trí thứ 8. Phong độ chói sáng đó đã giúp cựu sao Juve và Fio được gọi vào đội tuyển Italy tham dự World Cup 1998.

Andrea Pirlo (AC Milan tới Juventus, 2011)

AC Milan không giữ Pirlo ở lại vì cho rằng cầu thủ này đã “có tuổi”. Tuy nhiên, đây là quyết định rất sai lầm của đội chủ sân San Siro. Bởi trong màu áo Juventus, Pirlo không hề có dấu hiệu của tuổi tác. Suốt hai mùa giải qua ở Juventus Arena, anh luôn được đánh giá là nhân tố không thể thay thế nơi tuyến giữa. Nhờ những cống hiến to lớn của lão tướng 34 tuổi, Juve đã giành 2 danh hiệu Scudetto liên tiếp.

 

 

TIỂU MINH

Bạn có thể quan tâm