10 tỷ phú nổi tiếng nhất châu Á
Theo World Wealth Report, số triệu phú của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã vượt qua Bắc Mỹ. Các tỷ phú châu Á đã có sự góp mặt của các doanh nhân trẻ làng công nghệ.
1. Trung Quốc: Lý Ngạn Hùng (Robin Li) – 10,2 tỷ USD
Ông chủ “cỗ máy” tìm kiếm lớn nhất châu Á – Lý Ngạn Hùng đã đánh bại người khổng lồ Google khi giành được 70% thị phần tìm kiếm tại thị trường đông dân nhất thế giới và trở thành cỗ máy tìm kiếm độc lập lớn thứ 3 thế giới. Robin Li sở hữu khối tài sản 10,2 tỷ USD. |
2. Hồng Kông: Lý Gia Thành (Li Ka-shing) – 25,5 tỷ USD
Từ một người làm công cho công ty sản xuất đồng hồ, đến một nhân viên chào hàng cho nhà máy sản xuất đồ nhựa, Lý Gia Thành bằng tài năng “siêu nhân” cùng sự cố gắng không biết mệt mỏi, đã từng bước tạo dựng được cho mình một thương hiệu riêng biệt. Chủ tịch Tập đoàn Hutchison Whampoa Limited và Cheung Kong Holdings tại Hong Kong, xếp vị trí thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất thế giới 2012 của Tạp chí Forbes với tài sản 25,5 tỷ USD, được xem là nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Á. |
3. Ấn Độ: Mukesh Ambani – 22,3 tỷ USD
Mukesh Ambani – người giàu nhất Ấn Độ đang sở hữu 44,7% cổ phần của Reliance Industries Ltd. Hiện tổng trị giá tài sản của tỷ phú là 22,3 tỷ USD và đứng thứ 19 trong số những người giàu nhất hành tinh. Ông là người đứng đầu tổ hợp lọc dầu hàng đầu thế giới. Ông và gia đình vừa chuyển về sống tại dinh thự xa hoa bậc nhất thế giới trị giá 1 tỷ USD. |
4. Indonesia: R. Budi Hartono – 6,5 tỷ USD
Sở hữu và điều hành tập đoàn sản xuất thuốc lá đinh hương lớn thứ 3 thế giới - Djarum. Gần đây Harto còn mua cổ phần của tập đoàn sản xuất thuốc lá đinh hương thứ hai thế giới là Sampoerla. Ông cũng có cổ phần tại một trong những ngân hàng lớn nhất Indonesia - Ngân hàng Trung ương châu Á. |
5. Nhật Bản: Tadashi Yanai – 10 tỷ USD
Tạo dựng sự nghiệp từ một hiệu quần áo nhỏ, đến nay, đại gia bán lẻ của Nhật Bản, Tadashi Yanai, có trong tay 10 tỷ USD, cùng chuỗi cửa hàng bán lẻ có mặt khắp nơi trên thế giới. Tadashi Yanai sinh ngày 7/2//1949. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1971 với tấm bằng cử nhân kinh tế và chính trị, ông thử sức trong lĩnh vực kinh doanh. Máu kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực quần áo đã ngấm vào ông từ bé do bố mẹ ông mở một cửa hàng quần áo nhỏ. Đến năm 1984, ông mở cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Hiroshima. Cái tên Uniqlo mang ý nghĩa "unique clothing", ngụ ý cửa hàng bán những sản phẩm quần áo độc nhất. |
6. Malaysia: Robert Kuok – 12,4 tỷ USD
Ông Robert Kuok sinh năm 1923. Những năm 1970, tỉ phú này được coi là “Vua đường châu Á”. Tiếp đó, ông lấn sân sang các lĩnh vực khác như dầu cọ, hóa chất, vận tải biển, bất động sản… Hiện tại, ông là người sở hữu chuỗi khách sạn 5 sao Shangri-La, với nhiều khách sạn khắp Đông Nam Á và là ông chủ của Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center) ở Bắc Kinh. |
7. Philippines: Henry Sy – 9,1 tỷ USD
Henry Sy sinh năm 1924, hiện là người giàu nhất Philippines theo bình chọn của tạp chí Forbes với tổng tài sản ước tính 9,1 tỷ USD. Ông là chủ tịch Tập đoàn bán lẻ SM Prime Holdings. Trong vòng hơn 50 năm, Henry Sy từ một anh bán giày đã trở thành một đại tỉ phú giàu nhất Philippines. Ở Philippines, chính Henry Sy đã khai trương những cái “đầu tiên” như: cửa hàng bán giày có máy lạnh, trung tâm mua sắm, siêu thị, phòng trưng bày thiết bị gia dụng, cửa hàng nội thất…. Trong quá trình phát triển chuỗi siêu thị SM, Henry Sy cũng làm chủ luôn ngân hàng số một của Philippines về quy mô và lượng tiền lưu thông, khi ông sáp nhập hai ngân hàng Banco de Oro và China Bank làm một. |
8. Singapore: Wee Cho Yaw – 3,8 tỷ USD
Ở tuổi 83, tỷ phú Wee vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng United Overseas Bank, nhà băng lớn nhất ở đảo quốc sư tử do cha ông thành lập.. Ông và gia đình là người giàu thứ 290 trên thế giới và giàu nhất ở Singapore, sở hữu tài sản 3,8 tỷ USD. Trước đây, ông Wee từng ngồi ghế CEO của United Overseas trong suốt 33 năm, trước khi con trai ông tiếp quản chức vụ này. Ngoài United Overseas, gia đình họ Wee còn sở hữu gần 25% công ty dầu cao Tiger Balm nổi tiếng của Trung Quốc. |
9. Đài Loan: Tsai Wan-Tsai – 6,2 tỷ USD
Tỷ phú 80 tuổi này là người sáng lập tập đoàn Fubon Group. Do tuổi cao sức yếu, ông dần chuyển giao quyền lực cho hai con trai là Daniel và Richard, hiện làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch của công ty tài chính Fubon Financial. Tập đoàn này đang có tham vọng mở rộng kinh doanh vào cả thị trường bảo hiểm Trung Quốc. |
10. Thái Lan: Dhanin Chearavanont – 7 tỷ USD
Ông Dhanin Chearavanont là CEO kiêm Chủ tịch Charoen Pokphand Group, tập đoàn sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm lớn nhất thế giới với doanh thu lên đến 33 tỷ USD trên toàn thế giới. Ông cùng các anh trai đang sở hữu 13% vốn của tập đoàn. Dhanin Chearavanont năm nay 69 tuổi, có 5 người con. Ông cũng góp vốn vào một số công ty dược phẩm của Trung Quốc. |
Nguyễn Ngọc Hà
(Theo Infonet)