Chiều 27/11, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) đã báo cáo công tác phòng chống tệ nạn xã hội năm 2018 trên địa bàn thành phố.
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội liệt kê 10 tụ điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm trên địa bàn thành phố gồm phố Tam Trinh (quận Hoàng Mai); ngã ba Ba La (quận Hà Đông); đường 70 Tân Triều - đường Kim Giang, ngã ba Ngọc Hồi, đường Nguyễn Xiển (huyện Thanh Trì); đường 21, cầu 72 (huyện Quốc Oai); xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì); đường 32 (huyện Hoài Đức).
Tuy nhiên, danh sách này không có phố Trần Duy Hưng - một trong những phố dày đặc nhà nghỉ, vốn được biết đến là bãi đáp của hoạt động mại dâm.
Hình ảnh quen thuộc trên các phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - Nguyễn Khang. Ảnh: Hà Anh. |
Lý giải về việc này, ông Phùng Quang Thức, Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, khẳng định trên phố Trần Duy Hưng "hoàn toàn là những nhà nghỉ". Tuyến đường này có dư luận đề cập đến hiện tượng mại dâm, nhưng không dễ để khẳng định.
“Ở những nhà nghỉ ấy không nhìn thấy nhân viên, tiếp viên, không có gì cả mà giờ chúng ta bảo đây là điểm mại dâm thì UBND địa phương không công nhận”, lãnh đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội phân tích.
Bên cạnh những địa điểm nghi ngờ có mại dâm, cơ quan chức năng còn chỉ ra các điểm ghi nhận có biểu hiện mại dâm trên địa bàn 5 quận nội thành, là: khu vực đường Hồng Hà, Phạm Ngũ Lão, Dốc Bác Cổ (quận Hoàn Kiếm); phố Yesin, vườn hoa Paster, Nguyễn Huy Tự, Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng); đường Giải phóng, bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai); công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm); phố Liễu Giai (quận Ba Đình).
Ngoài ra, theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, thành phố còn có 5.792 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện để phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có 3.539 cở sở lưu trú, 1.121 cơ sở karaoke, 836 cơ sở xoa bóp, 2 vũ trường, 44 bar có sử dụng rượu mạnh, 11 cơ sở cắt tóc gội đầu thư giãn, 111 cơ sở cà phê nhạy cảm, 128 cơ sở tắm nóng lạnh.