10 trận đánh của người Việt khiến quân xâm lược thua tan tác
Thứ hai, 15/4/2019 06:00 (GMT+7)
06:00 15/4/2019
Trong cuộc đấu tranh chống lại âm mưu xâm lược của giặc ngoại xâm, người Việt từng lập những chiến công khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía.
Đánh tan quân Tần: Ngay buổi đầu lịch sử, các triều đại phương Bắc đã có dã tâm xâm chiếm nước ta. Theo sách "Hoài Nam Tử" của Trung Quốc, sau khi thống nhất nước này, năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng lệnh cho Đồ Thư mang quân chia làm 5 đạo sang xâm lược nước ta. Dù phải đương đầu với đội quân hùng mạnh, dưới sự chỉ huy tài ba của các thủ lĩnh, tiêu biểu như Thục Phán An Dương Vương, người Việt đã đánh tan đạo quân xâm lược của Tần Thủy Hoàng. Tướng Đồ Thư bị giết chết, nhà Tần buộc phải bãi binh.
Chiến công Đầm Dạ Trạch: Sau khi nắm binh quyền do Lý Nam Đế trao lại năm 546, Triệu Quang Phục kéo quân về đóng ở căn cứ Đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay). Tại đây, Triệu Việt Vương nhiều lần đẩy lui quân Lương do Trần Bá Tiên chỉ huy. Sau khi Trần Bá Tiên về nước năm 550, Triệu Việt Vương thúc quân tấn công, đánh tan đạo quân Lương xâm lược. Tướng giặc là Dương Sàn bị giết chết, đất nước giành lại độc lập. Đây được xem là trận thủy chiến đầu tiên của người Việt trong lịch sử.
Trận Bạch Đằng 938: Cuối năm 938, vua Nam Hán là Lưu Nghiễm sai con trai Lưu Hoằng Tháo, mang 200.000 quân sang xâm lược nước ta bằng đường biển. Nhận được tin, Ngô Quyền cho quân lính đóng cọc nhọn bịt sắt lên sông Bạch Đằng. Khi quân Nam Hán kéo tới, ông cho thuyền nhỏ ra khiêu chiến rồi giả vờ thua chạy, Hoằng Tháo thúc quân đuổi theo, rơi vào bẫy cọc, bị quân ta đánh cho tơi bời. Đạo quân xâm lược bị tiêu diệt hoàn toàn, Lưu Hoằng Tháo bị giết tại trận. Vua Nam Hán phải rút quân về nước, từ đó không còn dám xâm chiếm nước ta nữa.
Trận Bạch Đằng 981: Năm 980, biết cha con Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo kéo sang xâm lược nước ta. Trước nguy cơ ngoại xâm, đình thần đã suy tôn Lê Hoàn lên ngôi vua, chuẩn bị kháng chiến. Theo kinh nghiệm của Ngô Quyền năm 938, Lê Hoàn sai quân sĩ đóng cọc, bố trí trận địa chặn giặc trên sông Bạch Đằng. Ngày 28/4/981, Lê Hoàn cho quân ra khiêu chiến với quân Hầu Nhân Bảo rồi giả vờ thua chạy. Khi chiến thuyền của địch lọt vào trận địa mai phục, Lê Hoàn tung quân ra đánh ráo riết, quân Tống đại bại. Hầu Nhân Bảo và nhiều tướng lĩnh bị chém ngay tại trận. Nghe tin thất bại, Tống Thái Tông buộc phải ra lệnh rút lui, từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Cồ Việt.
Trận Như Nguyệt giang: Năm 1075, nhà Tống rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Để cứu vãn tình hình, vua Tống và tể tướng Vương An Thạch đưa ra kế sách hèn hạ: Xâm lược Đại Việt để giải quyết khủng hoảng trong nước. Dưới sự chỉ huy của thái úy Lý Thường Kiệt, quân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống (1075, 1076-1077), với đỉnh cao là trận thủy chiến trên sông Như Nguyệt năm 1077.
Trận Đông Bộ Đầu: Đông Bộ Đầu là trận đánh quyết định trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất do vua tôi nhà Trần chỉ huy. Trận đánh này diễn ra vào đêm 28, rạng sáng 29/1/1258, đích thân vua Trần Thái Tông chỉ huy. Quân ta chia thành hai cánh thủy bộ tấn công đội quân xâm lược Mông Cổ của tướng Ngột Lương Hợp Thai. Quân Mông Cổ bị đánh bại hoàn toàn, chỉ còn vài nghìn tên chạy thoát về phương Bắc.
Hàm Tử bắt quân thù: Giống như Đông Bộ Đầu, trận Hàm Tử năm 1285 cũng đóng vai trò quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai. Chiến công ở cửa Hàm Tử (Đông An - Hưng Yên) vào tháng 4/1285 ghi dấu chiến công của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và vị tướng trẻ Trần Quốc Toản. Chiến thắng này đã mở đường để quân ta đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của quân Mông - Nguyên.
Trận Bạch Đằng 1288: Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 chính là đỉnh cao nhất trong 3 lần kháng chiến chống Mông - Nguyên của quân dân nhà Trần, ghi dấu chiến công của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người trực tiếp chỉ huy trận đánh. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 được xem là trận đánh kinh động thế giới lúc bấy giờ, dập tắt hoàn toàn âm mưu xâm lược của giặc, mở đầu cho sự suy yếu của nhà Nguyên.
Trận Chi Lăng - Xương Giang: Sau khi liên tiếp bị nghĩa quân Lam Sơn đánh bại, tháng 9/1427, vua Minh điều 200.000 quân tăng viện, do An Viễn hầu Liễu Thăng và Mộc Thạnh theo hai đường từ Quảng Tây, Vân Nam tiến vào nước ta. Ngày 20/9/1427, Liễu Thăng dẫn hơn 100 quân kỵ mở đường tiến vào cửa ải Chi Lăng (Lạng Sơn). Rơi vào trận địa mai phục của Lê Sát, quân địch bị tiêu diệt, Liễu Thăng tử trận ở sườn núi Mã Yên. Sau trận thua này, quân Minh liên tiếp thất bại, buộc phải đầu hàng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, đất nước ta giành được độc lập.
Trận Ngọc Hồi - Đống Đa: Cuối năm 1788, nhận lời cầu cứu của Lê Chiêu Thống, nhà Thanh cử hơn 200.000 quân sang xâm lược nước ta. Nhận được tin, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, gấp rút kéo quân ra Bắc chống giặc. Bằng lối hành quân thần tốc và tài chỉ huy, chỉ trong 5 ngày, từ đêm 30 Tết đến trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đã chỉ huy quân đánh bại hoàn toàn quân Thanh xâm lược. Theo ghi chép của một giáo sĩ người Pháp, đội quân đông đảo của nhà Thanh chỉ còn khoảng vài trăm tên chạy thoát.
Lý Ông Trọng được Tần Thủy Hoàng dựng tượng. Quân Mông - Nguyên không dám gọi tên Trần Quốc Tuấn. Lê Hoàn đánh Tống bình Chiêm. Nguyễn Huệ chỉ tiến không lui trên chiến trường.
Trong lúc bụng đói cồn cào, sẵn có nồi tôm thơm phức, Đồng Hãng ăn vội một con, bị con gái phú hộ bắt quả tang. Sau này, chàng trai nghèo đỗ hoàng giáp, lấy được vợ đẹp.