Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 thảm họa chìm tàu kinh hoàng nhất mọi thời đại (phần 2)

Những thảm họa chìm tàu được đề dập trong phần trước dù đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người nhưng vẫn chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", nếu so với những thảm họa kinh hoàng nhất của lịch sử hàng hải.

10 thảm họa chìm tàu kinh hoàng nhất mọi thời đại (phần 2)

Những thảm họa chìm tàu được đề dập trong phần trước dù đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người nhưng vẫn chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", nếu so với những thảm họa kinh hoàng nhất của lịch sử hàng hải.

5. Tàu Titanic

Tàu Titanic tên đầy đủ là RMS Titanic, thuộc sở hữu của hãng White Star Line, được đóng tại xưởng đóng tàu Harland & Wolff ở Belfast, Ireland. Nó là chiếc tàu to nhất thời điểm bấy giờ và là tàu hơi nước lớn nhất thế giới bị chìm. Khi được hạ thủy, người ta mệnh danh Titanic là tàu không thể chìm bởi cấu tạo vỏ sắt dày và trang bị những công nghệ hàng hải hiện đại nhất. Tuy nhiên, Titanic lại bị đắm ngay trong chuyến hành trình đầu tiên bởi một tảng băng trôi khổng lồ.

Vào đêm ngày 14/4/1912, tàu Titanic đã đâm vào một tảng băng trôi và chìm vào khoảng 2 giờ 40 phút sau đó. Con tàu gặp nạn ở khu vực lạnh giá, nhiệt độ nước biển dưới 0 độ C, khiến hành khách thoát khỏi con tàu mà không lên được thuyền cứu hộ đều chết cóng. Tổng số 1.517 người đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu được coi là tồi tệ nhất lịch sử hàng hải thời điểm bấy giờ.

Các phương tiện truyền thông thời điểm đó và cả sau này đã liên tục viết về câu chuyện của những người sống sót trong vụ tai nạn, khiến tàu Titanic đi vào huyền thoại. Xác con tàu được Rober Ballard và nhóm nghiên cứu của ông tìm thấy vào năm 1985 một lần nữa thổi bùng lên những hiện tượng Titanic trên toàn thế giới. Đến ngày nay, Titanic vẫn là một trong những con tàu nổi tiếng nhất thế giới, cho dù thời gian tồn tại của nó chỉ là vài tháng.

4. Chìm tàu Sultana

Sultana là tàu hơi nước chở khách hoạt động trên khu vực sông Mississippi, Mỹ. Nó bị phá hủy ngày 27/4/1865 trong vụ tai nạn được đánh giá là tồi tệ nhất lịch sử Hoa Kỳ. Theo đó, một trong bốn nồi hơi của con tàu đã phát nổ, khiến toàn bộ tàu bị phá hủy và chìm gần Memphis, Tennessee. Vụ việc đã cướp đi sinh mạng của 1.800 hành khách, trong tổng số 2.400 người có mặt trên boong tàu.

Sở dĩ thảm họa này không được chú ý nhiều bởi nó xảy ra đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln bị ám sát và nằm trong những tuần cuối cùng của nội chiến trên đất Mỹ. Hầu hết hành khách có mặt trên tàu là lính liên minh quê ở Ohio được phóng thích. Chính phủ Hoa Kỳ đã kí hợp đồng để Sultana đưa những tù nhân chiến tranh về nhà.

Các cuộc điều tra được tiến hành sau đó khẳng định một trong bốn nồi hơi bị rò rỉ và bảo dưỡng kém đã gây ra thảm họa trên. Vụ nổ kinh hoàng đã thổi bay nhiều hành khách xuống nước, đồng thời phá hủy một phần con tàu, khiến nó bị đắm sau đó. Khói từ vụ nổ bốc lên cao đến mức có thể nhìn thấy được từ thành phố Memphis.

3. Phà MV Joola

MV Le Joola là một chiếc phà của chính phủ Senegal bị lật ngoài khơi Gambia ngày 26/9/2002. Vụ việc đã dẫn tới cái chết của ít nhất 1.863 người có mặt trên phà lúc nó gặp nạn. Theo đó, ngày 26/9/2002, phà Joola ra khơi từ Zunguinchor, vùng Casamance, tuyến đường nối phía Nam với thủ đô Dakar của Senegal. Chiếc phà được thiết kế chở 580 người, nhưng đã chở tới gần 2.000 hành khách vượt đại dương. Dù vậy, tới 20h cùng ngày, chiếc phà vẫn giữ liên lạc với trung tâm an ninh hàng hải tại Dakar báo điều kiện thời tiết ổn định. Tuy nhiên một tiếng sau đó, chiếc phà đi vào vùng ảnh hưởng của một cơn bão ngoài khơi bờ biển Gambia, gây ra vụ tai nạn kinh hoàng.

Gió mạnh kèm sóng lớn đã khiến chiếc phà vốn chòng chành vì quá tải lật úp hất tất cả hành khách và hàng hóa xuống biển. Báo cáo chi tiết cho thấy toàn bộ vụ việc xảy ra trong vòng chưa đầy năm phút, thuyền cứu sinh cũng đã được triển khai nhưng chỉ có 25 người may mắn ngồi trên đó. Phải đến sáng hôm sau, lực lượng cứu hộ của chính phủ mới tới hiện trường, nhưng họ cũng không tìm thấy nhiều người còn sống sót.

2. Vụ nổ cảng Halifax

Vụ nổ bến cảng Halifax xảy ra ngày 6/12/1917 tại thành phố Halifax, Nova Scotia, Canada, khi một con tàu chở đầy thuốc nổ mang quốc tịch Pháp đã vô tình va chạm với một chiếc tàu của Na Uy trong khu vực cảng Halifax. Nó đã gây ra một vụ nổ kinh hoàng làm rung chuyển thành phố Halifax, đồng thời khiến gần 2.000 người chủ yếu là người Canada bị thiệt mạng. Hầu hết các trường hợp tử nạn được báo cáo là do hỏa hoạn, mảnh vụn văng và sự sụp đổ của các tòa nhà nằm gần bến cảng. Người ta ước tính, ngoài 1.950 người thiệt mạng, có tới 9.000 người khác bị thương trong vụ việc. Đây được coi là một trong những vụ nổ nhân tạo lớn nhất thế giới mà không phải do vũ khí hạt nhân gây ra.

Theo tài liệu ghi lại, lúc 8h40 giờ địa phương, Mont-Blanc - tàu hàng của Pháp chở theo thuốc nổ và vũ khí đã vô tình va chạm với tàu Na Uy E-mo chở theo đồ cứu trợ đang bốc dỡ hàng trong cảng. Vụ tai nạn khiến tàu Mont-Blanc bốc cháy và phát nổ khoảng 35 phút sau đó, khiến tất cả các công trình trong diện tích hai cây số vuông kể từ tâm vụ nổ bị san phẳng. Vụ nổ còn gây ra trận sóng thần lớn tại cảng và bẻ cong tất cả các tuyến đường sắt cũng như thổi gãy cây cối trong khu vực.

1. Phà chở khách MV Doña Paz

MV Doña Paz là tên chiếc phà chở khách bị chìm ngày 20/12/1987 sau khi va chạm với tàu chở dầu Vector. Theo đó, phà MV Doña Paz đang trên đường từ Catbalogan trên đảo Samar, Philippines tới Manila qua eo biển Tablas, khu vực giữa đảo Mindoro và Tablas. Tuy nhiên, Doña Paz đã bất ngờ va chạm với một tàu chở dầu nhỏ tên là Vector với 8.800 thùng dầu thành phẩm. Vụ tai nạn khiến tàu Vector bốc cháy dữ dội và ngọn lửa nhanh chóng lan sang Dona Paz, khiến cả hai phương tiện chìm không lâu sau đó.

Chỉ 2 trong số thủy thủ đoàn 13 người trên tàu Vector và 58 hành khách trên phà Doña Paz sống sót trong vụ tai nạn kinh hoàng trên. Số người chết chính thức được tìm thấy trên chiếc phà xấu số là 1.565 người, mặc dù các báo cáo sau này cho biết, có tới 4.375 người thiệt mạng trong vụ tai nạn kinh hoàng trên, bởi tình trạng chở quá tải thường xuyên diễn ra trên các phương tiện hàng hải của Philippines.

Các cuộc điều tra sau này tiết lộ, giấy phép của tàu Vector đã hết hạn, trong khi thủy thủ đoàn của chiếc tàu chở dầu này đều không có giấy phép. Ngoài ra, chiếc phà Doña Paz cũng được xác định là chở vượt nhiều lần so với tải trọng của nó. Chính vì lẽ đó, vụ va chạm giữa hai con tàu đã gây ra vụ tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử hàng hải nhân loại.

Trịnh Duy

Theo Infonet.vn

Trịnh Duy

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm