Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 sự cố hàng không Việt năm 2012

Nhân viên không lưu đánh nhau trong khi điều hành bay, bò tót, trâu đi lạc vào sân bay, máy bay bị "dột"... là những sự cố hàng không Việt nổi bật năm 2012.

10 sự cố hàng không Việt năm 2012

Nhân viên không lưu đánh nhau trong khi điều hành bay, bò tót, trâu đi lạc vào sân bay, máy bay bị "dột"... là những sự cố hàng không Việt nổi bật năm 2012.

1. Bay lòng vòng trên không phận Trung Quốc gần 1 tiếng

Ngày 15/1, chiếc máy bay mang số hiệu VN416 của Vietnam Airlines đang thực hiện hành trình từ Hà Nội đi Seoul (Hàn Quốc), khi tới không phận Quảng Châu thì được đài kiểm soát không lưu (tại khu vực máy bay bay qua) yêu cầu bay tại chỗ 55 phút, với giải thích “trong khu vực có hoạt động nguy hiểm”.

Sau gần 1 tiếng bay lòng vòng, máy bay của Vietnam Airlines đã hết xăng và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Thượng Hải để tiếp nhiên liệu. Do đó, chuyến bay tới Seoul bị chậm nhiều tiếng đồng hồ so với lịch trình.

2. Nhân viên thông lưu đánh nhau khi điều hành bay

Ngày 17/1, trong khi đang điều hành bay tại đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất, một nhân viên kiểm soát không lưu đã đánh kíp trưởng của ca trực. Thời điểm này, trên bầu trời đang có nhiều chuyến bay và vụ xô xát khiến công tác điều hành bay tại phân khu này bị gián đoạn trong ít phút.

Theo Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam, vụ xô xát không gây ra nguy hiểm nào đối với công tác điều hành bay, chỉ gây ra vài tổn thất nhỏ về thiết bị. "Mâu thuẫn cá nhân thì cơ quan nào cũng có, thỉnh thoảng nếu có dẫn đến xô xát thì cũng là chuyện bình thường", vị này nói thêm.

3. Máy bay nổ lốp khi hạ cánh

Vào lúc 17h49 ngày 6/5, máy bay của Vietnam Airlines xuất phát từ Quảng Châu đến TP HCM, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất đã gặp sự cố. Lúc máy bay đáp xuống, trời mưa giông, đường băng trơn và khi phi hành đoàn phanh thì lốp máy bay bị nổ. Do đó, thay vì hạ cánh đúng giới hạn đường băng, máy bay đã chạy vượt quá đường cất hạ cánh và dừng tại đầu bảo hiểm cách điểm cuối đường cất hạ cánh khoảng 50m.

4. Nữ tiếp viên Vietnam Airlines bị sàm sỡ trên máy bay

Theo nhà chức trách hàng không, khi chuyến bay VN120 từ Đức về TP HCM ngày 20/1 cất cánh được 4 giờ, hành khách Nguyễn Ngọc Đức, ngồi số ghế 55C đã có hành vi chọc ghẹo tiếp viên nữ đang phục vụ.

Chưa hết, anh này còn tấn công tiếp viên phó của tổ bay và hành khách có mặt ở gần đó. Tổ bay buộc áp dụng biện pháp khống chế, bắt trói, lập biên bản vi phạm.

5. Bò tót, trâu "lọt" vào sân bay

Ngày 23/7, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) đã buộc phải đình trệ mọi hoạt động trong vòng 1 ngày sau khi một chú bó tót bất ngờ xuất hiện trong khu vực sân bay. Con bò sau đó đã được khống chế và đưa ra khỏi sân bay.

Trước đó, chiều vào chiều ngày 11/7, chuyến bay mang số hiệu VN1670 chở hơn 50 hành khách từ Đà Nẵng đi Cát Bi (Hải Phòng) đã phải bay lòng vòng hàng chục phút sau khi một con trâu thả rông lọt vào khu vực sân bay.

6. Máy bay quay về nơi xuất phát vì bốc mùi khét

Sáng ngày 17/8, chiếc máy bay mang số hiệu VN1308 của Hãng hàng không Vietnam Airlines cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi bay được khoảng 30 phút, hành khách trên chiếc Airbus A321 nói trên ngửi thấy mùi khét ngày càng tăng. Tổ lái xác định hệ thống điều hòa trong máy bay bị hỏng và quyết định quay về TP HCM để kiểm tra kỹ thuật.

Về đến sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách được phục vụ bữa ăn trưa trong khi chờ chuyến bay khác khởi hành lúc 12h cùng ngày.

7. Máy bay Vietnam Airlines bị "dột"

Sáng 24/7, trên chuyến bay lúc 9h từ Hà Nội đi TP.HCM của Vietnam Airlines, hành khách tại ghế 46 và 47 đã phát hiện ra có nước nhỏ từ trần máy bay xuống. Bộ phận tiếp viên của máy bay sau đó đã khắc phục tạm thời ở hàng ghế số 47 bằng cách lấy một nắm giấy ăn nhét vào khe điều hòa để nước thấm vào giấy ăn chứ không rỏ xuống người hành khách.

Một tiếp viên của Vietnam Airlines trên chuyến bay này cho biết, hiện tượng nhỏ nước từ trên trần xuống người hành khách do hệ thống điều hòa có trục trặc chứ không phải là dột thấm từ bên ngoài vào. Việc nhỏ nước từ điều hòa xuống khoang hành khách chỉ kéo dài khoảng vài chục phút và khi máy bay lên cao thì đã được khắc phục.

8. Mở cửa thoát hiểm máy bay

Chiều 25/8 vừa qua, chiếc Airbus 321 của Vietnam Airlines vừa về tới sân đỗ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã bị bung phao trượt khi một hành khách Lưu Ngọc Vinh mở cửa thoát hiểm với lí do để xuống máy bay cho dễ.  Người này sau đó đã bị phạt 10 triệu đồng vì hành vi này.

Trước đó, hàng không Việt Nam đã xảy ra không ít sự cố về cửa thoát hiểm khi khách hàng tự động mở cửa để hít khí trời, nghịch ngợm, tưởng nhầm cửa nhà vệ sinh,... Khung hình phạt do lỗi này đối với khách hàng là từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, trong khi hãng hàng không phải chịu chi phí lên tới hàng ngàn USD, chưa kể thiệt hại do việc phải "cắt" một máy bay khỏi lịch trình khai thác.

9. Đột tử trên máy bay

Một nữ hành khách 45 tuổi đã bị đột tử trên chuyến bay BL512 từ TP HCM đi Hải Phòng của hãng hàng không Jetstar Pacific vào chiều ngày 20/11. Khi chuyến bay xuất phát được hoảng 1 tiếng, nữ hành khách bắt đầu có những biểu hiện bất thường. Tiếp viên cùng người nhà thực hiện các biện pháp cấp cứu, nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Đại diện hãng hàng không cho biết trước đó, khi làm thủ tục lên máy bay hành khách đã có biểu hiện ốm, sốt. Nhân viên tại sân bay đã yêu cầu hành khách kiểm tra sức khỏe và có giấy xác nhận của bác sĩ trước khi ký giấy miễn trừ trách nhiệm để lên máy bay.

10. Hai máy bay suýt đâm nhau trên bầu trời Việt Nam

Ngày 14/10, chuyến bay số hiệu VN1511 của Vietnam Airlines từ Nội Bài đi Đà Nẵng được kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh bay lên độ cao FL 340. Ngay sau đó, đài không lưu nhận được thông báo từ một máy bay của hãng hàng không nước ngoài cũng đang bay trên không phận Việt Nam ở độ cao FL 340. Tuy nhiên, nhân viên kíp trực đã không hướng dẫn hai máy bay thay đổi độ cao để tránh va chạm, chỉ khi cơ trưởng của VN1511 phát hiện phía trước có máy bay ngược chiều ở cùng mực bay, cách nhau khoảng 10km và thông báo với đài không lưu thì yêu cầu bay giảm độ cao mới được đưa ra.

Ngay sau đó, Thanh tra Cục Hàng không đã quyết định tước giấy phép hành nghề không thời hạn đối với kiểm soát viên không lưu trực chính, tước giấy phép hành nghề hai tháng đối với nữ nhân viên trực kíp trưởng và phạt hành chính ba kiểm soát viên không lưu của Trung tâm Kiểm soát bay đường dài Hà Nội.

Hạ Minh 

Theo Infonet (tổng hợp)

Hạ Minh 

Theo Infonet (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm