Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 'sao sáng' có thể thành 'sao xịt' ở NH Anh

Trong bóng đá, việc một cầu thủ chơi tốt trong mùa bóng đầu tiên nhưng lại sa sút nghiêm trọng ở mùa thứ hai đã phổ biến tới mức người ta đặt ra cụm từ "hội chứng mùa thứ hai". Hãy cùng nhìn lại 10 cầu thủ có khả năng mắc "hội chứng mùa thứ hai" ở Premier League.

10 'sao sáng' có thể thành 'sao xịt' ở NH Anh

Trong bóng đá, việc một cầu thủ chơi tốt trong mùa bóng đầu tiên nhưng lại sa sút nghiêm trọng ở mùa thứ hai đã phổ biến tới mức người ta đặt ra cụm từ "hội chứng mùa thứ hai". Hãy cùng nhìn lại 10 cầu thủ có khả năng mắc "hội chứng mùa thứ hai" ở Premier League.

1. Michu (Swansea)

Thông thường, các tiền đạo là những người dễ gặp khó khăn trong mùa bóng thứ hai tại Premier League: nạn nhân gần đây nhất của “hội chứng mùa bóng thứ hai” chính là Sergio Aguero của Man City. Một phần điều này xảy ra là bởi cuộc cách mạng dữ liệu - thống kê bóng đá đã đem tới những cái nhìn toàn diện hơn, giúp các hậu vệ dễ dàng phát hiện ra những điểm yếu của các tiền đạo và có phương án ngăn chặn họ hiệu quả hơn.

Mùa bóng đầu tiên ở Anh, Michu đã ghi 18 bàn trong 35 lần ra sân cho Swansea, và cũng giúp đội bóng vô địch Carling Cup. Anh đem lại một luồng gió mới cho Premier League: một mẫu tiền đạo không mạnh về tốc độ hay khả năng không chiến nhưng luôn biết cách tận dụng sơ hở của hàng phòng ngự đối phương bằng khả năng di chuyển hết sức khéo léo.

Kỹ năng này đã khiến các hậu vệ ở Anh vất vả không ít, nhưng dần dần họ cũng sẽ tìm được cách “bắt bài” anh. Dường như họ đang làm được điều đó: nửa đầu mùa bóng 2012-13, Michu ghi được 13 bàn, nhưng từ Giáng sinh tới hết mùa giải anh chỉ có thêm 5 lần lập công.

2. Christian Benteke (Aston Villa)

Trong khi Michu thi đấu mờ nhạt ở nửa cuối mùa giải thì Benteke lại xuất thần trong khoảng thời gian đó – anh có 5 bàn trong năm 2012, 14 bàn năm 2013. Điểm mạnh của Benteke rất rõ ràng: anh sở hữu nền tảng thể lực cực tốt, khả năng bật nhảy, đánh đầu siêu hạng. Ngay cả khi các hậu vệ hiểu rõ điều đó thì họ cũng gặp vô số khó khăn khi phải đối mặt với anh.

Nếu Benteke tiếp tục ở lại Villa Park, anh vẫn sẽ có thành tích ghi bàn ấn tượng như mùa này, đơn giản là bởi HLV Paul Lamber đã điều chỉnh chiến thuật cho cả đội hình Aston Villa để biến anh thành cỗ máy săn bàn hàng đầu của ông.

Nhưng nếu chuyển sang một đội bóng lớn hơn, Benteke sẽ mất vị thế ngôi sao của mình, và anh sẽ phải chịu khó di chuyển và  kiến tạo nhiều hơn. Những điều đó chưa phải là điểm mạnh của tiền đạo người Bỉ.

3. Coutinho (Liverpool)

Khi Brendan Rodgers mua Coutinho từ Inter Milan, đã không ít CĐV Liverpool lắc đầu chán chường. Ngay cả Inter cũng chẳng lo lắng gì khi bán tiền vệ người Brazil, dù họ không còn Wesley Sneijder trong đội hình nữa. Nhưng Coutinho đã tạo ấn tượng lớn trong nửa cuối mùa giải, liên tục tung ra những đường chọc khe sắc sảo cho đồng đội. Anh kết thúc mùa giải với 5 kiến tạo và 2 bàn thắng.

Tuy vậy, anh mới chỉ xuất sắc trong các trận đấu với những đội bóng ở nửa cuối BXH. Trong các trận đấu với Everton, Chelsea và Tottenham, anh gần như mất hút trên sân cỏ. Thử thách của Coutinho trong mùa tới là tỏa sáng trong những trận cầu lớn, và duy trì được phong độ ổn định trong suốt mùa giải.

4. Arouna Kone (Wigan)

11 bàn thắng, 5 kiến tạo, một chức vô địch cúp FA – Kone không thực sự nổi bật như Michu hay Benteke, nhưng ngay cả khi Wigan phải xuống hạng thì tiền đạo người Bờ Biển Ngà vẫn có thể hài lòng với mùa bóng đầu tiên ở Anh.

Tất nhiên, mùa sau Kone sẽ không chơi ở giải hạng nhất và anh được cho là sẽ tới Everton để tái ngộ người thầy cũ của mình – HLV Roberto Martinez. Nhưng điểm mạnh của Kone là tận dụng những đường chọc khe của các tiền vệ, trong khi lối chơi của Everton lại thiên về chuyền ngang và tạt bóng. Tiền đạo người Bờ Biển Ngà chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian để thích ứng với đội bóng mới.

5. Eden Hazard (Chelsea)

Trải qua mùa giải Premier League đầu tiên khá tốt và được đề cử cho giải Cầu thủ xuất sắc nhất năm của PFA, Eden Hazard có vẻ như rất phù hợp với lối chơi phản công nhanh, mạnh liệt vốn đã là thương hiệu của HLV Jose Mourinho.

Vấn đề duy nhất là việc Chelsea đã mua Andre Schurrle – một cầu thủ có lối chơi tương tự, thường xuất phát ở cánh trái và di chuyển vào giữa trong những đợt phản công nhanh của đội nhà. Nếu Schurrle được ưu tiên hơn, Hazard có thể sẽ phải chuyển sang vị trí khác -  có lẽ là ở cánh phải, nơi anh thi đấu chưa thực sự thuyết phục. Tuy vậy, dưới sự dẫn dắt của Mourinho, cơ hội tỏa sáng của Hazard khá lớn.

6. Olivier Giroud (Arsenal)

Khởi đầu mùa giải, Giroud chơi không tốt nhưng dần dần anh đã lấy lại được phong độ như thời còn ở Pháp - tất nhiên, thời gian đầu anh phải điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với lối chơi thiên về thể lực và tốc độ của Premier League. Anh cũng được đánh giá cao nhờ khả năng kết nối hàng tấn công rất tốt của mình. Ở mùa trước, Giroud cùng với Walcott, Cazorla và Podolski đều ghi được ít nhất 10 bàn, một con số ấn tượng.

Nhưng Giroud dường như chưa thể thỏa mãn với thành tích của mình – 11 bàn là con số không tồi chút nào, nhưng hầu hết các bàn thắng này được ghi khi Arsenal chỉ phải đối đầu với những đội bóng tương đối yếu trên sân nhà. Không phải ngẫu nhiên là Arsenal rất quyết tâm theo đuổi Gonzalo Higuain, và nếu tiền đạo người Argentina được đưa về với mức giá kỷ lục thì nhiều khả năng Giroud sẽ trở thành phương án B của Gunners.

7. Rickie Lambert (Southampton)

Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về khả năng thi đấu ở Premier League của Rickie Lambert, nhưng trong những năm gần đây khả năng ghi bàn của anh không giảm sút là bao. Mùa đầu tiên ở Premier League, anh đạt thành tích 0,39 bàn/trận, không khác nhiều so với tỉ lệ 0,47 bàn/trận ở giải hạng 2 cách đây 2 mùa.

Một người đồng đội cũ của Rickie Lambert, Grant Holt, đã sút giảm phong độ nghiêm trọng trong mùa 2011-12 sau khi tỏa sáng ấn tượng ở mùa trước đó và nhiều khả năng Lambert sẽ rơi vào tình cảnh tương tự. Giống như Michu, điểm mạnh của Lambert là khả năng di chuyển và lựa thời cơ khéo léo, nhưng ngày nay các hậu vệ luôn biết cách chặn đứng mẫu tiền đạo này.

Bản thân anh cũng không phù hợp với triết lý của HLV Mauricio Pochettino. Chiến lược gia người Argentina ưa dùng những cầu thủ khỏe mạnh có nền tảng thể lực tốt để tiện triển khai pressing, trong khi Lambert đã ngoài 30 tuổi và không thể di chuyển khéo léo như thời trai trẻ nữa.

8. Jan Vertonghen (Tottenham)

Jan Vertonghen là mẫu hậu vệ rất phù hợp với lối chơi mà Andre Villas-Boas đang triển khai ở Tottenham, và ngay trong mùa bóng đầu tiên ở Premier League anh đã chứng tỏ được bản thân. Cầu thủ người Bỉ hết sức thông minh trong những pha đánh chặn, không chiến tốt và cũng có thể tham gia tấn công khi cần.

Nhưng trong mùa bóng vừa qua đã có những lúc Vertonghen tỏ ra không tập trung mà điển hình là trong trận hòa 2-2 trước Wigan ở cuối mùa bóng. Trước đây Vertonghen rất ít khi phạm sai lầm, nhưng những dấu hiệu ban đầu rất đáng lo ngại. Và một khi đã có được danh tiếng, mọi sai lầm của anh đều có thể trở thành trung tâm của mọi sự chỉ trích.

9. Matija Nastasic (Manchester City)

Nastasic có thể không hài lòng khi không được PFA đề cử giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm, nhưng sự thật là trung vệ trẻ người Serbia chỉ chơi 21 trận Premier League cho Man City. Cả Joleon Lescott và Kolo Toure đều được trọng dụng khi cần, còn Micah Richards, Pablo Zabaleta và Javi Garcia lại được ưu tiên hơn khi Roberto Mancini sử dụng đội hình 3 hậu vệ.

Dù còn khá trẻ nhưng Nastasic luôn thi đấu rất tự tin – anh dễ dàng áp đảo đối thủ trong các pha không chiến và rất thoải mái khi có bóng trong chân. Thử thách tiếp theo của anh là duy trì phong độ cao trong cả mùa giải  - tất nhiên Nastasic vẫn được “bảo vệ” vì mới chưa đầy 20 tuổi, nhưng ở mùa này anh mới chỉ chơi 53% thời gian thi đấu của cả đội. Từ mùa tới, khối lượng công việc mà anh phải thực hiện sẽ lớn hơn rất nhiều.

10. Santi Cazorla (Arsenal)

Mùa 2010/11, David Silva là tiền vệ Tây Ban Nha xuất sắc nhất ở Premier League. Mùa 2011/12, danh hiệu này được trao lại cho Juan Mata. Mùa trước, tới lượt Santi Cazorla trở thành trung tâm chú ý khi tỏa sáng ở vị trí số 10 sở trường của mình.

Cả Silva và Mata đều chơi rất tốt ở mùa giải Premier League thứ hai của họ, và không có lý do gì mà Cazorla không thể làm được điều tương tự. Anh đã có ba mùa bóng xuất thần cùng Villareal, Malaga và Arsenal, và nếu duy trì được phong độ như vậy thì ở mùa tới, anh sẽ là trụ cột của Arsenal.

Vấn đề duy nhất là thể lực. Tiền vệ người Tây Ban Nha đã chơi toàn bộ 38 trận Premier League mùa trước, và hiện giờ lại đang cùng ĐTQG tham dự Confederations Cup. Sẽ không có gì khó hiểu khi anh tỏ ra mệt mỏi trong khoảng thời gian đầu mùa bóng. Nhưng nếu vượt qua được khó khăn nho nhỏ này, Cazorla chắc chắn sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong lối chơi của Arsenal.

Theo Bongdaso

Theo Bongdaso

Bạn có thể quan tâm