Ngoài những sản phẩm mang đến thành công rực rỡ như iPhone, iPad…, Apple cũng từng cho ra đời không ít sản phẩm công nghệ không được người dùng đón nhận.
Apple III (1980 - 1981)
Apple III là chiếc máy tính Apple đầu tiên không phải do Steve Wozniak, nhà đồng sáng lập hãng, thiết kế. Kết quả? Đó là một chiếc máy tính đầy lỗi, với bảng mạch chính bị nóng quá nhanh, và thường xuyên bị treo.
Thậm chí, những con chip của chiếc máy này còn dễ dàng bị tuột khỏi vị trí, gây vấn đề nghiêm trọng với toàn bộ hệ thống.
Apple Lisa (1983 - 1985)
Lisa là chiếc máy tính cá nhân do Apple thiết kế vào những năm 80. Chiếc máy tính này không chỉ chạy chậm mà còn rất khó sử dụng. Khi mới ra mắt, chiếc máy có mức giá cao ngất ngưởng lên tới
9.995 USD. Vào năm 1986, Apple đã từ bỏ sản phẩm này và cho phép những chủ nhân của Lisa đổi lại chiếc máy để mua chiếc máy Mac Plus giá
4.100 USD với giá chỉ
1.500 USD.
Apple Macintosh Portable (1989 - 1991)
Nguyên nhân của thất bại này là do thiết kế pin. Đôi khi, chiếc máy này không khởi động nổi cho dù được cắm điện. Và được cho là máy tính xách tay, nhưng chiếc máy nặng tới 7,2 kg.
Apple Newton (1993 - 1998)
Chiếc máy tính bảng này thất bại vì tuổi thọ pin ngắn và màn hình khó nhìn. Chức năng nhận diện chữ viết của chiếc máy cũng rất tệ. Tuy nhiên, chiếc máy đã truyền cảm hứng về nhiều khía cạnh của thiết kế hệ điều hành cũng như máy tính bảng sau này.
Apple Pippin (1995 - 1996)
Bên cạnh giá bán quá cao, sự thất bại của thiết bị chơi game Pippin còn do sai lầm trong chiến lược marketing của Apple. Theo đó, “táo cắn dở” đã nhượng quyền thương mại sản phẩm này cho một công ty Nhật Bản có tên Bandai và không tập trung phát triển ở các thị trường tiềm năng hơn. Việc sở hữu modem 14.4Kb đã đặt Pippin hơn một bậc về tính năng so với các sản phẩm khác trên thị trường, tuy nhiên, điều này là chưa đủ để sản phẩm có thể đạt một doanh số chấp nhận được.
20th Anniversary Mac (1996 - 1997)
Là chiếc Mac được Apple tung ra thị trường nhân kỉ niệm 20 năm thành lập hãng, có lẽ Apple đã hy vọng những tính năng tuyệt vời của nó sẽ làm người dùng hài lòng bỏ ra đến
7.499 USD (hơn 157 triệu đồng) để rinh chiếc máy này về. Rất tiếc, với giá bán cao hơn nhiều lần so với một chiếc máy tính phổ thông, 20th Anniversary Mac đã không có một cái kết có hậu.
Apple eMate (1997 - 1998)
eMate thực chất là một cỗ máy tốt và là nguồn cảm hứng cho loạt máy tính PowerBook của Apple. Tuy nhiên, Apple chỉ cung cấp chiếc máy tính này cho mục đích giáo dục, vì vậy chiếc máy không được sử dụng rộng rãi. Cho đến nay, Apple vẫn chưa bao giờ công bố số liệu về doanh số của eMate.
Chuột máy tính đi kèm iMac (1998 - 2000)
Chiếc iMac thời thượng ra đời năm 1988 dường như là một bước ngoặt đáng nhớ của ngành công nghiệp máy tính. Thậm chí, chuột đi kèm với máy cũng trông cực thời trang so với những sản phẩm thời bấy giờ. Tuy nhiên, đáng tiếc là phụ kiện này nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực từ người dùng do khó sử dụng.
Power Mac g4 Cube (2000 - 2001)
Mặc dù có thiết kế sáng tạo, nhưng G4 bị chỉ trích nhiều bởi mức giá bán của nó là quá đắt. Thậm chí, chiếc máy chỉ bao gồm mỗi ổ cứng mà không có màn hình đi kèm. Ngoài ra, những chiếc máy G4 ở loạt hàng đầu còn dễ bị vỡ ở lớp vỏ nhựa trong.
U2 iPod (2004)
Như kết quả của sự hợp tác giữa Apple và ban nhạc U2, Apple đã tạo ra U2 iPod, trong đó đĩa đơn “Vertigo” của U2 được phân phối độc quyền thông qua gian hàng trực tuyến iTunes. Nhưng chiếc iPod này không thành công. Giá của iPod U2 cao hơn
50 USD so với phiên bản thông thường, và người tiêu dùng nhận thấy chẳng có lý do gì để mua nó.