Quảng cáo luôn có sức mạnh phi thường, bởi vậy mà những hình ảnh được truyền đi trong quảng cáo cũng như phản hồi của dư luận có thể ảnh hưởng tới công ty trong suốt quãng thời gian dài. 10 quảng cáo tệ nhất do trang The Richest đưa ra là minh chứng tiêu biểu cho những điều nói trên.
1. EA Games: Medal of Honor, War Fighter
Tranh cãi về bạo lực trong game luôn là một chủ đề nóng, đặc biệt là khi con người ngày một quan tâm đến những ảnh hưởng của nó đối với đời sống thực.
Năm 2012, công ty game EA đã đi quá đà, khi quảng cáo trên các website về game mới ra mắt Medal of Honor. Game này cho phép người dùng mua vũ khí thật chỉ với một chiếc thẻ tín dụng để hoàn tất giao dịch. Điều này đã khiến dư luận dậy sóng, yêu cầu EA phải gỡ bỏ tất cả các quảng cáo trên website.
2. Gap
Việc ra mắt logo mới vào năm 2010 đã châm ngòi một cuộc khủng hoảng của Gap, bởi công ty này bị chỉ trích là không đổi mới và lỗi thời. Một vài người cho rằng, loại phông chữ Gap dùng vẫn giống như nhiều năm về trước, và từng được sử dụng bởi một đối thủ cạnh tranh, American Apparel.
Tệ hơn nữa là phản ứng của nhiều người trước lời kêu gọi khách hàng gửi ý tưởng thiết kế logo của Gap. Các công ty thiết kế cho rằng, Gap định sản xuất logo “miễn phí”, tức ám chỉ việc Gap lợi dụng khách hàng để tránh chi phí thuê người thiết kế. Tuy câu chuyện chưa được xác nhận nhưng đây cũng là bài học đáng nhớ cho các thương hiệu.
3. Microsoft
Gã máy tính khổng lồ buộc phải thay đổi mau lẹ trước phản ứng dữ dội của người tiêu dùng về một chiến dịch quảng cáo năm 2009, nhằm quảng bá về trình duyệt Internet Explorer 8.
Xuất hiện trong quảng cáo là hình ảnh người phụ nữ phát nôn sau khi xem lịch sử duyệt web của người chồng trên máy tính. Nhiều người phàn nàn về nội dung của quảng cáo, khiến Microsoft buộc phải hoãn phát sóng rộng rãi quảng cáo đó.
Hãng này biện minh rằng, đó chỉ là cái nhìn hài hước về việc sử dụng trình duyệt Internet Explorer không dùng chế độ riêng tư. Hãng cũng cho rằng, phản hồi từ người xem khá tích cực, ngoại trừ một bộ phận nhỏ không thấy thoải mái với quảng cáo này.
4. Skittles
Skittles nổi tiếng là thương hiệu luôn có những quảng cáo thú vị. Năm 2008, khi công ty này nghĩ ra ý tưởng về một nhân vật có thể biến mọi thứ thành kẹo Skittles, tưởng chừng như chiến dịch này sẽ thành công.
Nhưng mọi chuyện đã khác khi các nhà tiếp thị đi hơi quá, bằng cách đưa cảnh người đàn ông trong quảng cáo giải thích cách mà anh ta không thể tiếp tục giữ đứa bé, hay cách anh ta giết người đàn ông trên xe buýt chỉ qua một cái bắt tay. Với một số người, đây chỉ một quảng cáo vui vui như mọi khi, nhưng nhìn chung chiến dịch lần này đã thất bại trước người tiêu dùng.
5. Burger King
Những năm đầu thế kỷ 21, Burger King đã thuê một đại lý quảng cáo nhằm giúp công ty vực dậy thương hiệu sau nhiều năm doanh thu sụt giảm. Tuy không phải là thảm họa ngay tức khắc, nhưng kế hoạch này cũng chẳng thể xoay đổi tình thế như mong muốn.
Vấn đề bắt đầu từ năm 2008-2009, khi Burger King phát quảng cáo với hình ảnh ông Vua luôn sợ hãi những con người ở thế giới bên ngoài, nhưng khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau lại phát hiện họ ở trên giường của mình.
Ngoài ra, Burger King còn bán chiếc burger với giá 190 USD ở Anh, làm sụp đổ hoàn toàn hình ảnh một thương hiệu đồ ăn nhanh giá rẻ. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi điều này xảy ra đúng vào giữa năm khủng hoảng kinh tế 2008 - cuộc khủng hoảng khiến nhiều người rơi vào trạng thái tâm thần.
Sự thất bại của quảng cáo này thể hiện rõ nhất vào năm 2012, khi Burger King tuột khỏi vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các thương hiệu ăn nhanh.
6. DIVX
Vào cuối những năm 1990, khi người ta còn chưa biết sau máy ghi âm VHS, hãng công nghệ Circuit City đã bắt đầu phát triển sản phẩm DIVX.
Tuy được đầu tư nhiều triệu USD, nhưng DIVX là hệ thống tương đối phức tạp. Hệ thống chỉ cho phép người dùng xem một tập phim trong 2 ngày, sau đó sẽ phải trả phí cho những lần tiếp theo. Chính vì thế DIVX đã thất bại trước máy DVD.
Một điểm hạn chế khác nữa của thiết bị này là nó cần được kết nối với Internet, đồng nghĩa với việc đường dây điện thoại sẽ bị chặn đứng. Circuit City chịu tổn thất 114 triệu USD trong năm 1999 vì sản phẩm này.
7. Panasonic
Panasonic cố gắng thông báo về sự góp mặt của mình trong thế giới máy tính, bằng việc cho ra mắt một loại thiết bị của chính công ty này thông qua chiến dịch quảng cáo với nhân vật hoạt hình đang được yêu thích, Woody.
Vấn đề duy nhất là họ đặt tên cho thiết bị cảm ứng và trình duyệt Internet của mình lần lượt là “touch Woody” (chạm vào Woody) và Internet Pecker (một bộ phận khá tế nhị trên cơ thể nam giới).
Panasonic đã bị các nhà chức trách “sờ gáy”, vì cho rằng chiến dịch quảng cáo này có những ám chỉ mơ hồ đến tình dục. Trước tình hình ấy, công ty này buộc phải triển khai kế hoạch B, đổi tên của thiết bị thành “Woody touch Screen”, màn hình cảm ứng Woody. Tuy nhiên, phương án dự bị ấy cũng không giúp cải thiện vấn đề.
8. Hoover
Chi nhánh của Hoover tại Anh cho rằng, cần phải đưa ra một chiến lược tiếp thị để “thanh toán” đống hàng tồn kho. Tuy nhiên, kế hoạch họ đưa ra không hề bình thường.
Đối với khách hàng, đây là cơ hội quá tuyệt vời không thể bỏ lỡ. Hoover tuyên bố, với mỗi hóa đơn hàng từ 160 USD trở lên, khách hàng sẽ nhận được một vé máy bay miễn phí đến châu Âu.
Không chỉ vậy, một thời gian ngắn sau công ty này còn quyết định tặng cả vé đi Mỹ. Người người đến mua hàng của Hoover đơn giản chỉ để được tặng vé máy bay miễn phí. Không lâu sau công ty này bị kiện, đến tận năm 1998 mọi thứ mới được dàn xếp ổn thỏa. Chi phí của Hoover phải chịu trong vụ việc này lên đến 80 triệu USD.
9. New Coke
Năm 1985, Coca Cola ra mắt nước ngọt Cola theo công thức mới, và coi đó là cách để làm mới loại nước giải khát truyền thống. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nghĩ thế. Họ cho rằng Coca Cola làm vậy là rũ bỏ “cội nguồn”.
Có người lại cho rằng, Coca Cola đang gián tiếp thừa nhận thất bại trước Pepsi – một hãng nước giải khát rất được giới trẻ ưa chuộng. Mặc dù rất cố gắng với sản phẩm mới có tên Coke II, nhưng cuối cùng Coca Cola phải thừa nhận thất bại và quay về với công thức truyền thống có tên Coke Classic. Nhờ đó, McDonald’s lại tiếp tục bán Coke Classic, doanh thu của Coca cũng tăng lên nhanh chóng.
10. Colgate
Colgate được cho là một trong những thương hiệu kem đánh răng tốt nhất. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc người tiêu dùng thích mua đồ ăn mang thương hiệu này. Các nhà tiếp thị dường như quên mất điều này, khi quyết định ra mắt thương hiệu thực phẩm đông lạnh Colgate vào năm 1982.
Mặc dù chiến dịch quảng cáo cho dòng sản phẩm mới này được đầu tư rất nhiều, đồng thời nhu cầu của người tiêu dùng với các loại thực phẩm ăn liền cũng đang tăng, nhưng chiến dịch của họ đã thất bại thảm hại.
Chính chiến lược tiếp thị không hợp lý đã khiến đồ ăn mang thương hiệu Colgate không được ưa chuộng, trong khi chất lượng và hương vị vượt trội hơn sản phẩm của công ty đối thủ. Mọi việc có lẽ đã khác nếu các nhà tiếp thị sử dụng tên thương hiệu khác cho sản phẩm này.