Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 quốc gia nguy hiểm nhất với người lao động

Làm việc ở những nước này, người lao động không chỉ phải lo kiếm tiền mà còn lo cho tính mạng của chính mình nữa.

10. Eritrea

Eritrea là một quốc gia đa sắc tộc ở châu Phi với chỉ số nhân quyền thấp, thậm chí có thể coi là tồi tệ. Tự do ngôn luận, báo chí, hội họp hay các đoàn thể ở nơi đây là điều xa xỉ. Rất nhiều người dân Eritrea đã bỏ chạy khỏi đất nước chỉ vì muốn được tự do về tôn giáo. Bên cạnh đó, các tổ chức nhân quyền cả trong và ngoài nước đều không được phép hoạt động ở Eritrea. 

9. Bắc Triều Tiên

Quốc gia nằm ở Đông Á này có hạ tầng không tốt, đường sá không được bảo trì thường xuyên và các cơ sở sản xuất năng lượng đã trở nên lỗi thời. Tình trạng mất điện triền miên rất phổ biến ở nơi đây. Bên cạnh đó, năng suất lương thực thấp cũng khiến nạn đói hoành hành và buộc đất nước phải trông cậy vào các nguồn viện trợ từ nước ngoài. Dẫu vậy, Bắc Triều Tiên vẫn đang nỗ lực phát triển chương trình hạt nhân của riêng mình - bất chấp những mối lo ngại về an ninh toàn cầu của các quốc gia khác.

8. Cộng hòa Dân chủ Congo

 Quốc gia nằm ở Trung Phi này có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú song lại bất ổn về chính trị và sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Ngoài ra, dịch bệnh, nạn đói và tệ nạn cũng là những mối đe dọa lớn với người dân nơi đây. Hiện tại, Congo đang diễn ra cuộc nội chiến giữa chính phủ và quân nổi dậy (như rất nhiều cuộc chiến trước đây), vậy nên nếu có ai đó sẵn sàng đến làm việc tại đất nước này, hẳn đó là các phóng viên chiến tranh.

7. Bangladesh

Nằm ở Nam Á, Bangladesh có hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn, tình trạng thiếu nước sạch, thiếu điện diễn ra phổ biến và nạn tham nhũng cao. Cũng như Congo, những bất ổn chính trị luôn tiềm ẩn ở Bangladesh với các vụ bạo động, biểu tình diễn ra thường xuyên. Tình trạng bạo lực còn diễn biến tồi tệ hơn khi nước này tổ chức bầu cử vào đầu năm nay.

6. Somalia

Kể từ sau cuộc nội chiến năm 1991, những bất ổn ở Somalia ngày một tăng lên khi mâu thuẫn giữa các lãnh chúa, chính phủ và cả các băng nhóm cướp biển không có dấu hiệu dịu lại. Hầu như không có tăng trưởng kinh tế ở Somalia, cũng như không có hệ thống ngân hàng chính thức và chính phủ chưa thể thu thuế của người dân. Tóm lại, với tất cả những xung đột đang diễn ra trong lòng đất nước, Somalia là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất với người lao động. 

5. Afghanistan

Afghanistan vẫn là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 35% và 36% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Cơ sở hạ tầng, nước sạch, nhà ở và điện vẫn còn rất thiếu thốn. Ngoài ra, những vụ bạo lực, đánh bom, khủng bố thường xuyên xảy ra cũng khiến nơi đây trở nên rất đáng sợ với những người muốn đến làm việc. 

4. Pakistan

Luôn có những vụ đánh bom và khủng bố liên tục diễn ra ở Pakistan. Ngoài bạo lực, quốc gia hồi giáo này còn có hệ thống cơ sở năng lượng lạc hậu, nghèo nàn dẫn đến tình trạng cắt điện kéo dài. Tồi tệ hơn, các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda hay Taliban cũng hoạt động rất mạnh ở đất nước này, khiến nó trở thành một trong những điểm đến nguy hiểm nhất cho người lao động.

3. Nam Sudan

 Ít người biết rằng Nam Sudan chỉ mới giành được độc lập năm 2011, sau khi tách khỏi Sudan như hệ quả của hai cuộc nội chiến khiến hàng triệu sinh mạng bị tước đoạt. Đây cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, không có điện, thiếu nước, cơ sở hạ tầng kém và tỷ lệ mù chữ cao. Bên cạnh đó, những cuộc chiến và bạo lực tiềm ẩn cũng khiến nơi đây trở nên đáng sợ hơn rất nhiều.

2. Syria

Syria đang là trung tâm thu hút sự chú ý của cả thế giới với cuộc nội chiến đẫm máu đe dọa tính mạng của bất cứ ai. Ngay cả việc đi bộ trên đường cũng rất nguy hiểm do những tay súng bắn tỉa luôn túc trực để tiêu diệt người mà họ nghi ngờ là thuộc phe đối địch. Cuộc chiến này cũng đẩy nền kinh tế Syria vào khủng hoảng trầm trọng, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, các giếng dầu bị đốt cháy và dự án mới thì bị treo vô thời hạn. Tóm lại, hãy quên đi ý định làm việc tại Syria vì bạn sẽ phải lo lắng cho việc bảo toàn mạng sống của chính mình hơn là việc kiếm tiền.

1. Zimbabwe

Nằm ở phía nam châu Phi, Zimbabwe có tỷ lệ đói nghèo lớn và tới 80% số người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu nước uống và chăm sóc y tế nghèo nàn cũng khiến nơi đây trở thành điểm đến không hề hấp dẫn với người lao động. Đáng sợ hơn, Zimbabwe cũng là nơi chứng kiến sự bùng phát của những dịch bệnh lớn, trong đó có dịch tả mà được coi là đại dịch nguy hiểm nhất lục địa đen kể từ năm 1993.

Vũ Vũ

Bạn có thể quan tâm