10 quảng cáo truyền hình tốn kém nhất lịch sử
Đầu tư hàng chục triệu USD để sản xuất các clip quảng cáo, nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới muốn tạo ra những hình ảnh gây sốc với người xem.
Quảng cáo truyền hình thường không mấy khi nhận được thiện cảm của người theo dõi. Tuy nhiên, vẫn có những chương trình giành được sự quan tâm lớn của khán giả, nhất là khi nhìn vào số tiền đầu tư khổng lồ của các công ty.
1. Apple – 600.000 USD Quảng cáo Macintosh của Apple giới thiệu hình tượng nữ anh hùng giải cứu thế giới với chiếc búa lớn đập tan những ranh giới. Đây có thể coi là quảng cáo tốn kém song cũng rất xứng đáng khi nó đóng góp không nhỏ trong việc đưa máy tính của nhà Táo đến với công chúng, và rồi từng bước đưa Apple trở thành một gã khổng lồ như ngày nay. |
2. Go Daddy – 2 triệu USD Một trong những quảng cáo hài hước nhất từng được phát sóng là của Go Daddy vào năm 2005. Nhân vật nữ chính sexy Candice Michelle xuất hiện trong phiên điều trần của Quốc hội với hy vọng hướng mọi người đến trang web của Go Daddy để đăng ký tên miền. Mặc dù sau đó quảng cáo này đã bị Fox cấm chiếu song Go Daddy đã thu được những thành công lớn với số lượng đăng ký khổng lồ chỉ một năm sau khi chương trình lên sóng. |
3. Ferrari – 3,9 triệu USD Nổi tiếng với những dòng xe sang trọng, cao cấp, Ferrari đã sử dụng điều này để truyền tải thông điệp mạnh mẽ của mình tới người yêu xe với những model mới nhất, độc đáo nhất của hãng. Chi phí cho phi vụ quảng cáo này thậm chí còn có thể cao hơn nếu tính đến giá trị những chiếc xe được sử dụng. |
4. Honda-6,5 triệu USD Mặc dù luôn hướng đến những người dùng bậc trung với các dòng xe giá cả phải chăng, Honda đã gây sốc khi chi tới 6,5 triệu USD cho quảng cáo này. Về cơ bản, đây là một chuỗi các quy trình nối tiếp để tạo ra một chiếc xe hoàn hảo. |
5. Pepsi – 7,53 triệu USD Đây là một trong những quảng cáo gây tiếng vang lớn bởi sự xuất hiện của ca sĩ đang rất nổi lúc bấy giờ là Britney Spears. Nàng công chúa nhạc Pop xuất hiện trong các khung cảnh trải dài từ năm 1950 đến nay và thể hiện sự trẻ trung, sôi động cùng niềm vui khi thưởng thức Pepsi. Sau đó, Britney đã được Pepsi giữ lại và ký tiếp các chương trình tiếp theo do thành công của quảng cáo này. |
6. Carlton Draught – 9 triệu USD Hàng trăm người nhảy dù khỏi máy bay với cốc bia Carlton Draught siêu lớn, thể hiện độ chịu chi của hãng bia Úc trên khía cạnh quảng bá sản phẩm. Theo đó, quảng cáo mang về cho công ty doanh số bán hàng cực kỳ ấn tượng sau đó, mặc dù con số chính xác không được tiết lộ. |
7. Chrysler 200 – 9 triệu USD Quảng cáo này không chỉ là về chiếc xe số 200 hay Chrysler mà còn là cả sự trở lại của thành phố Detroit – nơi đã từng giàu có nhất nước Mỹ trước khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và ngành công nghiệp ô tô trở nên ảm đạm. Trên tinh thần đó, rapper Eminem đảm nhiệm vai chính với chủ đề về thành phố quyết tâm trở lại vô cùng mạnh mẽ. |
8. Aviva Insurance – 13,4 triệu USD Trong dịp đổi tên năm 2008, hãng bảo hiểm Norwich Union đã tung ra một chiến dịch quảng cáo hết sức công phu với sự xuất hiện của những tên tuổi lớn như Walter Willis, Eleanor Nancy Gow, Vincent Damon Furnier và Richard Starkey mà sau này khi gia nhập làng giải trí, họ đổi tên thành Bruce Willis, Elle MacPherson, Alice Cooper và Ringo Starr. Thông điệp được nhấn mạnh ở đây là: Đổi tên không phải là một trở ngại cho sự thành công của ai đó. |
9. George W. Bush – 14,2 triệu USD George W. Bush là tổng thống Mỹ khi vụ khủng bố 11/9 diễn ra năm 2001. Sau đó, trong chiến dịch tranh cử năm 2004, ông đã sử dụng hình ảnh một bé gái bị mất mẹ để đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng sẽ không nhân nhượng với khủng bố của mình. Rõ ràng 14,2 triệu USD không phải là nhiều cho thêm 4 năm nữa trong nhà Trắng. |
10. Guinness Beer – 20 triệu USD Không sử dụng các nhân vật nổi tiếng hay kỹ xảo đặc biệt, nhân vật chính của chương trình chính là những cốc bia với hiệu ứng kỹ thuật số thú vị. Phải mất một phút rưỡi trước khi Guinness Beer xuất hiện với dòng chữ: “Những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với những ai biết chờ đợi”. Chi phí cho clip này lên tới 20 triệu USD. |
Vũ Vũ
Theo Therichest/ Infonet