Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 nơi làm việc nguy hiểm nhất thế giới

Kinh tế yếu kém, bất ổn chính trị, khủng bố hay bạo động là lý do khiến Syria, Bangladesh, Somalia, Bắc Triều Tiên… trở thành những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới khi làm việc.

Hãng tư vấn Maplecroft đã tiến hành khảo sát 197 quốc gia và đưa ra danh sách những nơi nguy hiểm nhất khi làm việc. Các yếu tố đánh giá gồm có mức lương tối thiểu, thời gian làm việc, điều kiện sức khỏe và an toàn tại công sở. 

10. Zimbabwe

Tình trạng nghèo đói hiện diện khắp nơi ở Zimbabwe và tỷ lệ thất nghiệp của nước này là 80%. Zimbabwe đang phải đối mặt với lạm phát phi mã. Năm 2008, giá cả tại Zimbabwe tăng đỉnh điểm tới 231 triệu phần trăm. Vì các vấn đề kinh tế, chính phủ nước này đưa nhiều quy định, khiến làm việc tại Zimbabwe trở nên cực kỳ khó khăn. Việc thành lập và đóng cửa một doanh nghiệp diễn ra rất chậm chạp và tốn kém. Thị trường lao động bị kiểm soát chặt và việc thuê hay sa thải nhân viên hết sức khó khăn.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng y tế nghèo nàn cũng là một vấn đề của nước này. Zimbabwe từng trải qua nhiều dịch bệnh, được mô tả là một trong những thảm họa chết người nhiều nhất tại châu Phi từ năm 1993. Không chỉ vậy, Zimbabwe còn thiếu nước sạch và hệ thống vệ sinh ô nhiễm trầm trọng. 

9. Nam Sudan

Nam Sudan là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới. Nước này có cơ sở hạ tầng nghèo nàn, tỷ lệ chết tử vong mẹ và mù chữ ở phụ nữ cao nhất thế giới tính tới năm 2011. Phần lớn các vùng tại quốc gia này không có điện, nước và đường nhựa.

Tuy nhiên, đó vẫn là những điều có thể chịu đựng được khi làm việc tại Nam Sudan. Điều ngoài tầm kiểm soát là những trận chiến thường xuyên diễn ra giữa chính phủ và phe nổi loạn. Quốc gia mới nhất thế giới này từng trải qua cuộc chiến giành quyền lực giữa tổng thống Salva Kiir và đối thủ Riek Machar, khiến 10.000 người chết và 860.000 người bị mất việc. Trong cơn bạo động, nhiều vụ hiếp dâm, giết người và đốt làng xảy ra. Các quốc gia như Trung Quốc, từng cho Nam Sudan vay tiền vì nguồn dầu mỏ của nước này, hiện cũng không muốn tiếp tục các hợp đồng kinh tế. 

8. Pakistan

Kinh tế Pakistan không tồi tệ như Nam Sudan hay Zimbabwe mà còn được coi là một trong những nước phát triển nhanh và đứng thứ 26 trên thế giới về sức mua. Tuy nhiên, bất ổn chính trị và sự hiện diện của hai tổ chức khủng bố Al-Qaeda và Taliban khiến nước này trở thành một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới để làm việc. Truyền thông quốc tế chỉ ra, hai tổ chức khủng bố trên có trụ sở tại Pakistan và cho rằng nước này đã che giấu Osama Bin Laden hàng thập kỷ. Pakistan cũng là nơi hứng chịu nhiều trận đánh bom khủng bố và làn sóng bạo lực của hai phái Hồi giáo Sunni - Shiite. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng yếu kém khiến nước này thường xuyên rơi vào tình trạng mất điện kéo dài.

7. Afghanistan

Dù sở hữu những mỏ khoáng sản màu mỡ, Afghanistan vẫn là một trong những nền kinh tế yếu nhất thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này là 35%, và 36% dân số sống dưới mức đói nghèo. Cơ sở hạ tầng cơ bản tại nước này hết sức yếu kém, thiếu nước sạch, điện và nơi ở.

Ngoài ra, nguy cơ xảy ra các vụ đánh bom liều chết tại nơi công cộng của tổ chức khủng bố Taliban luôn rình rập mỗi ngày. Afghanistan thậm còn không cần đến các tổ chức trung lập như Hội chữ thập đỏ, dù tổ chức này đã làm việc tại đây hàng chục năm. Các đại sứ quán cũng thường xuyên bị tấn công bằng đánh bom xe hơi. 

6. Somalia

Từ trước tới nay, Somalia chưa bao giờ có một chính quyền ổn định. Nông nghiệp vẫn là nguồn sống chính của người dân. Ngoài thủ đô, hầu hết các nơi khác tại Somalia không có sự phát triển kinh tế. Nước này không có hệ thống ngân hàng chính thống và chính phủ vẫn chưa thể thu thuế từ người dân.

Nhưng điều tồi tệ nhất khi làm việc tại Somalia là nội chiến triền miên. Sau nhiều năm nội chiến, nước này đang phải đối mặt nhiều nguy cơ, khi tổ chức Hồi giáo Al-Shabaab đã sáp nhập với al-Qaeda. Cũng giống như tại nhiều nước châu Phi khác, việc khi nào và ai sẽ lên nắm quyền là điều không thể đoán trước. 

5. Bangladesh

Làm việc tại Bangladesh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nước này có cơ sở hạ tầng nghèo nàn, tham nhũng tràn lan và thường xuyên thiếu điện. Những người sống tại Bangladesh luôn lo sợ về bất ổn chính trị.

Tại nước này, tình trạng đổ sập nhà và hỏa hoạn thường xuyên xảy ra. Đầu năm 2014, khi Bangladesh tổ chức bầu cử, nhiều vụ bạo lực và giết người đã xảy ra. Ngoài ra, Bangladesh cũng bị thiếu nước sạch trầm trọng và có cơ sở hạ tầng y tế hết sức yếu kém. 

4. Cộng hòa dân chủ Congo

Khi mới độc lập, Cộng hòa dân chủ Congo là nền kinh tế được công nghiệp hóa mạnh thứ 2 tại châu Phi. Nhưng kể từ đó, kinh tế nước này đi xuống do tham nhũng, chiến tranh và bất ổn chính trị. Hiện nước này có GPD bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Cộng hòa Congo đang phải đối mặt với nội chiến giữa chính phủ và phe nổi loạn. Công việc duy nhất bạn nên làm tại đây là phóng viên chiến tranh.

3. Syria

Kể từ khi xảy ra nội chiến, Syria bị nhiều nước trên thế giới áp dụng trừng phạt kinh tế. Tại những nơi bị ảnh hưởng bởi nội chiến, thậm chí việc đi lại trên phố cũng rất khó khăn, vì cả hai bên đường đều có những tay súng bắn tỉa ẩn nấp và tìm những người của phe đối thủ. Tình hình tại Syria tồi tệ tới mức Mỹ đã phải đóng cửa đại sứ quán tại đây. Đừng nói tới công việc, một khi tới Syria bạn sẽ phải lo lắng làm sao để sống sót tại đây.

2. Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên là một trong những nền kinh tế tập trung và khép kín nhất thế giới. Tình trạng mất mùa triền miên khiến nước này thường xuyên lâm vào khủng hoảng lương thực. Hầu như mọi thứ tại nước này, từ thức ăn cho tới quần áo đều được phân phối bởi chính phủ và tiền chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Hầu hết các công việc tư nhân đều là bất hợp pháp tại Bắc Triều Tiên.

1. Eritrea

Dù kinh tế tăng trưởng tương đối tốt trong vài năm qua, Eritrea vẫn là nơi tồi tệ nhất thế giới bởi sự phủ nhận nhân quyền tại đây. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền trong nước và quốc tế đều bị cấm tại Eritrea. Chính phủ hay các tổ chức nhân danh chính phủ tại nước này vi phạm nhiều quyền cơ bản của con người. Tự do ngôn luận, báo chí và hội họp đều bị hạn chế.

Cư dân Eritrea thậm chí còn không được tự do lựa chọn tôn giáo. Chính phủ đưa ra một danh sách các tôn giáo được đăng ký. Những người theo các tôn giáo không có trong danh sách, dù chỉ ở trong nhà, cũng bị bắt bỏ tù ngay lập tức mà không cần qua tòa án. 

http://www.rediff.com/business/slide-show/slide-show-1-special-worlds-10-most-dangerous-places-to-work/20140320.htm

Hoài Thu

Rediff

Bạn có thể quan tâm