T-1000 trong Terminator 2: Judgment Day (1991): Đầu thập niên 1990, nhân vật người máy sát thủ T-1000 do Robert Patrick thủ vai đã tạo ra một cuộc cách mạng về công nghệ đồ họa vi tính trong điện ảnh. Theo What Culture, khán giả đương thời không giấu nổi sự ngỡ ngàng khi chứng kiến con robot chết chóc thay hình đổi dạng mỗi khi lớp kim loại lỏng bao phủ cơ thể dần tan chảy. Ảnh: TriStar. |
Gollum trong bộ ba The Lord of the Rings (2001-2003): Gollum (Andy Serkis) tiếp tục là một ví dụ cho quyền năng của CGI trong việc nhào nặn các nhân vật đặc biệt từ câu chữ trên trang sách lên màn ảnh rộng. Nhẫn Chúa là bảo vật vô giá của Gollum, còn gã dị nhân là báu vật của loạt phim, cũng như sự phát triển của điện ảnh thế giới. Ảnh: New Line Cinema. |
Davy Jones trong Dead Man's Chest (2006): Thủy quái Davy Jones của Pirates of the Caribbean: Dead Man's Chest đánh dấu bước tiến về công nghệ làm phim của Hollywood. Các nhân viên CGI đã tạo ra một Davy Jones với biểu cảm linh hoạt và chuyển động mượt mà. Sau 15 năm, sự tinh xảo của tên cướp biển vẫn đủ sức cạnh tranh với dàn nhân vật được tạo ra bằng công nghệ CGI hiện đại. Ảnh: Disney. |
Người Na'vi trong Avatar (2009): Con số 2,78 tỷ USD doanh thu toàn cầu của Avatar chứng minh sức hút vượt thời gian của bom tấn do James Cameron làm đạo diễn. Ông đã áp dụng các công nghệ làm phim tân tiến nhất thời bấy giờ để xây dựng khung cảnh hành tinh Pandora và tộc người Na'vi. Nhờ sự trợ giúp của CGI, thổ dân Na'vi trên phim hiện ra sinh động không thua kém các diễn viên người thật. Ảnh: Fox. |
Cesar trong bộ ba Planet of the Apes (2011-2017): Bản phim làm lại Rise of the Planet of the Apes năm 2011 đã trở thành hiện tượng toàn cầu, giúp hồi sinh thương hiệu điện ảnh Hành tinh khỉ ăn khách một thời. Thành công có sự đóng góp không nhỏ của khỉ Cesar do Andy Serkis thể hiện. Nam diễn viên đã tái hiện trên màn ảnh một thủ lĩnh khỉ với tâm lý và cảm xúc phức tạp không thua kém con người. Ảnh: Fox. |
Rồng Smaug trong ba phần The Hobbit (2012-2014): What Culture đánh giá rồng Smaug là một trong những sinh vật thần thoại ấn tượng nhất thế giới Trung Địa do Peter Jackson xây dựng trên màn ảnh. Phần hình ảnh Smaug do Weta Workshop thực hiện. Kết hợp với giọng lồng tiếng của Benedict Cumberbatch, tất cả tạo ra con rồng lửa khiến khán giả vừa yêu thích, vừa kinh sợ. Ảnh: New Line Cinema. |
Rocket Raccoon của Vũ trụ Điện ảnh Marvel: Rocket xuất hiện lần đầu trên màn ảnh rộng trong Guardians of the Galaxy (2014). Sau bảy năm và 5 bộ phim, cậu chiếm trọn tình cảm của khán giả nhờ khiếu hài hước điên khùng và trái tim đa cảm ẩn sau vẻ ngoài tếu táo, bất cần. Chú gấu mèo vũ trụ do Sean Gunn, em trai đạo diễn James Gunn, thể hiện thông qua công nghệ motion capture, và Bradley Cooper lồng tiếng. Ảnh: Marvel Studios. |
Cá mập trong The Shallows (2016): Trong The Shallows, một con cá mập hung tợn đã săn đuổi nhân vật do Blake Lively thủ vai khi cô đi bơi ở vùng biển vắng. Bên cạnh cuộc chiến sinh tồn cuốn hút tới phút cuối, The Shallows còn gây ám ảnh bởi con cá mập vô cùng chân thực được chuyên gia hiệu ứng đặc biệt Scott E. Anderson và ê-kíp thực hiện. Ảnh: Columbia Pictures. |
Hulk của Vũ trụ Điện ảnh Marvel: Loạt nhân vật Người khổng lồ Xanh từng xuất hiện trên màn ảnh đều khó sánh được với Hulk do Mark Ruffalo thủ vai từ The Avengers (2012). Nhờ công nghệ CGI, khán giả được thưởng thức từng chi tiết của quá trình biến đổi từ Bruce Banner thành Hulk và ngược lại. Công nghệ ghi hình chuyển động đồng thời giúp biểu cảm của Hulk trên màn ảnh đa dạng hơn, thay vì đơn thuần giận dữ và đập phá. Ảnh: Marvel Studios. |
Thanos của Vũ trụ Điện ảnh Marvel: Thanos thoắt ẩn thoắt hiện trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel từ khá sớm trước khi chính thức bước ra ngoài ánh sáng trong Avengers: Infinity War (2018). Người hâm mộ MCU có thể thấy sự phát triển trong tạo hình nhân vật qua mỗi lần xuất hiện. Bên cạnh đó, diễn xuất của Josh Brolin cũng mang đến cho gã Titan điên thêm nhiều màu sắc. Ảnh: Marvel Studios. |