Nhà leo núi người Anh Robin Fisher, 44 tuổi, lên đến đỉnh Everest vào sáng 25/5, nhưng cuối cùng đã ngã quỵ khi mới chỉ đi được 150 m trên đường xuống núi.
"Các hướng dẫn viên của chúng tôi cố cứu nhưng anh ấy đã chết không lâu sau đó", Murari Sharma, nhân viên hãng lữ hành Everest Parivar Expedition, nói với AFP.
Trên đường leo phía Tây Tạng, một người đàn ông 56 tuổi người Ireland tử vong hôm 24/5, theo thông báo trên Facebook của công ty tổ chức chuyến leo núi của người này.
Người này đã quyết định quay về trước khi lên được đến đỉnh, nhưng cuối cùng đã qua đời trong căn lều của ông ở độ cao 7.000 m.
Dòng người xếp hàng chờ lên đỉnh Everest hôm 22/5. Ảnh: AFP. |
Bốn nhà leo núi khác từ Ấn Độ và ba nhà leo núi từ Mỹ, Áo và Nepal đã thiệt mạng trên Everest trong vòng một tuần qua. Một nhà leo núi khác người Ireland đang mất tích và được cho là đã chết sau khi anh trượt chân ngã ngay gần đỉnh núi.
Việc "tắc đường" tại "vùng tử thần" - đoạn đường gần tới đỉnh Everest - được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của ít nhất 4 người trong số trên, làm gia tăng mối quan ngại rằng lợi nhuận đang khiến vấn đề an toàn bị xem nhẹ.
Trong mùa leo núi xuân năm nay, Nepal đã công bố kỷ lục 381 giấy phép leo Everest, chủ yếu được cấp cho người nước ngoài. Mỗi giấy phép có giá 11.000 USD.
Mỗi nhà leo núi có giấy phép được hỗ trợ bởi ít nhất 1 người Sherpa, tộc người bản địa ở vùng núi này. Nhưng việc ấy cũng khiến tình trạng tắc nghẽn trên Everest thêm nghiêm trọng.
Ước tính 600 người đã lên đến đỉnh Everest theo đường leo phía Nepal, tính đến ngày 24/5, theo một quan chức chính phủ. Trong khi đó, ít nhất 140 người khác đã được cấp giấy phép để leo Everest theo đường leo ở mạn bắc, tức phía Tây Tạng, theo các đơn vị lữ hành.
Nhiều ngọn núi thuộc dãy Himalaya, bao gồm đỉnh Everest cao 8.848 m, đang ở cao điểm mùa leo núi, với thời tiết đẹp từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5.
Tám nhà leo núi khác đã chết trên đường leo các ngọn núi cao hơn 8.000 m khác ở Himalaya trong mùa này, trong khi hai người đang mất tích.