Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 năm ‘The Dark Knight’ và bài học cay đắng của DC

Tròn 10 năm trước, bom tấn “The Dark Knight” trở thành hiện tượng điện ảnh. Nhiều phim siêu anh hùng sau đó đã sao chép công thức thành công của tác phẩm này nhưng đều thất bại.

Ra mắt vào ngày 18/7/2008, The Dark Knight lập tức gây chấn động và tạo ra một cuộc cách mạng trong dòng phim siêu anh hùng. Với điểm số 94% trên Rotten Tomatoes, tác phẩm của đạo diễn Nolan được đánh giá là phim siêu anh hùng hay nhất từ trước đến nay.

Nhà phê bình lừng danh Roger Ebert của báo Chicago Sun-Times mô tả The Dark Knight là “một bộ phim gây ám ảnh, vượt qua gốc rễ (chuyển thể từ truyện tranh siêu anh hùng) và trở thành một tác phẩm bi kịch xuất sắc”.

10 nam The Dark Knight anh 1
The Dark Knight được đánh giá là phim siêu anh hùng hay nhất từ trước đến nay. 

The Dark Knight nhận 2 đề cử Oscar và nhận một tượng vàng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc (dành cho nam diễn viên quá cố Heath Ledger). Thậm chí nó còn làm thay đổi truyền thống của lễ trao giải Oscar. Vấp phải phản ứng dữ dội vì không đưa The Dark Knight vào danh sách đề cử Phim hay nhất, Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ năm 2009 đã phải mở rộng hạng mục này từ 5 lên 10 phim.

Quan trọng hơn, The Dark Knight với kinh phí sản xuất khoảng 185 triệu USD đã đạt doanh thu lên đến 1 tỷ USD dù không có thị trường Trung Quốc và không có cú hích của định dạng 3D (riêng tại Bắc Mỹ là 534,9 triệu USD).

Những thất bại liên tiếp sau The Dark Knight

Tác phẩm của đạo diễn Nolan để lại một di sản lớn. Kể từ Batman Begins (năm 2005), ông Nolan lựa chọn phong cách u ám, đậm chất hiện thực để xây dựng nhân vật Người Dơi. Những yếu tố kỳ ảo của loạt truyện tranh được tiết chế, mọi vũ khí Batman sử dụng đều xuất phát từ công nghệ có trong đời thực.

Xét cho cùng, The Dark Knight, đúng như Roger Ebert nhận xét, đã vượt ra ngoài khuôn khổ của dòng phim siêu anh hùng, trở thành một tác phẩm tội phạm đặc sắc với hai nhân vật chính là Người Dơi và Thằng Hề. Và đã có nhiều nhà làm phim ứng dụng phong cách “u ám” đặc trưng của loạt phim The Dark Knight cho các tác phẩm của mình.

The Amazing Spider-Man của đạo diễn Marc Webb là một ví dụ cụ thể. Loạt phim này xây dựng hình tượng Người Nhện theo hướng u ám hơn, dữ dội hơn. Và hậu quả là series của Sony chết yểu. Tuy nhiên, ảnh hưởng nặng nhất vẫn là đạo diễn Zack Snyder.

10 nam The Dark Knight anh 2
Batman v Superman bị coi là một thất bại khi không thể chạm mốc doanh thu 1 tỷ USD

Cả Man of Steel (2013) và Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) đều nặng nề, u ám. Siêu Nhân của Snyder không còn là biểu tượng của niềm hi vọng như trong truyện tranh DC, mà trở thành một kẻ dằn vặt, u uất. Thế giới siêu anh hùng của Snyder bị chê là nhợt nhạt, vô hồn và vô cảm xúc.

Hai phim của Snyder đều hứng chịu nhiều chỉ trích, đặc biệt Batman v Superman bị coi là một thất bại khó chấp nhận vì không chạm được mốc doanh thu 1 tỷ USD bất chấp khoản đầu tư lên tới 300 triệu USD (chưa kể chi phí marketing) dù là tập phim hội tụ bộ ba siêu anh hùng lừng lẫy của DC Comics là Superman, Batman và Wonder Woman.

Bao giờ thoát khỏi cái bóng của Nolan?

Vũ trụ Điện ảnh DC (DCEU) vừa ra đời với cột trụ là Batman v Superman đã lập tức lung lay dữ dội. Warner Bros. và DC cố dấn với Justice League, nhưng đó là một bom xịt mang tính thảm họa khi bị giới phê bình chê bai dữ dội và chỉ bán được vỏn vẹn 657,9 triệu USD tiền vé (dù có chi phí sản xuất cũng 300 triệu USD).

Theo các chuyên gia điện ảnh, vấn đề là đạo diễn Snyder đã rút ra bài học sai lầm từ The Dark Knight. Trên thực tế, bộ phim không chinh phục người xem vì sự “u ám” và “đậm chất hiện thực”. Nó bán được hơn 1 tỷ USD tiền vé và nhận vô số lời ngợi ca bởi đạo diễn Nolan đã kể một câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn với những nhân vật đặc sắc, đa chiều, có máu thịt.

Trong khi đó, Zack Snyder học hỏi một cách hời hợt và sao chép giá trị bề ngoài của The Dark Knight, do đó đã thất bại. Tương lai của DCEU vẫn đang là một dấu hỏi lớn sau Justice League, dù năm nay Warner Bros. sẽ tung ra bom tấn Aquaman.

10 nam The Dark Knight anh 3
Vũ trụ Điện ảnh DC gần như sụp đổ sau thất bại thảm họa của Justice League

Theo kế hoạch ban đầu, Warner Bros. và DC sẽ sản xuất phần kế tiếp của Justice League. Nhưng khả năng này là rất khó xảy ra. Nguồn tin báo The Hollywood Reporter cho biết hồi tháng 7/2015, nam diễn viên Ben Affleck đã đàm phán với Warner Bros. để chỉ đạo và đóng vai chính trong một phim riêng về Batman.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, có tin Warner Bros. đã từ bỏ kế hoạch này sau thất bại của Justice League và Ben Affleck sẽ không quay trở lại với vai Batman. Thay vào đó, đạo diễn Matt Reeves sẽ làm một bộ phim về Người Dơi với phiên bản trẻ tuổi hơn.

Dù thế nào thì cái bóng quá lớn của The Dark Knight vẫn sẽ phủ lên các dự án kế tiếp về Người Dơi. Liệu có cách nào để Warner Bros. và DC thoát khỏi cái bẫy đã giăng sẵn đó? Câu trả lời, theo cách chuyên gia Hollywood, là những nhà làm phim hãy thôi sao chép Christopher Nolan.

Ben Affleck có thể đã bị tước vai Người Dơi

Hành trình của Ben Affleck với vai diễn kinh điển Người Dơi có thể sắp đi đến hồi kết khi anh không góp mặt trong bộ phim riêng về nhân vật "The Batman" của đạo diễn Matt Reeves.

CEO Warner Bros. thừa nhận DCEU không thể sao chép MCU

Sau thất bại của “Justice League”, Tổng giám đốc Warner Bros. thừa nhận Vũ trụ Điện ảnh DC (DCEU) không thể thành công với trò copy Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU).





Minh Phụng

Ảnh: Warner Bros.

Bạn có thể quan tâm