Dự án lưới điện ngầm xuyên biển ra Phú Quốc là công trình lớn của ngành điện nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Nam nói riêng. Dự án này có ý nghĩa quan trọng về kinh tế xã hội, làm thay đổi bộ mặt đảo ngọc trong một thập niên qua. Cũng trong năm 2014, Phú Quốc chính thức được nâng lên đô thị loại 2, là thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Tư liệu từ Tổng công ty Điện lực miền Nam cho thấy dự án có hạng mục chính là tuyến cáp ngầm 110 kV xuyên biển chiều dài 57,33 km, có kết cấu 1 sợi cáp 3 lõi 630 mm2. Đây cũng là tuyến cáp điện ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 2.336 tỷ đồng. Điểm đầu của tuyến cáp ngầm bắt đầu từ xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên và điểm cuối tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc.
Trước đó, để đấu nối cho dự án cáp ngầm Phú Quốc và tăng cường khả năng cung cấp điện cho thị xã Hà Tiên, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư 2 công trình lưới điện 110 kV đồng bộ với dự án này. Cụ thể gồm: Đường dây 2 mạch 110 kV Kiên Lương - Hà Tiên có chiều dài 18,2 km và trạm biến áp 110/22 kV - 40 MVA Hà Tiên có công suất 40 MVA đã đóng điện vận hành vào một năm trước vào tháng 2/2013.
Đặc biệt, để phát huy hết công năng của nguồn điện quý giá mang từ đất liền ra, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng triển khai nhiều công trình điện, hạ tầng lưới điện trên đảo. Mục tiêu việc làm này nhằm nâng cao năng lực cung cấp điện và cấp điện mới cho nhân dân tại các khu vực xã Gành Dầu, Bãi Thơm cũng như các phụ tải quan trọng khác trên huyện đảo Phú Quốc như sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới…
Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc đã giúp người dân và các doanh nghiệp trên huyện đảo Phú Quốc trong 10 năm qua “đổi đời” bởi có nguồn điện an toàn, ổn định. Đặc biệt, dự án giúp đem đến giá trị thu nhập tăng thêm trên 200 tỷ đồng cho huyện đảo do giá điện giảm mạnh, từ mức trung bình là 5.060 đồng/kWh, giảm xuống gần 50% tương đương giá điện bình quân trong đất liền.
Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam chia sẻ: “Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc được thực hiện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc từ hệ thống điện Quốc gia với khả năng truyền tải công suất lên đến 131 MVA. Dự án đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao sức cạnh tranh đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế quan trọng, khu du lịch chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường cho huyện đảo”.
Trong thực tế, đảo ngọc Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam được xác định có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Từ sau cột mốc đáng nhớ “điện về đảo” vào tháng 2/2014, 10 năm qua, đảo ngọc Phú Quốc chứng kiến sự thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ.
Ngành “công nghiệp không khói” nơi đây đã phát triển ngoạn mục. Phú quốc liên tiếp được nhiều kênh truyền thông danh tiếng hàng đầu thế giới như Travel Lemming, World Travel Award… ngợi ca, bình chọn, vinh danh là một trong 10 bãi biển hoang sơ và yên tĩnh nhất thế giới; 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Nơi đây cũng nằm trong số những hòn đảo đẹp nhất thế giới; một trong những hòn đảo được yêu thích nhất châu Á… Tháng 10/2023, Travel Off Path bình chọn Phú Quốc nằm ở vị trí số 1 trong danh sách 4 hòn đảo ở Đông Nam Á tuyệt vời nhất cho những chuyến du lịch một mình. Nhiều ứng viên nặng ký như Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, UAE, Brazil và Mỹ cũng bình chọn đảo ngọc Phú Quốc là “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới”…
Đáng lưu ý, lượng du khách đến đảo ngọc Phú Quốc luôn luôn tăng. Một năm sau khi có “điện về đảo”, số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho thấy năm 2015, đảo đón 913.000 lượt du khách, sang năm 2016 số lượt khách đến đảo tăng gấp rưỡi đạt hơn 1,5 triệu lượt. Năm 2017, lượng du khách tăng gấp 2 với gần 3 triệu; năm 2018 đón trên 4 triệu; năm 2019 trên 5,1 triệu. Sau thời gian gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, tính đến tháng 10/2023, đã có gần 5,2 triệu lượt du khách đến đảo. Đặc biệt, tỷ lệ du khách quốc tế đến Phú Quốc năm sau luôn tăng hơn so với năm trước.
Khách đến đảo đa số lưu lại dài ngày. Đến nay, có nhiều chuyến bay quốc tế bay thẳng đến Phú Quốc với tầng suất 2-4 chuyến mỗi tuần. Các đường bay quốc tế cố định đến đảo có từ Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia…
Tổng công ty Điện lực Miền Nam cho biết, sau khi tuyến cáp ngầm 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc đi vào hoạt động, phụ tải sử dụng điện Phú Quốc tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân trung bình trên 45%/năm. Đây là tỷ lệ tăng trưởng trong sử dụng điện rất cao so với nhiều địa phương khác. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải sử dụng điện đang tăng nhanh của đảo Phú Quốc, năm 2018, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã tăng công suất TBA 110 kV Phú Quốc từ 2x40 MVA lên 2x63 MVA, đồng thời tiếp tục triển khai đầu tư nhiều công trình điện trên đảo, đặc biệt là xây dựng đường dây 220 kV vượt biển trên không dài nhất Đông Nam Á, từ đất liền ra đảo Phú Quốc.
Đại diện EVNSPC cho hay, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế của những năm đại dịch bùng phát và thời kỳ hậu Covid-19 nên nhìn chung tình hình phát triển phụ tải trên địa bàn thành phố Phú Quốc giai đoạn 2020-2023 tương đối thấp so với các năm trước.
Tuy nhiên, đại diện Tổng công ty nhấn mạnh việc đầu tư hạ tầng để bảo đảm cung ứng đủ điện trong giai đoạn tới luôn được chú trọng, cho dù nhu cầu sử dụng điện tại đảo có chững lại do ảnh hưởng du lịch sụt giảm bởi kinh tế toàn cầu khó khăn. Dự báo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2025-2030 của đảo Phú Quốc sẽ tiếp tục nóng do hàng loạt dự án đầu tư khách sạn, resort đang gấp rút triển khai thi công, hoàn thiện. Giai đoạn 2023-2025 bình quân mỗi năm sẽ tăng 17%/năm. Tổng công suất phụ tải đăng ký sử dụng điện đến năm 2025 tại Phú Quốc đạt 502,9 MVA. Con số này đến từ các dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn tại đảo Phú Quốc, đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.
Để đảm bảo khả năng cấp điện cho đảo Phú Quốc, EVNSPC đã triển khai loạt dự án quan trọng, trong đó là dự án đường dây 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc với tổng mức đầu tư đến 2.212 tỷ đồng để tăng cường cung cấp nguồn điện cho đảo Phú Quốc.
Sau khi đóng điện 2 công trình: Đường dây 220 kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc và đường dây 110 kV Phú Quốc - Nam Phú Quốc (tháng 10/2022), tình trạng quá tải kéo dài trên lưới điện phân phối đảo Phú Quốc cơ bản được giải quyết. Bên cạnh đó, nguy cơ do quá tải cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc không còn, độ tin cậy cung cấp điện được nâng cao.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc - nhận định đường dây 220 kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc là công trình “thế kỷ” của đảo ngọc và giải quyết khó khăn về điện cho nhu cầu phát triển của Phú Quốc, đặc biệt là về du lịch, thương mại, dịch vụ…
Công trình đường dây 220 kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc có tổng mức đầu tư trên 2.221 tỷ đồng đã hoàn thành, đưa vào vận hành từ tháng 10/2022.
Đây là công trình đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220 kV dài nhất khu vực Đông Nam Á, được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam.
Quy mô công trình gồm 2 mạch có tổng chiều dài 80,4 km, 169 vị trí cột. Trong đó, đoạn trên bờ thuộc huyện Kiên Lương dài 12,8 km với 39 vị trí cột; đoạn trên biển dài 64,7 km với 117 vị trí cột; đoạn trên đảo Phú Quốc dài 2,9 km với 13 vị trí cột, thiết kế cột tháp sắt 2 mạch trên không mạ và sơn chống muối biển, tiết diện dây dẫn phân pha 2xAACKP-400/95.