Thủ tướng Đức Angela Merkel trở thành tâm điểm của giới truyền thông trong các sự kiện lớn năm nay. Ảnh: AP |
Tạp chí TIME danh tiếng của Mỹ hôm 9/12 bình chọn nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trở thành Nhân vật của năm vì những ảnh hưởng của bà với tình hình thế giới năm 2015.
Bà Merkel trở thành nữ thủ tướng Đức đầu tiên khi nhậm chức vào tháng 11/2005, sau cuộc tranh cử với đối thủ Gerhard Schroder.
Bà bắt đầu sự nghiệp chính trị ở độ tuổi 30 khi tham gia phong trào dân chủ. Khi bức tường Berlin sụp đổ, nữ chính trị gia nhanh chóng trở thành phát ngôn viên của chính phủ và được chỉ định vào nội các của Thủ tướng Helmut Kohl.
Ở cương vị Bộ trưởng Môi trường những năm 1990, Merkel tham gia thương lượng và thống nhất Nghị định thư Kyoto nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính. Bà trở thành lãnh đạo Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) năm 2000 và nắm giữ cương vị thủ tướng sau cuộc bầu cử năm 2005.
Vai trò ngoại giao
Kể từ khi bà Markel nhậm chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ 3 năm 2013, Đức đã thể hiện vai trò ngoại giao tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế.
Trong khủng hoảng Ukraine, người đứng đầu chính phủ Đức bị mắc kẹt giữa nỗ lực duy trì các cuộc đối thoại lãnh đạo Nga và Ukraine nhằm thực thi hiệp ước hòa bình, trong khi vẫn ủng hộ lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Nga là đối tác lớn của châu Âu, các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow đe dọa tới nền kinh tế EU, trong đó Đức chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Dù NATO không loại trừ giải pháp quân sự ở Ukraine, điều này có thể mang đến những hậu quả khôn lường cho tất cả các nước.
Tháng 2, lãnh đạo 3 nước Đức, Pháp và Anh hội đàm ở Moscow nhằm tìm giải pháp cho bất ổn Ukraine. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Đức muốn thiết lập an ninh ở châu Âu cùng với Nga, chứ không phải chống lại Nga. Sau cuộc đàm phán ở Moscow, các bên đạt được thỏa thuận thực thi lệnh ngừng bắn nhằm hiện thực hóa Hiệp ước Minsk.
Đức là một trong những bên đóng góp lớn nhất trong sứ mệnh của NATO tại Afghanistan và hỗ trợ chiến binh người Kurd ở Iraq. Điều này trái ngược với sự miễn cưỡng khi đưa vũ khí vào các cuộc xung đột trước đó.
Khôi phục kinh tế
Vào thời điểm nữ thủ tướng nhậm chức năm 2005, tỷ lệ thất nghiệp của Đức là 11%, hơn 4,5 triệu người không có việc làm và đạt mức hơn 12% chỉ vài tháng trước đó. Với sự dẫn dắt của Merkel, nền kinh tế đã thu về nhiều lợi ích từ các gói phúc lợi xã hội và cải cách kinh tế. Bà là người đưa ra ngoại lệ nâng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67.
Theo AP, chính quyền của bà duy trì được nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng 2008-2009 và hạn chế tỷ lệ thất nghiệp bằng cách áp dụng chương trình làm việc ngắn hạn. Thuế thu nhập cao từ các hoạt động kinh tế bền vững cho phép Đức cân bằng ngân sách. Lần đầu tiên kể từ năm 1969, Đức không có khoản nợ mới trong ngân sách liên bang - một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của nữ thủ tướng.
Sau 10 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo 61 tuổi, tỷ lệ thất nghiệp của Đức hiện ở mức 6%.
Khủng hoảng nợ và người di cư
Khủng hoảng Ukraine còn chưa hạ nhiệt, Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với vấn đề khác là khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và nguy cơ sụp đổ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro Zone).
Đức, quốc gia có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định đối với vấn đề của Hy Lạp, đã yêu cầu cải cách kinh tế và cắt giảm ngân sách để đổi lấy các gói viện trợ mới của chủ nợ quốc tế, bất chấp ý kiến chỉ trích của các nước khác.
Dòng người di cư đến châu Âu được cho là một trong những thử thách khó khăn bà Merkel phải đối mặt. Nữ thủ tướng trở thành “vị cứu tinh” cho những người di cư đang mắc kẹt ở châu Âu. Ngay cả khi châu Âu quay lưng với họ, bà Merkel tuyên bố Đức không đóng cửa biên giới.
Tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Đức khiến dòng người nhập cư chuyển hướng, gây ra nhiều vấn đề nan giải đối với quốc gia này. Có những thời điểm, tỷ lệ ủng hộ bà Merkel giảm sút vì nhiều người phản đối chủ trương mở cửa cho người di cư.
Đức hiện là điểm đến của người di cư từ Syria, Afghanistan, Iraq và nhiều nơi khác với hy vọng về một cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn.
Nữ thủ tướng được bình chọn là nhân vật của năm 2015. Ảnh: IB Times |
Năng lượng
Là người ủng hộ năng lượng hạt nhân, nhưng bà Merkel đã thay đổi quyết định sau thảm họa ở Fukushima và tuyên bố tất cả các lò phản ứng của nước này sẽ ngưng hoạt động vào năm 2022.
Bà bắt tay thực hiện kế hoạch tham vọng nhất thế giới về năng lượng tái tạo, cam kết rằng các nguồn năng lượng như gió và mặt trời sẽ chiếm khoảng 40-45% năng lượng của Đức vào năm 2025, khoảng 55-60% vào năm 2035.
Trong 10 năm bà Markel làm thủ tướng, nguồn năng lượng tái tạo của Đức đã tăng từ 10% đến 25% trong năm 2014. Tháng 6 năm nay, khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 ở Bavaria, Merkel đã thúc đẩy các quốc gia khác như Anh, Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản và Mỹ, cam kết hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào cuối thế kỷ này.
Hứa hẹn
Hiện chưa rõ "người đàn bà thép" có tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 vào năm 2017 hay không. Nếu tiếp tục tại vị, bà sẽ là lãnh đạo lâu năm nhất tại châu Âu.
Cho đến thời điểm giành chiến thắng trong cuộc tranh cử năm 2013, bà Markel vẫn không có đối thủ nặng ký trong đảng. Khi được hỏi về tương lai, thủ tướng Đức từ chối nói về khả năng tham gia tranh cử.
Herfried Muenkler, giáo sư Đại học Humboldt tại Berlin, nói rằng cách đây 10 năm, không ai có thể dự đoán được bà sẽ nắm quyền lâu đến như vậy. Vào thời điểm này cũng không có thách thức lớn nào với chính quyền của nữ thủ tướng.
"Trong tình hình hiện nay, tôi không thấy ai có ý định chống lại Markel", ông Herfried Muenkler nói.