Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 món đồ chơi đình đám có doanh thu cao nhất mọi thời đại

Những cái tên như lego hay búp bê Barbie chắc chắn đã đi vào lịch sử nhân loại, và không ngạc nhiên khi doanh thu của chúng lên tới hàng tỷ USD, theo thống kê của The Richest.

10. Bảng vẽ Etch-A-Sketch

Năm 1960, công ty Ohio Art đã tiến hành sản xuất ra món đồ chơi mà cha đẻ của nó gọi là "Màn hình ma thuật". Món đồ chơi này cho phép người chơi vẽ tranh bằng cách di chuyển 2 nút vặn theo chiều ngang và chiều dọc để giũ các bột nhôm từ bên trong màn hình để hiện ra hình vẽ. Khi người chơi lắc mạnh tấm bảng vẽ, họ sẽ xoá được hình ảnh hiện có và vô số hình ảnh mới sẽ xuất hiện. Sau khi đổi tên tấm bảng này thành "Etch-A-Sketch",  món đồ chơi đã nổi lên như diều gặp gió, thậm chí cả người lớn cũng thích thú với thiết kế đơn giản đó. Sau hơn 50 năm, tấm bảng này vẫn hiện diện khắp nơi,  với doanh số khổng lồ trên 100 triệu cái và còn tiếp tục tăng trong tương lai. Ảnh: Gvartwork.

9. Búp bê Cabbage Patch Kids

Những con búp bê mặt dưa đáng yêu này xuất hiện lần đầu vào mùa Giáng sinh năm 1983, sau đó tạo thành trào lưu thời đại. Người ta đã chờ cả hàng dài, tranh cướp lẫn nhau, và thậm chí mua bán những con búp bê này với giá "cắt cổ" tại một thị trường ngầm sinh lợi cao. Cho đến dịp kỷ niệm năm thứ 30 ra đời, đã có hơn 130 triệu con búp bê này được bán ra. Với mức giá khởi điểm 24,99 USD/con (mặc dù hiện nay giá bán lẻ có thể tăng gấp đôi hay nhiều hơn thế thông qua hàng bán tư nhân), búp bê Cabbage Patch Kids đã giúp cha đẻ của chúng - Xavier Roberts, trở thành triệu phú, và bản thân chúng cũng trở thành một trong những món đồ chơi được yêu thích nhất trong lịch sử. Ảnh: Comicvine.

8. Máy điện tử Nintendo NES

Cho đến năm 1985, ngành công nghiệp trò chơi điện tử còn non trẻ vẫn đang trong tình trạng khó khăn. Nhưng tất cả đã thay đổi khi NES ra đời và trở thành máy chơi game cầm tay bán chạy nhất mọi thời đại. Thời bấy giờ, với một hệ thống nhỏ gọn, tương đối mạnh có sẵn những trò phổ biến như Mario hay Zenda, NES đã trở thành một hiện tượng và được nhắc đến như vị cứu tinh, giúp thay đổi cả ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Với mức giá ban đầu 199,99 USD và khoảng hơn 60 triệu hàng bán ra trên toàn thế giới, NES đã một tay làm hồi sinh ngành công nghiệp trò chơi điện tử, biến Nintendo thành một từ phổ biến trong mỗi gia đình, và gặt hái thành công rực rỡ với hàng trăm triệu USD doanh thu. Ảnh: Nintendo.

7. G. I. Joe

Khi hãng đồ chơi Hasbro giới thiệu mô hình anh hùng G. I. Joe ("Một anh hùng Mỹ thực thụ") năm 1964, không ai có thể ngờ được tầm ảnh hưởng của nó đối với ngành công nghiệp đồ chơi. Khi đó các cậu bé hoàn toàn bị mê hoặc bởi món đồ chơi, và kết quả là cho đến năm 1965, mô hình Joe chiếm 75% doanh thu của Hasbro. Với bộ mô hình bao gồm cả quân phục, giày, mũ, súng trường và thẻ bài, G. J. Joe mang lại thành công lớn đến nỗi các cửa hàng lúc nào cũng trong tình trạng hết hàng. Đặc sệt chất Mỹ từ trong ra ngoài, những hình tượng như Joe đã lớn lên cùng nhiều thế hệ trẻ em, và đồng hành trong những trò chơi chơi trận giả, hay những nhiệm vụ bí mật của những đứa trẻ còn quá nhỏ để có hiểu được nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Ảnh: Joebattles.

6. NERF

Ban đầu được phát triển bởi Parker Brothers trước khi bị Hasbro mua lại vào đầu những năm 70, đế chế NERF có một khởi đầu khiêm tốn mà không ngờ rằng, quả bóng xốp sẽ mang lại thành công. Vượt quá nhiều phiên bản sao chép khác, những sản phẩm NERF vẫn tiếp tục mở rộng và cải tiến ý tưởng về thứ đồ chơi mềm, xốp, không gây hại túi tiền - những điều được tóm gọn trong lời quảng bá sản phẩm. "Hoặc NERF hoặc không có gì!". Những phiên bản sau còn có cả bóng rổ, bóng bầu dục, bóng đá, súng đồ chơi (NERF Blasters), súng phun nước (Super Soakers) hay thậm chí là cả trò chơi điên tử nữa. Ảnh: Hasbro.

5. Khối vuông Rubik 

Là một trong những trò chơi thách thức trí thông minh con người, có thể nói khối vuông Rubik chính là đại diện tiêu biểu cho những món đồ chơi đại chúng nhất. Được tạo ra năm 1974 bởi kiến trúc sư và nhà phát minh người Hungary Erno Rubik, món đồ chơi này ngay lập tức trở thành một trong những trò phổ biến nhất, nhưng cũng khó nhằn nhất mọi thời đại. Từ nhiều năm nay, với hơn 350 triệu sản phẩm Rubik được bán ra, hình ảnh một người cầm khối vuông Rubik đã trở nên quá quen thuộc. Ảnh: Wikipedia.

4. Silly Putty

Năm 1943, kỹ sư James Wright của General Electric, khi đó đang tìm cách tạo ra một hỗn hợp nhựa dẻo dùng cho quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ hai. Mặc dù không thành công, ông đã vô tình tạo ra được một trong những đồ chơi phổ biến nhất trong lịch sử. Sự yêu thích của gia đình và bạn bè ông đối với Nutty Putty đã tạo cảm hứng cho Wright phát triển ý tưởng biến thứ nhựa đó thành đồ chơi. Một nhà báo từ một tạp chí ở New York đã phát hiện ra chúng và viết hẳn một bài ca ngợi chúng. Kể từ đó, làn sóng Silly Putty bắt đầu, thậm chí chúng còn được những nhà du hành vũ trụ tàu Apollo 8 mang theo lên quỹ đạo mặt trăng năm 1968. Với hàng chục triệu những quá trứng nhỏ được bán ra hàng năm trong 50 năm qua, sự khám phá bất ngờ xưa kia đã trở thành một trong những món đồ chơi phổ biến nhất. Ảnh: Oasisnet.

3. Hot Wheels

Năm 1968, nhà sản xuất Lesney Products đã thống trị thị trường xe ô tô đồ chơi với dòng sản phẩm Matchbox (mà về sau được mua lại bởi Mattel). Khi đó, Eliot Handler (một trong hai nhà sáng lập Mattel) bắt đầu hình dung ra sự xuất hiện của một đối thủ từ Mỹ. Ngay năm đó, 16 mẫu thiết kế đầu tiên được ra mắt trên thi trường, mang lại phản ứng ngay lập tức và chưa từng có. Những chiếc xe được bán riêng lẻ và được kết hợp với một bộ lắp ráp các đường cho xe chạy, và điều nay đã khiến Hot Wheels hoàn toàn khác biệt so với các đối thủ của chúng. Với chi tiết vô cùng giống thật, màu sơn sáng bóng và thiết kế vững chắc, những chiếc xe này ngay lập tức trở nên phổ biến, thích hợp cho việc sưu tập với giá bán khoảng 1 USD/chiếc. Ước tính cho thấy Mattel đã thu được hàng tỷ USD doanh thu, và sau 50 năm hoạt động của công ty, con số này vẫn chưa có xu hướng giảm. Ảnh: Caranddriver.

2. Lego

Lego trong tiếng Đan Mạch nghĩa là "chơi tốt". Năm 1949, Lego giới thiệu những viên gạch tự động gắn liền mà không ngờ chúng đã trở thành hình mẫu cho khối Lego huyền thoại ra đời năm 1953. Cấu tạo đơn giản kèm theo độ bền đáng kinh ngạc của Lego đã biến nó trở thành một trong những món đồ chơi được ưa chuộng nhất trong lịch sử. Theo thời gian chúng càng trở nên phổ biến với những thiết kế phức tạp hơn theo nhiều chủ đề như Star Wars. Thật khó có thể tính toán được lượng Lego bán ra trên toàn thế giới, nhưng có thể nói hiện nay công ty đã trở thành nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới, với hàng chục triệu USD doanh thu mỗi tuần. Thậm chí người Đan Mạch còn tính đổi từ "tiền" trong ngôn ngữ của họ thành "Lego".  Ảnh: Lego.

1. Búp bê Barbie

Ruth Handler (nhà sáng lập còn lại của Mattel) từng ngắm nhìn con gái Barbara của mình chơi những con búp bê giấy, và từ đó đã nghĩ ra ý tưởng tạo ra món đồ chơi nào đó bền hơn, để kích thích trí tưởng tượng của con gái. Và thế là Barbie, cô búp bê người mẫu tóc phồng mặc bikini, đã ra đời. Barbie trở thành một cơn sốt với 350.000 sản phẩm bán được trong năm đầu tiên, và từ đó tiếp tục công cuộc thống trị thế giới. Với khoảng hơn 1 tỷ búp bê được bán ra cho đến nay, Barbie chính là bá chủ thế giới đồ chơi, mang lại cho Mattel cả một gia tài. Nhưng hơn thế nữa, Barbie đã trở thành một biểu tượng trong tim nhiều thế hệ thiếu nhi, những người khó có thể cưỡng lại phong cách tinh vi của cô búp bê này, giúp cho Barbie trở thành món đồ chơi bán chạy nhất mọi thời đại. Ảnh: Thegloss.

15 quảng cáo thông minh đầy sáng tạo trên thế giới

Những ý tưởng hài hước và đầy sáng tạo trong làng quảng cáo được Graphicdesignjunction đưa ra dưới đây chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục.

Tô Đức

Bạn có thể quan tâm