Trên Xperia Z2, Sony đã trang bị đầy đủ những yếu tố quan trọng nhất như cảm biến 20,7 megapixel, với ống kính khẩu độ rộng, nút chụp hình riêng biệt và rất nhiều tính năng chụp hình, quay video độc đáo. Tuy nhiên, để có một bức ảnh tuyệt vời, chỉ sức mạnh phần cứng của máy là chưa đủ. Kinh nghiệm và hiểu biết của người chụp đóng vai trò rất quan trọng.
1. Chuyển sang chế độ Manual khi chụp đêm
Về cơ bản, chế độ Superior Auto (siêu tự động) trên Z2 rất đáng tin tưởng. Nhiều chuyên gia khuyến cáo người dùng nên sử dụng chế độ này khi chụp ảnh thường. Tuy nhiên, chế độ nói trên thường có xu hướng tái hiện màu kém chính xác, chẳng hạn màu ảnh bị ngả đỏ trong bức ảnh bên trên. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên cài đặt các chế độ cân bằng trắng phù hợp khi chụp ảnh.
2. Tránh bị nóng máy khi chụp
Camera của Z2 thường bị nóng và dừng hoạt động nếu chụp ảnh liên tục trong một thời gian dài. Để tránh hiện tượng nói trên, người dùng nên tránh chụp ảnh dưới ánh sáng trực tiếp hoặc tránh sử dụng camera một cách liên tục. Bạn cũng có thể thử kích hoạt chế độ Stamina mode, giúp hạn chế tiêu thụ năng lượng của máy, góp phần giảm sức nóng phát sinh.
3. Dùng phím cứng
Xperia Z2 sở hữu phím chụp hình cứng, thứ không nhiều smartphone hiện nay có. Chỉ cần nhấn và giữ phím này, camera của máy sẽ bật mở, ngay cả khi máy đang ở chế độ chờ. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được vài giây để bắt kịp những khoảnh khắc quý giá trong cuộc sống.
4. Khóa điểm lấy nét và màn trập
Giống như nút chụp trên nhiều máy ảnh chuyên nghiệp, phím cứng của Xperia Z2 cũng cho phép chụp hình theo 2 bước. Máy sẽ khóa điểm lấy nét và màn trập khi bạn ấn phím nửa chừng sau đó mới chụp. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng phím chụp cảm ứng trên màn hình của máy để làm việc tương tự.
5. Zoom kỹ thuật số
Chế độ zoom kỹ thuật số trên phần lớn smartphone hiện nay bị coi là vô dụng bởi nó chỉ đơn giản mở rộng khung hình, làm giảm đáng kể chất lượng bức ảnh. Tuy nhiên, tính năng có tên Clear Zoom trên Z2 thì khác. Ở chế độ Siêu tự động, máy sẽ tự động tiếp thêm các điểm ảnh cho chế độ chụp 8 megapixel ban đầu, cho phép bạn zoom tối đa lên 3x mà không gây ảnh hưởng gì đến chất lượng ảnh chụp. Đây là cách Nokia đã làm để kích hoạt chế độ zoom “lossless” trên chiếc Lumia 1020 41 megapixel.
6. Tỉ lệ 4:3 và 16:9
Ở chế độ mặc định, Sony Xperia Z2 sẽ chụp ảnh tỉ lệ 16:9. Tuy nhiên, cảm biến của máy lại có kích thước tỉ lệ 4:3 nên đôi khi, sẽ là tốt hơn nếu bạn chụp theo tỉ lệ nói trên. Bạn có thể thiết lập việc chuyển đổi tỉ lệ khung hình khá dễ dàng.
7. Thử quay video 60 khung hình/giây
Trừ khi bạn truy cập sâu vào cài đặt trên ứng dụng camera của Z2, rất có thể bạn sẽ bỏ quên mất chế độ quay video 1.080p 60 khung hình/giây của sản phẩm này. Video quay ở chế độ này sẽ mịn hơn rất nhiều so với chế độ 30 khung hình truyền thống. Tuy nhiên, chế độ quay này không phù hợp khi quay thiếu sáng hoặc trong điều kiện trời tối.
8. Quay video HDR
Giống như quay video 60 khung hình, tính năng quay video HDR chỉ được kích hoạt trong phần cài đặt ở chế độ Manual.
9. Tải thêm các chế độ chụp
Sony đã cung cấp sẵn hàng loạt các chế độ chụp như Background Defocus, AR Effect, Info-eye hay Social Live, nhưng đó chưa phải là tất cả. Bạn có thể tải thêm nhiều chế độ chụp khác trên Google như Motion Shot - chụp nhiều khung hình của một vật đang chuyển động, hay Motiongraph để tạo ra ảnh động.
10. Chế độ chụp nhanh
Z2 có một chế độ Timeshift Burst rất tuyệt vời, cho phép chụp liên tiếp một loạt ảnh. Nếu muốn sử dụng chế độ này thường xuyên, bạn có thể vào phần cài đặt của camera và bật tính năng “Burst with longpress”. Khi đặt chế độ này, bạn sẽ không thể dùng phím chụp trên màn hình để khóa điểm lấy nét và màn trập.