Sáng 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị hướng tới mục tiêu thực hiện kết luận của Bộ Chính trị để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty; phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội; tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, vốn là năm quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty (trước đây thuộc 5 bộ). Đến cuối năm 2022, 19 doanh nghiệp nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước trên cả nước.
Thủ tướng đề nghị đại diện Ủy ban, doanh nghiệp đánh giá chính xác thành tựu lẫn hạn chế để rút ra bài học cũng như dự báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Dự án cấp thiết chậm tiến độ
Báo cáo trước Thủ tướng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết 19 tập đoàn, tổng công ty đã nỗ lực vượt khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị được giao bất chấp sự ảnh hưởng của Covid-19 và những biến động phức tạp trong khu vực và quốc tế. Dẫu vậy, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp bị lỗ, giảm vốn chủ sở hữu.
Ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh sau 5 năm, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban đã có sự tăng trưởng tốt, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý Nhà nước là phù hợp.
Một số vấn đề chứng kiến thay đổi tích cực như khắc phục tình trạng công việc chưa được thực hiện đầy đủ, tồn đọng nhiều năm; tích cực, chủ động cùng các cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ vướng mắc về đầu tư; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; đề cao nguyên tắc tuân thủ pháp luật và bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban đã chủ động đề nghị hướng dẫn, làm rõ những vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ làm cơ sở pháp lý trong triển khai, thực hiện; ban hành và triển khai thực hiện nghiêm túc, có kết quả Kế hoạch kiểm tra, giám sát về tài chính doanh nghiệp, các dự án đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, công tác cán bộ đối với các tập đoàn, tổng công ty.
Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai nhiều dự án đầu tư. Đáng chú ý là 10 dự án lớn, cấp thiết với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng nhưng bị chậm tiến độ nhiều năm.
Ban chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương cũng đã báo cáo, đề xuất, được cấp thẩm quyền đồng ý phương án xử lý 8/12 dự án, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện.
Phó chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Nhiều doanh nghiệp đóng góp chưa tương xứng
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Ủy ban cho rằng trong quá trình hoạt động vẫn còn tồn tại những hạn chế như chưa đảm bảo thời hạn giải quyết chưa tập trung cho việc định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển để thúc đẩy, định hướng doanh nghiệp phát huy nguồn lực hiện có; chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả với các bộ quản lý ngành liên quan trực tiếp và ảnh hưởng dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,598 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với con số 1,319 triệu tỷ đồng của năm trước đó. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83.167 tỷ đồng, tăng 23,2% và tổng nộp ngân sách đạt 191.731 tỷ đồng, tăng 8%.
Theo đại diện Ủy ban, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước có vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế. Đây là nhóm doanh nghiệp có khả năng đảm bảo các cân đối cho nền kinh tế và tạo nguồn thu ngân sách lớn, đồng thời là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp thuộc Ủy ban đã đẩy mạnh đầu tư vào các dự án lớn, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Một số doanh nghiệp điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam… đã kết hợp sản xuất kinh doanh với đảm bảo quốc phòng, an ninh lẫn chủ quyền.
Song, vẫn còn một số điểm các doanh nghiệp cần khắc phục như chưa phát huy hết nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án; phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt; năng lực quản trị và triển khai dự án còn yếu; một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản hoặc các dự án đầu tư tại các quốc gia bất ổn về chính trị… dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...