Nhiều công ty Mỹ và châu Âu đã bắt đầu nếm trái đắng từ tình hình bất ổn tại Nga. Một vài doanh nghiệp cho biết doanh số bán ra tại Nga đang chững dần lại, cá biệt không ít công ty phải đóng cửa chi nhánh khi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina vẫn đang leo thang.
Cổ phiếu nhiều công ty cũng rớt thảm trên sàn chứng khoán tính từ đầu năm tới nay.
Những căng thẳng mang màu sắc của cuộc Chiến tranh lạnh, cũng như lệnh trừng phạt nối tiếp đã giáng đòn nặng xuống những công ty đa quốc gia này.
Dưới đây là danh sách 10 công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất tính đến thời điểm hiện tại.
1. McDonald's
Các quan chức Nga đã tiến hành một cuộc điều tra với chuỗi nhà hàng ăn nhanh Mỹ này, kết quả là 4 nhà hàng McDonald's đã bị đóng cửa tại Moscow trong tuần trước. Truyền thông Nga đưa tin cho biết, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga sẽ còn tiếp tục điều tra chuỗi nhà hàng ăn nhanh liên quan tới các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nhãn hiệu đồ ăn nhanh Wendy’s cũng đã buộc phải đóng cửa tại Nga sau khi công tác quản lý với đối tác địa phương - Wenrus có nhiều thay đổi. Wendy’s đã có mặt tại Nga từ năm 2011. |
2. Coca – Cola
Trong tuần trước, nhãn hiệu đồ uống có ga lớn nhất thế giới đã thông báo doanh số quý giảm 5% tại Nga, Ukraina và Belarus. Lí do được Coca-cola đưa ra là do “sự bất ổn về kinh tế trong khu vực”. Tuy nhiên, doanh số toàn cầu của công ty vẫn tăng 3%. |
3. Carlsberg
Nhà sản xuất bia Đan Mạch vừa thông báo kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng do nhu cầu tại Nga giảm mạnh. Theo ước tính của Carlsberg, doanh số toàn nước Nga giảm 7% trong 6 tháng đầu năm do môi trường kinh tế bất ổn, dẫn tới mất thị phần. Cổ phiếu của công ty cũng “rơi” 15% tính từ đầu năm tới nay. Từ trước tới nay, Carlsberg là nhãn hiệu bia phổ biến nhất Nga. |
4. Adidas
Cuối tháng 7, nhà sản xuất đồ thể thao Đức thông báo đang chuẩn bị đóng nhiều cửa hàng và co hẹp kế hoạch mở rộng tại Nga. Theo thông báo, “các căng thẳng trong khu vực” đã ảnh hưởng tới nhu cầu chi tiêu của khách hàng. Ngoài ra, đồng nội tệ ruble của Nga mất giá cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty. Adidas đã đánh tụt dự đoán lợi nhuận 2014 từ 50% xuống còn 30%, một phần do tình hình tại Nga. Cổ phiếu hãng sụt liền 37% tính từ đầu năm 2014. |
5. Volkswagen
Công ty sản xuất xe hơi Đức khẳng định, căng thẳng chính trị đã đẩy doanh số bán ra tại Nga giảm 8% trong 6 tháng đầu năm. Theo dự đoán của công ty, doanh số toàn ngành sẽ giảm 25% trong tháng 7. Cổ phiếu Volkswagen đã giảm 13% tính từ đầu năm tới nay. |
6. Ford
Ford Motor đã cắt giảm khoản đầu tư vào nhà máy liên doanh với OAO Sollers của Nga. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm, lượng xe bán ra của Ford tại Nga đã trượt 21%. |
7. Renault
Nhà sản xuất xe hơi Pháp đã cảnh báo các nhà đầu tư về một giai đoạn thoái trào tại Nga cũng như nhiều thị trường mới nổi khác. Nga là thị trường lớn thứ 3 của Renault xét trên phương diện doanh số. |
8. BP
Gã khổng lồ dầu khí của Anh - BP - sở hữu một lượng lớn cổ phần tại Rosneft - công ty dầu khí lớn nhất Nga, và cảnh báo nhiều bộ phận sẽ lãnh hậu quả từ các đòn trừng phạt ngày càng nặng nề từ phía Mỹ.
Các nhà đầu tư cũng đang lo ngại về nhiều công ty năng lượng khác như Total và Exxon Mobil – những doanh nghiệp có mỗi quan hệ gần gũi với Nga. |
9. Societe Generale
Lợi nhuận của chi nhánh ngân hàng Pháp tại Nga trượt 36% trong quý II vừa qua. |
10. Danone
Công ty thực phẩm Pháp cho biết, đồng ruble mất giá đã ảnh hưởng nặng nề tới kết quả kinh doanh hai quý đầu năm của công ty, và Danone đã buộc phải tăng giá một vài sản phẩm tại Nga do lạm phát gia tăng. |