10. Russia Tower
Được thiết kế bởi công ty kiến trúc của Norman Foster, Russia Tower cao 620 m có tổng cộng 118 tầng, 101 thang máy với sức chứa 30.000 người.
Như một “thành phố thẳng đứng đông đúc”, dự kiến, Russia Tower có văn phòng, khách sạn, trung tâm mua sắm, và những căn hộ kèm vườn cho 25.000 người. Nếu thành công, dự án này sẽ là tòa tháp cao nhất ở châu Âu và cao thứ hai trên toàn thế giới.
Khởi công xây dựng vào năm 2007, nhưng Russia Tower phải ngừng thi công vì không có đủ 2 tỷ USD kinh phí trong khủng hoảng tín dụng.
Tạp chí PropertyWire cho biết, toàn bộ khuôn viên 2,4 ha của dự án sẽ được sử dụng làm bãi đỗ xe cho 3.000 phương tiện.
9. Tháp đèn Phare du Monde
Phare du Monde (tháp đèn của Thế giới) là một tháp quan sát cao 701 m lẽ ra đã được xây dựng ở ngoại ô Paris phục vụ triển lãm thế giới năm 1937. Dự án được thiết kế bởi kỹ sư người Pháp Eugene Freyssinet. Tên của tòa tháp được đặt theo cuốn tiểu thuyết năm 1905 của Jules Verne.
Những tầng trên cùng công trình là không gian dành cho cột đèn, nhà hàng và gara với sức chứa 500 phương tiện. Việc một công trình kiến trúc mang tính đổi mới được thiết kế phục vụ xe hơi phần nào chứng tỏ rằng “ôtô đã trở thành một yếu tố không thể thiếu làm nên diện mạo của thành phố”.
Nếu được xây dựng, Phare du Mode đã trở thành tòa tháp duy nhất trên thế giới cho phép du khách lái xe hơi lên tận đỉnh.
8. The Illinois
Năm 1956, Frank Lloyd Wright đề xuất xây dựng The Illinois (được biết đến như Sky-City), tòa nhà chọc trời cao 1.600 m được thiết kế cho trung tâm thành phố Chicago.
Nếu được xây dựng, công trình 528 tầng này đã trở thành tòa nhà cao nhất thế giới. Dự án cao gấp 2 lần tòa Burj Khalifa ở Dubai và gấp 4 lần Empire State, công trình kiến trúc cao nhất thế giới khi đó.
The Illinois được thiết kế với 76 thang máy vận hành bằng năng lượng nguyên tử, bãi đỗ cho 15.000 xe hơi và 150 máy bay trực thăng.
7. The Fourth Grace/The Cloud
Năm 2002, để chuẩn bị cho phiên đấu thầu Capital of Culture, thành phố Liverpool đã phát động công cuộc tìm kiếm tài năng kiến trúc để thiết kế “Fourth Grace”. Dự án này dự kiến sẽ nối liền 3 công trình khác dọc theo đường dẫn nước mang tính lịch sử của thành phố.
Kiến trúc sư người Anh Will Alsop nổi tiếng với những tòa nhà theo chủ nghĩa hiện đại sẽ chịu trách nhiệm thiết kế công trình này. Alsop đã trình lên bản thiết kế công trình hình quả cầu 10 tầng mà ông đặt tên là The Cloud.
Tuy nhiên, chi phí phát sinh, cùng với những thay đổi trong thiết kế và vấn đề quy hoạch đã khiến dự án này thất bại.
6. Tháp cảng Nakheel
Dự án tháp cảng Nakheel được thiết kế để trở thành thủ đô không chính thức của Dubai ở gần trung tâm thương mại Ibn Batuta và kênh đào Arabian.
Với diện tích khoảng 270 ha, dự án bao gồm 40 tòa nhà văn phòng và chung cư cho hơn 100.000 người. Theo tính toán, công trình cần đến 30.000 lao động và phải mất 10 năm để hoàn thành.
Tuy nhiên, đến tháng 1/2009, tháp cảng Nakheel bị tạm hoãn do suy thoái kinh tế toàn cầu. 18 tháng sau, dự án bị hủy bỏ.
5. Tháp Tatlin
Tatlin’s Tower là ý tưởng của kiến trúc sư người Nga, Vladimir Tatlin, vào năm 1919. Công trình cao 400 m này sẽ được dùng làm trụ sở và đài kỷ niệm của Quốc tế Cộng sản 3. Sử dụng những vật liệu công nghiệp như sắt, kính và thép, tòa tháp dự kiến được xây ở Leningrad sau cuộc Cách mạng năm 1917 như một biểu tượng của sự tiến bộ và hiện đại.
Tòa tháp được thiết kế như hình xoắn kép với rất nhiều cấu trúc hình học cỡ lớn. Tất cả những cấu trúc ấy sẽ quay với tốc độ khác nhau, nhưng tổng thể, vòng quay sẽ kết thúc sau 1 năm. Nhà phê bình Xô Viết, Victor Shklovsky, gọi tháp Tatlin là “tượng đài làm từ thép, kính và cách mạng”.
4. Hotel Attraction
Là người theo phong trào hiện đại Catalan cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha, Antoni Gaudi, bị ảnh hưởng bởi những cấu trúc tự nhiên và các sản phẩm thủ công như gốm sứ và kính nhuộm màu. Ông có tổng cộng 7 tác phẩm được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, trong đó Sagrada Familia - tòa nhà thu hút du khách nhất Tây Ban Nha - là kiệt tác còn dang dở.
Năm 1908, ông được hai doanh nhân người Mỹ Edward T. Carlton và William Gibbs McAdoo yêu cầu thiết kế một khách sạn ở Lower Manhattan. Gaudi đã đưa ý tưởng về một tòa nhà cao khoảng 300 m với một phòng triển lãm, vài phòng hội thảo, rạp phim và 5 phòng ăn.
Tuy nhiên, ý tưởng này chưa từng được hiện thực hóa. Thậm chí, chẳng mấy người biết đến dự án ấy cho tới tận năm 1956, khi nhà điêu khắc Joan Matamala Flotats - cộng sự của Gaudi công khai trong một báo cáo của mình.
3. Palace of the Soviets – Cung điện Xô Viết
Năm 1931, Đảng Cộng sản của Stalin tổ chức một cuộc thi kiến trúc tầm cỡ quốc tế để tìm ra người thiết kế Cung điện Xô Viết, một trung tâm hành chính dự kiến được xây ở gần Kremlin.
Người chiến thắng là kiến trúc sư người Nga Boris Iofan với bản thiết kế tòa nhà chọc trời theo trường phái tân cổ điển. Công trình này nhìn giống như một chiếc bánh cưới khổng lồ nhiều tầng. Nếu ý tưởng thành hiện thực,công trình là tòa nhà cao nhất thời bấy giờ, với bức tượng cao Lenin cao 80 m trên nóc.
Cung điện được khởi công xây dựng năm 1937, nhưng sau đó ngân sách cạn kiệt và dự án bị hoãn khi Hitler phát động chiến dịch Operation Barbarossa. Sau thế chiến thứ II, cung điện Xô Viết này được chuyển đổi thành bể bơi ngoài trời lớn nhất thế giới. Ngày nay, bể bơi đã nhường chỗ cho “bản sao nguyên dạng” của nhà thờ Tsarist.
2. X-Seed 4000
Năm 1995, Peter Neville, một kiến trúc sư làm việc cho Tập đoàn Taisei của Nhật Bản đã có ý tưởng về X-Seed - một tòa nhà chọc trời bằng thép cao 4.000 m có hình dáng của núi Phú Sĩ. Trên thực tế, X-Seed với 800 tầng, được thiết kế cao hơn ngọn núi nổi tiếng ở Nhật Bản một chút. Sức chứa của công trình từ 500.000 đến 1 triệu người.
Theo George Binder, Giám đốc quản lý xây dựng và dữ liệu, X-Seed được thiết kế không phải để xây dựng, mà chỉ để thể hiện tài năng và hoài bão của Taisei. Dự án trở thành hiện thực sẽ cần đến ngân sách hơn 1.000 tỷ USD.
1. The Volkshalle
Albert Speer là kiến trúc sư đầu tiên của Đệ tam Đức quốc xã và cũng là Bộ trưởng Bộ khí tài và Vũ trang của nước này. Sau chiến thắng trong Thế chiến thứ II, Hitler muốn làm mới Berlin. Chính Speer là người góp công lớn trong việc nghĩ ra các kế hoạch nhằm thực hiện nguyện vọng của Hitler, trong đó có dự án “World Capital Germania” (Đức - Kinh đô của thế giới).
Một Berlin mới dự kiến sẽ có những đại lộ lớn, quảng trường phục vụ diễu hành và nhiều tòa nhà dân sự theo trường phái tân cổ điển. The Volkshalle hay People’s Hall - Hội trường nhân dân, là trọng tâm của thủ đô Berlin mới. Lấy cảm hứng từ đền Pantheon của Hoàng đế Hadrian ở Rome, Speer đã hình dung ra Volkshalle như một mái vòm khổng lồ với một khán phòng thật lớn để có đủ chỗ cho 180.000 người ủng hộ Đức Quốc xã.