1. Burning (2018): Bộ phim thứ năm của đạo diễn Lee Chang Dong vượt mặt nhiều tên tuổi nổi tiếng và giành vị trí cao nhất trong danh sách phim xuất sắc mọi thời đại của Hàn Quốc. Bộ phim tâm lý, kinh dị dựa trên truyện ngắn Barn Burning của tác giả Haruki Murakami, dưới sự diễn xuất của ảnh đế Yoo Ah In, Steven Yeun và Jeon Jong Seo. Tuy vắng mặt tại các giải thưởng quốc tế như Oscar, Quả cầu vàng, Burning vẫn được đánh giá cao về chất lượng và ngôn ngữ điện ảnh khác biệt. |
2. Parasite (2019): Theo Korean Screen, bộ phim vạch trần sự phân chia giai cấp Hàn Quốc của Bong Joon Ho giành được gần 200 giải thưởng quốc tế, bao gồm bốn giải Oscar danh giá, giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2019. Câu chuyện về sự đối lập giữa những người sống ở đáy xã hội và giới thượng lưu xa hoa ở Hàn Quốc qua cách kể của Bong Joon Ho đã gây tiếng vang khắp thế giới. |
3. Memories Of Murder (2003): Trước Parasite, quái kiệt điện ảnh Bong Joon Ho từng được giới phê bình đánh giá cao khi thực hiện bộ phim tâm lý, tội phạm Memories of Murder. Lấy bối cảnh vùng nông thôn, Bong Joon Ho khắc họa nỗi sợ của các thám tử khi đối mặt với kẻ giết người hàng loạt. Bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật ở vùng Hwaseong diễn ra từ năm 1986-1991 đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người xem khi kẻ sát nhân có thể là bất cứ ai trong số chúng ta. |
4. Oldboy (2003): Đạo diễn Park Chan Wook đã kể lại một câu chuyện về sự trả thù gây sốc cho khán giả. Cái kết của phim gây ám ảnh cho bất cứ ai từng xem. Cuộc trả thù khiến chính khán giả cũng phải chết điếng vì những cú bẻ lái khôn lường. Theo Korean Screen, bộ phim đặt tiền lệ, tạo ra tiêu chuẩn cho điện ảnh Hàn Quốc hiện đại. Điện ảnh xứ kim chi bắt đầu được khán giả toàn cầu công nhận từ bộ phim này. |
5. The Handmaiden - Cô hầu gái (2016): Park Chan Wook là đạo diễn thường xuyên làm phim dựa trên những góc tối xã hội. The Handmaiden lấy bối cảnh Hàn Quốc những năm 1930, thời kỳ đất nước bị Nhật chiếm đóng. Các nhà phê bình cho rằng đạo diễn đã phơi bày mặt tối của xã hội thông qua bộ phim tâm lý rùng rợn về tình dục gắn mác 18+. |
6. Spring, Summer, Autumn, Winter… And Spring - Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân (2003): Đây là tác phẩm thứ 9 trong sự nghiệp của đạo diễn tài năng Kim Ki Duk - người qua đời hồi cuối năm 2020 vì Covid-19. New York Times cũng từng đánh giá đây là bộ phim đáng xem nhất của điện ảnh Hàn Quốc. Sau nhiều năm thực hiện những tác phẩm đi sâu về tình dục, bạo lực, tác phẩm thấm đẫm triết lý nhân sinh trở thành bộ phim được đón nhận nhất trong số các tác phẩm của đạo diễn đa tài. |
7. The Housemaid (1960): Theo Korean Screen, bộ phim của đạo diễn Kim Ki Young làm thay đổi mãi mãi nền điện ảnh Hàn Quốc. The Housemaid được giới phê bình nhận định là kiệt tác điện ảnh. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về người hầu gái - kẻ thứ ba có thể tàn phá bất cứ gia đình nào mang lại nỗi ám ảnh cho người xem. |
8. Poetry (2010): Bộ phim của đạo diễn Lee Chang Dong kể về nỗi sợ vô hình của bất cứ ai. Bạn sẽ nghĩ gì, làm gì khi phát hiện bản thân đã ở ngưỡng 65 tuổi? Bộ phim mượn chất thơ để kể về nỗi cô đơn nhưng yêu cái đẹp, thi ca của người phụ nữ lớn tuổi mắc bệnh Alzheimer. Mang chất thơ nhưng thực tế bộ phim kể về thảm kịch của người già. Tác phẩm giúp đạo diễn Lee Chang Dong nhận giải Kịch bản gốc xuất sắc tại LHP Cannes 2010. |
9. Peppermint Candy (1999): Bộ phim của đạo diễn Lee Chang Dong được xem là gói gọn tất cả nỗi bi kịch trong đời người đàn ông, bao gồm sự thất bại, mắc kẹt trong xã hội đầy biến động. Không chỉ khắc họa cuộc đời bi kịch của nam giới, Peppermint Candy còn diễn tả những sự kiện quan trọng ở Hàn Quốc. |
10. Mother (2009): Tác phẩm của đạo diễn Bong Joon Ho lần nữa vào danh sách những bộ phim xuất sắc của điện ảnh Hàn Quốc. Mother kể về người mẹ bảo vệ con một cách bất chấp, cố gắng chứng minh sự vô tội của con trai khi nó bị buộc tội giết người. Bộ phim được nâng lên tầm cao mới dưới diễn xuất của Kim Hye Ja và Won Bin. Mother được giới phê bình cho là hội tụ đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc từ đen tối, hài hước cho đến cú sốc ở cuối phim. |