Các điểm bỏ phiếu tại 27 khu vực mở cửa từ 8h tới 20h ngày 16/3. Cử tri có thể nhận phiếu ngay tại điểm bỏ phiếu sau khi xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân, RT đưa tin.
Khoảng 1,52 triệu cử tri Crimea trả lời hai câu hỏi: Crimea sáp nhập vào Nga hay vẫn là một phần của Ukraina. 10.000 binh lính Crimea và 5.000 cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho cuộc trưng cầu.
Một người đàn ông cầm cờ Nga khi bỏ phiếu tại thành phố Sevastopol, bán đảo Crimea hôm 16/3. Ảnh: Reuters |
"Đây là thời khắc lịch sử. Mọi người sẽ sống hạnh phúc. Chúng tôi sẽ mừng sự kiện đáng nhớ này vào buổi tối", ông Sergei Aksyonov, Thủ tướng Crimea, phát biểu sau khi ông bỏ phiếu tại thành phố Simferopol.
135 quan sát viên từ 23 quốc gia - bao gồm Áo, Bỉ, Bungary, Pháp, Đức, Hungary, Italy, Latvia, Ba Lan - đã tới Criema để giám sát cuộc trưng cầu. Các thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Nghị viện châu Âu, chuyên gia luật pháp quốc tế, nhà hoạt động nhân quyền cùng 1.240 quan sát viên địa phương đang theo dõi hoạt động bỏ phiếu tại các địa điểm trên toàn Crimea. 623 nhà báo từ 169 hãng truyền thông quốc tế cũng tới Crimea để đưa tin.
Các phóng viên có thể xuất hiện tại mọi điểm bầu cử. Chính quyền thành lập một trung tâm báo chí tại thành phố Simferopol. Trung tâm sẽ cập nhật thông tin thường xuyên về quá trình trưng cầu dân ý và kết quả kiểm phiếu.
Chính quyền địa phương cho biết, họ có thể biết kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong khoảng vài giờ sau 20h hôm 16/3. Người dân sẽ biết kết quả cuối cùng vào ngày 17/3.
Theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận hồi đầu tuần ở Crimea, hơn 90% người dân địa phương ủng hộ quyết định sáp nhập Crimea vào Nga.
Đối với nhiều người dân tại Crimea, cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 là một sự kiện lịch sử trọng đại. Ảnh: RT. |
Trước đó, cuộc trưng cầu đã vấp phải nhiều hành động khiêu khích của những người phản đối trên bán đảo. Chính phủ Ukraina và các nước phương Tây tuyên bố họ sẽ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý.
Oleksander Turchinov, Tổng thống tạm quyền Ukraina, tuyên bố Nga định đoạt kết quả trưng cầu dân ý trước khi cử tri bỏ phiếu.
"Điện Kremlin đã sắp đặt kết quả trưng cầu dân ý để có thể đưa binh sĩ vào Crimea rồi phát động chiến tranh nhằm phá hoại cuộc sống người dân và triển vọng kinh tế của bán đảo", ông Turchinov cảnh báo.
Vào đêm 15/3, lực lượng tự vệ Crimea đã chặn một hành động nhằm phá hỏng đường ống dẫn khí tại Arabat Spit. Theo Thủ tướng Crimea, ông Sergey Aksyonov, những người phá hoại đường ống dẫn khí đốt tự xưng là thành viên của lực lượng biên phòng.
Tại Simferopol, giới chức đã bắt giữ một số kẻ giả danh cảnh sát để lấy cắp hộ chiếu mà nhà chức trách cấp cho một số công dân trong trường hợp không có thẻ căn cước để tham gia bầu cử. Hành vi gian lận tương tự cũng xuất hiện tại thị trấn Saky ở phía tây bán đảo Crimea.
Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc tới phía tây Ukraina đã cố gắng đột nhập vào khu tự trị để tổ chức các cuộc biểu tình chống lại sự độc lập của Crimea. Họ la hét khẩu hiệu, đồng thời kêu gọi người dân không bỏ phiếu.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Nga đã diễn ra tại khu vực phía đông Ukraina và Crimea. Người dân tại các thành phố Simferopol, Odessa, Kharkov, Donetsk, Lugansk đã xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý.
Sau cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra tại thủ đô Kiev, Ukraina vào 22/3, tổng thống Viktor Yanukovych đã chạy khỏi đất nước. Quốc hội của khu tự trị Crimea, nơi gần 60% dân cư là người Nga, không thừa nhận chính phủ lâm thời tại Kiev và quyết định tách khỏi Ukraina.
Hôm 11/3, Quốc hội Crimea đã thông qua một nghị quyết để tuyên bố độc lập, mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 16/3.