Đồng USD trượt giá do những dấu hiệu cho thấy Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Ảnh: Reuters. |
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 15/11, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - vừa rơi xuống 105,9 điểm, rồi nhích nhẹ lên 106 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 14/8.
Đồng USD yếu đi giúp các đồng tiền khác hưởng lợi. Euro đã tăng lên 1,042 USD đổi 1 euro, đánh dấu mức cao nhất kể từ đầu tháng 7.
Tỷ giá GBP/USD cũng tăng lên mức 1,18732 USD trên mỗi bảng Anh, cao nhất trong gần 3 tháng. Đồng tiền của New Zealand và Australia đều tăng giá trị so với USD.
Biến động của chỉ số USD, tỷ giá EUR/USD và tỷ giá GBP/USD trong vòng một năm qua. Ảnh: Trading Economics. |
Động thái tiếp theo của Fed
Đồng bạc xanh yếu đi sau các bình luận của Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Lael Brainard. Hôm 14/11, bà Brainard cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sớm giảm tốc độ tăng lãi suất.
"Tôi cho rằng việc giảm tốc độ tăng lãi suất là thích hợp", bà nói với Bloomberg. Vị quan chức xác nhận về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất nhẹ tay hơn, dù chưa dừng hẳn.
Kể từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, cơ quan này đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Chỉ số USD rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8. Ảnh: Trading Economics. |
Thành viên Hội đồng Thống đốc Fed Christopher Waller cũng cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới.
Mới đây, nhà kinh tế Paul Krugman - người từng đoạt giải Nobel - đã chỉ ra những lý do chính đáng để Fed cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất. Việc này sẽ cho phép ngân hàng trung ương đánh giá tác động đối với nền kinh tế Mỹ trong năm nay.
"Tôi nghĩ rằng Fed đã làm đủ rồi. Họ thực sự nên dừng lại và quan sát. Nếu báo cáo CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tiếp theo chỉ ra lạm phát đang hạ nhiệt, Fed sẽ phải tự vấn xem liệu họ có quá 'diều hâu' không", ông Krugman nói trên Bloomberg Television.
Đảo ngược đà tăng?
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, CPI tháng 10 của Mỹ đã tăng ít hơn dự kiến. Mức tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là 0,4% và 7,7%, thấp hơn dự báo 0,6% và 7,9% từ Dow Jones.
"Dường như đồng USD đã bị giáng đòn mạnh sau khi báo cáo được công bố", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing. Bởi việc lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến có thể cho phép ngân hàng trung ương Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách quan trọng diễn ra vào tháng 12.
Chúng ta đang đi tới thời điểm đó. Nó có thể xảy ra vào ngay cuộc họp tiếp theo, hoặc cuộc họp sau đó
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Bất chấp những tuyên bố "diều hâu" của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo hôm 2/11, ngân hàng trung ương Mỹ vẫn phụ thuộc vào dữ liệu. Cơ quan này sẽ đưa ra các chính sách dựa trên tình hình của thị trường việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng và một loạt yếu tố khác.
Thêm vào đó, cũng trong cuộc họp báo hôm 2/11, Chủ tịch Powell cho rằng sẽ đến lúc phải giảm tốc độ tăng lãi suất. "Chúng ta đang đi tới thời điểm đó. Nó có thể xảy ra vào ngay cuộc họp tiếp theo, hoặc cuộc họp sau đó", ông nói thêm.
Trong năm nay, việc Fed mạnh tay tăng lãi suất đã thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh mẽ của đồng USD. Chỉ số USD đã tăng 10,5% so với một năm trước đó. Cuối tháng 9, chỉ số này vọt lên gần 114 điểm, đánh dấu mức cao nhất trong hơn 20 năm.
Đà tăng phi mã của đồng USD cũng khiến euro lần đầu rẻ hơn USD sau 20 năm, còn bảng Anh có lúc tiến sát 1 USD đổi 1 bảng Anh.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.