Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

UEFA Champions League và khúc cua lịch sử

Sân cỏ thế giới thay đổi sau khi Cup C1 đổi thành phiên bản UEFA Champions League, giải đấu định nghĩa lại cách bóng đá được vận hành để có quy mô như cỗ máy giải trí ngày nay.

Ngày 20/2/1986, trang sử của AC Milan bước vào kỷ nguyên hào hùng nhất khi Silvio Berlusconi, ông chủ của đế chế Fininvest xuất hiện để thâu tóm Rossoneri. Nhưng trước khi giúp Milan lột xác, tên tuổi của ông gắn liền với cuộc cách mạng của truyền hình Italy vào thập niên 1970 khi xây dựng hệ thống truyền hình tư nhân đầu tiên.

Thành quả mà Berlusconi thu về là cực kỳ vang dội khi đáp ứng đúng thị hiếu khán giả, đó là việc bạn không cần đến rạp hát để nghe một bản nhạc hay chỉ cần ngồi trên ghế sofa để xem derby Milano thay vì chen lấn ở San Siro. Góc nhìn của Berlusconi khi mua lại AC Milan cũng thế, rằng bóng đá phải mang đến chất lượng hàng đầu để bán đi sản phẩm tốt nhất cho người xem.

Ông chủ Fininvest dần nhen nhóm ý tưởng về sân chơi giữa các ông lớn, với nhiều trận đấu diễn ra hàng tuần để trình chiếu qua truyền hình trả tiền. Ngược lại, thể thức của Cup C1 châu Âu lại quá ít trận đấu khi một đội bóng chỉ có thể tham dự ít nhất hai trận nếu bị loại ngay từ vòng 1.

Rõ là trong đầu của Berlusconi đã hướng về một Super League cho các CLB mạnh nhất, ý định tách khỏi UEFA đã xuất hiện khi ảnh hưởng và sức mạnh tài chính của đế chế Fininvest đủ sức thổi bay UEFA, tổ chức chủ yếu mang tính đại diện cho bóng đá châu Âu vào thời điểm đó, thay vì tiếng nói có trọng lượng trong mọi quyết sách. Cộng thêm những vết nứt của bóng đá châu Âu suốt thập niên 80 sau thảm họa Heysel khiến các nhà quản lý của UEFA bắt đầu ngẫm nghĩ đến cuộc cách mạng cho sân cỏ lục địa già.

Nhưng mọi thứ chỉ bắt đầu sau đại hội của UEFA vào tháng 4/1990, khi Lennart Johansson thay thế ông Jacques Georges giữ chiếc ghế chủ tịch LĐBĐ châu Âu.

Bây giờ, nếu ghé thăm sân vận động quốc gia Thụy Điển ở thủ đô Stockholm, bạn sẽ thấy có một căn phòng dành riêng cho ông Lennart Johansson với dòng chữ “Cha đẻ của Champions League”.

Ngay khi lên nắm quyền vào năm 1990, cùng cánh tay phải là tổng thư ký Gerhard Aigner (người Đức) ông Johansson tiến hành thay đổi vị thế của UEFA từ một tổ chức đơn thuần về quản lý thể thao thành trung tâm của bóng đá châu Âu, trong đó việc mục tiêu hàng đầu là khuếch trương hình ảnh các giải đấu mà UEFA nắm trong tay.

Lợi nhuận là thứ mà Johansson và Aigner muốn kiếm tìm nhằm tái đầu tư cho các nền bóng đá, nhất là thành viên nhỏ trong đại gia đình UEFA.

“Bóng đá lúc ấy không thể kiếm tiền. Chúng tôi chỉ có 15 triệu Francs Thụy Sĩ trong ngân hàng. Thế rồi có hai người từ một công ty marketing đến gặp tôi và Aigner. Họ từng làm việc cho ISL (một công ty marketing thể thao). Chúng tôi cảm thấy mình có thể tin tưởng. Cả hai tin là Cup C1 đã lỗi thời và trình bày ý tưởng về Champions League về sự trợ giúp của truyền hình và các nhà tài trợ”.

UEFA Champions League anh 1

Ông Lennart Johansson. Nguồn: Independent/Getty.

Ông Lennart Johansson nhớ lại vào năm 2010 về ý tưởng thay đổi toàn diện của Cup C1 châu Âu. Hai người đàn ông mà chủ tịch UEFA nhắc đến là Klaus Hempel và Juegen Lens, những người Đức từng gắn bó với đế chế Adidas của nhà Dassler.

Quan điểm của họ là phải tạo ra nhiều hơn trận đấu so với thể thức cũ, vốn bị lu mờ trước Cup C3 (UEFA Cup) khi nếu Cup C1 chỉ có đúng nhà vô địch quốc gia được góp mặt thì Cup C3 có đến 4 CLB từ các nền bóng đá hùng mạnh tranh tài cao thấp.

Giải pháp mà UEFA mang đến cho Champions League là thể thức thi đấu vòng bảng với cơ số trận đấu đủ để các đội bóng khai thác được khía cạnh bản quyền truyền hình, tài trợ và thương mại khi từ 2 trận đấu tối thiểu mỗi mùa giải theo thể thức loại trực tiếp cũ, thì bây giờ nếu vượt qua vòng loại họ sẽ chắc chắn có trong tay 6 trận đấu ở vòng bảng, quyết định làm hài lòng những tên tuổi lớn như AC Milan, Olympique Marseille hay Real Madrid…

Tuy nhiên, dù mọi thứ có thay đổi như thế nào thì UEFA vẫn giữ quyền tối cao trong mọi quyết sách, và cụm từ UEFA được thêm vào tên gọi Champions League là động thái khẳng định vị thế này.

Khác với Cup C1 châu Âu khi các đội bóng được tự do đàm phán bản quyền truyền hình, tài trợ, thương mại các trận đấu thì khi kỷ nguyên Champions League bắt đầu, UEFA sẽ là đầu mối chính trong việc ký kết với các nhà đài, vận động tài trợ. Xa hơn thế, phạm vi trong và ngoài sân bóng của các CLB tham dự giải đấu đều thuộc quyền khai thác của UEFA.

Trong mùa giải Champions League đầu tiên 1992-1993, 23 nhà đài cam kết phát sóng trực tiếp, thực hiện các buổi phỏng vấn, phát highlights, quảng cáo… theo chuẩn mực chung mà ban tổ chức yêu cầu.

Tuy nhiên, bước đi đột phá mà ông Lennart Johansson và các cộng sự đã làm đó là xây dựng kế hoạch marketing cực kỳ bài bản nhằm tạo ra tính nhận diện riêng cho UEFA Champions League. Từ bản nhạc hùng tráng đến biểu tượng quả bóng tròn 8 ngôi sao, tất cả âm thầm len lỏi trong suy nghĩ của người hâm mộ mỗi khi nhắc đến giải đấu vốn đại diện cho thứ bóng đá đẳng cấp hàng đầu.

“Với Champions League, bóng đá Châu Âu có dịp để tự làm mới mình, giải đấu chính là biểu tượng của sự đoàn kết và những ý tưởng cách tân”. Tổng thư ký Gerhard Aigner nhận định vào tháng 4/1993, vốn đến trước thềm trận chung kết ở Munich giữa AC Milan và Olympique Marseille, hai quyền lực thâu tóm hầu hết tên tuổi tài danh của bóng đá thế giới khi ấy.

Màn quảng bá tuyệt vời nhất cho tính toán của UEFA khi sức hút của giải đấu thông qua thể thức mới giúp ban tổ chức thu về những 70 triệu Francs Thụy Sĩ tiền bản quyền truyền hình. Trong khi tại Cup C1 mùa giải cuối cùng, tổng số tiền các đội bóng bán riêng lẻ cho các nhà đài chỉ chưa đầy 10 triệu.

Vũ Anh Tuấn / TH Books / NXB Hà Nội

SÁCH HAY